- Chiều 13/1/2016, Hội nghị toàn thể Ủy ban Tần số vô tuyến điện quốc gia lần thứ 30 đã diễn ra tại Hà Nội. Hội nghị do Bộ trưởng Bộ TT&TT Trương Minh Tuấn, Thứ trưởng Bộ CA Bùi Văn Thành, Tổng tham mưu trưởng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Phan Văn Giang và Thứ trưởng Bộ TT&TT Phan Tâm đồng chủ trì.

Hội nghị đã tiến hành đánh giá kết quả quản lý tần số năm 2016, bàn việc khai thác, quản lý và sử dụng hiệu quả nhất nguồn tài nguyên tần số năm 2017 để đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội, đảm bảo quốc phòng và an ninh.

{keywords}

Bộ trưởng Bộ TT&TT Trương Minh Tuấn và các lãnh đạo Ủy ban Tần số vô tuyến điện quốc gia kết nối cầu truyền hình để giao lưu trực tuyến với quân, dân trên hai đảo Sinh Tồn và Nam Yết thuộc quần đảo Trường Sa.

Ngay khi khai mạc, hội nghị đã kết nối cầu truyền hình với quân, dân trên hai đảo Sinh Tồn và Nam Yết thuộc quần đảo Trường Sa. Bộ trưởng Trương Minh Tuấn và các lãnh đạo Ủy ban Tần số Vô tuyến điện quốc gia (UB. TSVTĐQG) đã gửi lời chúc năm mới tới cán bộ chiến sĩ và nhân dân hai đảo, đồng thời bày tỏ mong muốn quân và dân trên quần đảo Trường Sa tiếp tục chắc tay súng bảo vệ biển, đảo của tổ quốc, kiên cường, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ nơi đảo xa.

Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ TT&TT Trương Minh Tuấn ghi nhận, dù trong năm 2016 có nhiều khó khăn và thách thức, trên cả phương diện kinh tế xã hội, quốc phòng và an ninh, nhưng với sự nỗ lực của toàn Đảng, toàn dân, chúng ta đã vượt qua khó khăn, dành được nhiều thắng lợi quan trọng, trong đó có đóng góp lớn lao của ngành thông tin vô tuyến điện.

Bộ trưởng đánh giá: "Viễn thông và thông tin di động tại Việt Nam tiếp tục phát triển mạnh theo xu hướng phát triển chung của khu vực và trên thế giới. Hoạt động của Ủy ban Tần số vô tuyến điện trong năm 2016 tiếp tục được duy trì thường xuyên và tích cực, đẩy mạnh triển khai thực thi Luật Tần số vô tuyến điện, góp phần hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về tần số. Sự phối hợp hiệu quả giữa các cơ quan dân sự, quốc phòng, an ninh trong Ủy ban đã đảm bảo cho các hệ thống thông tin vô tuyến điện, bao gồm cả các hệ thống phục vụ mục đích kinh tế xã hội và mục đích quốc phòng, an ninh phát triển và hoạt động thông suốt, giải quyết nhanh và dứt điểm nhiều vụ can nhiễu".

Thông tin di động tiếp tục phát triển mạnh

Báo cáo tại hội nghị, ông Đoàn Quang Hoan, Cục trưởng Cục Tần số Vô tuyến điện cho hay, trong năm 2016, thông tin di động tiếp tục phát triển mạnh. Số thuê bao di động tính đến cuối 2016 là 128,2 triệu. Doanh thu của các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ di động đạt trên 400.000 tỷ đồng. Vùng phủ dịch vụ di động 3G tiếp tục được cải thiện. Bộ TT&TT đã cấp phép triển khai dịch vụ 4G trên băng tần 1.800MHz cho 4 doanh nghiệp để sớm cung cấp dịch vào đầu 2017. Hạ tầng thông tin di động tiếp tục được phát triển theo hướng trở thành hạ tầng viễn thông thông minh, tạo nền móng cho phát triển kinh tế số.

Các mạng vô tuyến dùng riêng, các hệ thống thiết bị sử dụng tần số tiếp tục phát triển và trở nên phổ biến trong xã hội như thiết bị bộ đàm, điện thoại kéo dài, camera không dây, thiết bị radar ôtô...

Trong lĩnh vực truyền hình, Việt Nam đã chuyển đổi thành công sang công nghệ truyền số mặt đất và thực hiện tắt sóng truyền hình tương tự mặt đất tại 5 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và 8 tỉnh, thành phố thuộc đồng bằng Bắc Bộ và Nam Bộ. Kết quả là tiền đề rất quan trọng để giải phóng băng tần 700MHz sử dụng cho phát triển vô tuyến băng rộng tại Việt Nam.

Về công tác kiểm soát và xử lý can nhiễu, theo ông Lê Dũng, Phó Tham mưu trưởng Tác chiến binh chủng Thông tin liên lạc, Bộ Quốc phòng, các đơn vị trong Uỷ ban tần số đã tiếp nhận xử lý 265 vụ can nhiễu, tập trung chủ yếu là can nhiễu thông tin di động (211 vụ chiếm 79% tổng số vụ nhiễu) và can nhiễu do thiết bị chế áp (10 vụ, tăng 01 vụ so với năm 2015). Cục Tần số VTĐ, Bộ TL Thông tin liên lạc, Cục Kỹ thuật Nghiệp vụ I đã phối hợp giải quyết xong 12 vụ can nhiễu giữa các mạng đài VTĐ phục vụ mục đích dân sự, quốc phòng, an ninh. tổ chức phối hợp tốt trong hoạt động kiểm soát.

Nguyên nhân can nhiễu chủ yếu là do việc tự ý lắp đặt, sử dụng các thiết bị kích sóng di động để cải thiện vùng phủ sóng di động trong nhà, trụ sở công ty nhưng thiết bị không có hợp chuẩn, hợp quy và không đảm bảo chất lượng phát xạ…

Tập trung rà soát, điều chỉnh Luật Tần số VTĐ

Đối với trọng tâm công tác năm 2017, Ủy ban Tần số vô tuyến điện sẽ tập trung rà soát, nghiên cứu đánh giá Luật Tần số VTĐ và các Luật có liên quan để đề xuất các nội dung cần điều chỉnh phù hợp; Triển khai việc chuyển đổi tần số theo các quy định tại Thông tư số 25/2016/TT-BTTT ngày 21/11/2016, tổ chức giải phóng tần số của các hệ thống di động quanh khu vực sân bay quân sự, tổ chức bay đánh giá kết quả; Tổ chức đấu giá quyền sử dụng băng tần 2600 MHz để cấp phép cho doanh nghiệp viễn thông triển khai mạng 4G LTE-Advanced (tháng 6-7/2017); Cho phép doanh nghiệp triển khai 4G trên băng 900/2100MHz; nghiên cứu quy hoạch thêm các băng tần cho thông tin di động 4G, định hướng cho 5G.

Ngoài ra, Ủy ban cũng sẽ tiếp tục thực hiện đăng ký tần số quốc tế phục vụ công tác bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Việt Nam, đồng thời sửa đổi, bổ sung một số một số nội dung của Thông tư 04/2015/TT-BTTTT của Bộ TT&TT; sửa đổi Thông tư 04/2013/TT-BTTTT về Quy hoạch sử dụng kênh tần số phát thanh FM đến năm 2020 cũng như triển khai Đề án số hóa truyền hình theo lộ trình; tham mưu, đề xuất sửa đổi Quyết định 2451/QĐ-TTg của Thủ tưởng Chính phủ về Đề án số hóa truyền dẫn, phát sóng truyền hình mặt đất đến năm 2020.

 

{keywords}

Bộ trưởng Bộ TT&TT Trương Minh Tuấn phát biểu chỉ đạo tại hội nghị.

Phát biểu kết luận tại Hội nghị, Bộ trưởng Trương Minh Tuấn, Chủ tịch Uỷ ban, đề nghị tăng cường cơ chế phối hợp liên bộ giữa các bộ, ngành để đảm bảo thực thi tốt quy hoạch tần số, chống can nhiễu, bảo đảm an ninh quốc phòng, an toàn thông tin.

"Việc thông tin vô tuyến phát triển mạnh kéo theo nhu cầu sử dụng tần số của các bộ ngành trong lĩnh vực ngày càng cao, nguy cơ xung đột dẫn đến can nhiễu lẫn nhau ngày càng nhiều. Điều này đòi hỏi cần có sự phối hợp tốt hơn giữa các bộ, ngành, đặc biệt là giữa Bộ TT&TT, Bộ Quốc phòng và Bộ Công an trong quản lý tài nguyên số, nhất là trong công tác quy hoạch tần số và trong quản lý chất lượng các thiết bị, khí tài có sử dụng tần số vô tuyến", Bộ trưởng khuyến nghị.

Tuấn Anh