Kế hoạch của Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ngãi xác định rõ 3 mục đích hướng tới gồm: Triển khai kịp thời Kế hoạch quốc gia ứng phó sự cố chất thải giai đoạn 2023 - 2030 nhằm hạn chế, giảm thiểu nguy cơ, sự cố môi trường do chất thải gây ra;
Đảm bảo sự chỉ đạo tập trung, thống nhất trong quản lý nhà nước về ứng phó khắc phục sự cố chất thải; huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực, ứng phó, khắc phục hậu quả kịp thời; phối hợp chặt chẽ các cơ quan chức năng từ cấp tỉnh đến địa phương trong việc huy động, sử dụng các nguồn lực ứng phó, khắc phục hậu quả khi xảy ra sự cố chất thải;
Vận dụng, thực hiện tốt phương châm “4 tại chỗ”, chủ động ứng phó, khắc phục hậu quả nhanh; xây dựng hệ thống tổ chức đủ năng lực ứng phó, khắc phục hậu quả, giảm thiểu thấp nhất thiệt hại về con người, kinh tế, xã hội và môi trường.
Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ngãi cũng đặt ra 3 yêu cầu cụ thể: Tăng cường năng lực giám sát nguy cơ sự cố chất thải tại các khu sản xuất, kinh doanh dịch vụ tập trung, cụm công nghiệp, làng nghề; trong hoạt động khai thác, chế biến khoáng sản, lưu giữ chất thải nguy hại...
Chủ động nghiên cứu, đánh giá, xây dựng Kế hoạch ứng phó sự cố chất thải phù hợp với từng huyện, thị xã, thành phố, cơ sở; tổ chức huấn luyện, diễn tập định kỳ, sẵn sàng lực lượng, phương tiện ứng phó kịp thời, hiệu quả các tình huống xảy ra. Đầu tư mua sắm trang thiết bị, phương tiện, vật tư chuyên dụng để nâng cao năng lực ứng phó, khắc phục hậu quả.
Bảo đảm thực hiện thống nhất các quy định, hướng dẫn chuyên môn trong phòng ngừa, ứng phó sự cố môi trường do chất thải.
4 tình huống sự cố môi trường do chất thải phải thực hiện kế hoạch ứng phó đã được nhận diện.
Một là sự cố môi trường do chất thải y tế: Do rò rỉ, rơi vãi, tràn đổ, hỏng thiết bị xử lý chất thải, nước thải y tế, khí thải (từ phòng xét nghiệm vi sinh) làm phát tán chất thải lây nhiễm ra môi trường trong quá trình quản lý chất thải y tế, gây ảnh hưởng đến sức khỏe con người và phát sinh dịch bệnh trong cộng đồng.
Hai là sự cố chất thải rắn thông thường và chất thải nguy hại: Do sự cố công trình xử lý, lưu giữ chất thải rắn thông thường và chất thải nguy hại bị hư hỏng kết hợp với mưa, bão, lũ bất thường làm tràn đổ, rò rỉ chất thải ra môi trường.
Ba là sự cố chất thải lỏng (bùn thải, nước thải): Do mưa, bão bất thường làm đập hồ chứa nước thải chưa qua xử lý của Nhà máy xử lý nước thải bị sạt lở thân đập, nước thải chảy ra môi trường và khu vực dân cư; Do trong quá trình lưu giữ, vận chuyển chất thải chưa qua xử lý các phương tiện vận chuyển bị tai nạn đâm, va làm lật, đổ, bục, vỡ bồn chứa, nước thải chảy ra môi trường, khu vực dân cư, gây ô nhiễm môi trường và sức khỏe của người dân.
Bốn là sự cố chất thải khí (khí thải): Do sự cố cháy kho chứa chất thải công nghiệp, chất thải nguy hại, chất thải có chứa các chất POP (cháy dầu thải chứa PCB phát tán hóa chất độc, khói độc từ nhà kho bay ra môi trường mang theo hàm lượng CO2, NO, SO2, HCl, NO2...).
Ủy ban nhân dân tỉnh cũng đã phân công rõ nhiệm vụ cho các sở, ban, ngành, địa phương nhằm triển khai hiệu quả kế hoạch ứng phó sự cố chất thải trên địa bàn tỉnh.
Theo đó, Sở Tài nguyên Môi trường đảm nhiệm rất nhiều trọng trách như: Chủ trì, tổ chức, triển khai thực hiện Kế hoạch quốc gia ứng phó sự cố chất thải; xây dựng Kế hoạch ứng phó sự cố chất thải cấp tỉnh. Tổ chức quản lý chất thải trên địa bàn tỉnh; thực hiện nhiệm vụ chuyên môn về bảo vệ môi trường theo quy định; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm pháp luật về quản lý chất thải trên địa bàn. Phối hợp các lực lượng có liên quan ứng phó sự cố chất thải trên địa bàn; đánh giá, xác định thiệt hại, hoàn chỉnh hồ sơ pháp lý, yêu cầu chủ cơ sở gây ra sự cố chất thải bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật. Tổ chức tập huấn về ứng phó sự cố chất thải trên địa bàn tỉnh (cho phép việc lồng ghép xây dựng kế hoạch, tập huấn, diễn tập ứng phó sự cố chất thải trong các kế hoạch khác của tỉnh và của các cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh)…
Còn Sở Thông tin và Truyền thông được giao nhiệm vụ: Chỉ đạo hệ thống thông tin cơ sở tuyên truyền, phổ biến nâng cao nhận thức, trách nhiệm cho toàn dân về phòng ngừa, ứng phó sự cố chất thải. Phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức bảo đảm thông tin liên lạc, phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành các hoạt động ứng phó, tìm kiếm cứu nạn.