Thúc đẩy hợp tác toàn diện giữa Việt Nam và Nhật Bản nói chung và với Kyushu nói riêng
Tổng Lãnh sự quán Việt Nam tại Fukuoka vừa phối hợp với Liên đoàn kinh tế Kyushu tổ chức “Diễn đàn Kinh tế Kiều bào lần thứ II-Kết nối địa phương, doanh nghiệp Việt Nam-Kyushu: Thực chất-Hiệu quả-Bền vững” nhằm mục đích thúc đẩy hợp tác giữa các địa phương, doanh nghiệp của Việt Nam, các doanh nhân người Việt trên toàn cầu và Kyushu trong các lĩnh vực mà hai bên có tiềm năng và thế mạnh bổ sung cho nhau.
Chương trình thu hút gần 400 đại biểu là lãnh đạo và đại diện các địa phương của Việt Nam, các doanh nghiệp Việt Nam và Kyushu.
Đánh giá cao sáng kiến tổ chức Diễn đàn của Tổng Lãnh sự quán Việt Nam tại Fukuoka, Thứ trưởng Lê Thị Thu Hằng nhấn mạnh, trong bối cảnh Việt Nam đối diện với thách thức căn bản là chuyển đổi mô hình phát triển theo hướng bền vững hơn, cân bằng hơn, thúc đẩy hợp tác toàn diện giữa Việt Nam và Nhật Bản nói chung và với Kyushu nói riêng không chỉ là trao đổi hàng hóa, thu hút đầu tư, chuyển giao công nghệ, hay giao lưu văn hóa, mà còn thông qua tất cả các hình thức hợp tác đó, tiếp thu triết lý phát triển hài hòa của Kyushu, áp dụng một cách sáng tạo cho các địa phương Việt Nam trên nhiều lĩnh vực.
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao bày tỏ mong muốn Việt Nam và Nhật Bản nói chung và Việt Nam - Kyushu nói riêng sẽ trở thành hình mẫu của quan hệ đối tác vì phát triển trên cơ sở triển khai hiệu quả các khuôn khổ, dự án hợp tác đầu tư - thương mại, nông nghiệp công nghệ cao, lao động, đào tạo nguồn nhân lực, ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng trưởng xanh, ODA thế hệ mới, cơ sở hạ tầng chiến lược, bảo đảm an ninh lương thực và chuyển đổi năng lượng.
Đóng góp tích cực cho giao lưu, kết nối
Với nhiều lợi thế bổ sung lẫn nhau, Việt Nam đã, đang và sẽ là một phần trong lời giải của bài toán tìm kiếm động lực tăng trưởng của nền kinh tế Nhật Bản và Kyushu.
Đặc biệt, cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài với gần 6 triệu kiều bào đang sinh sống, làm việc, học tập tại trên 130 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó có nhiều doanh nhân, trí thức thành đạt ở các nước, là nguồn lực quan trọng cho công cuộc phát triển của Việt Nam, đồng thời cũng là những đối tác giàu tiềm năng cho các doanh nghiệp Nhật Bản và thế giới.
Phát biểu tại Diễn đàn, ông Hattori Seitaro, Thống đốc tỉnh Fukuoka, cho rằng Diễn đàn là sự đóng góp tích cực cho giao lưu, kết nối, phát triển của Fukuoka sau dịch COVID-19. Ông Seitaro cho biết, doanh nghiệp của Fukuoka rất quan tâm đến thị trường Việt Nam. Theo một khảo sát do cơ quan xúc tiến đầu tư của tỉnh tiến hành, Việt Nam đứng thứ hai trong số các thị trường nước ngoài mà doanh nghiệp Fukuoka quan tâm và muốn tìm kiếm cơ hội đầu tư.
Thống đốc Hattori Seitaro mong muốn Diễn đàn sẽ là cơ hội để các doanh nghiệp của Việt Nam và Kyoto kết nối, tìm kiếm cơ hội hợp tác, qua đó đầu tư của Việt Nam vào Kyushu sẽ tăng lên và ngược lại.
Bà Vũ Chi Mai, Tổng Lãnh sự Việt Nam tại Fukuoka nhấn mạnh, chủ đề của của diễn đàn sẽ là cầu nối bền vững để các địa phương, doanh nghiệp hai nước, trong đó có cộng đồng doanh nghiệp người Việt Nam tại Nhật Bản, tăng cường kết nối thúc đẩy giao thương một cách thực chất, hiệu quả.
Chia sẻ tiềm năng, thế mạnh và mong muốn hợp tác
Dưới sự điều hành của Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng và Tổng Lãnh sự Việt Nam tại Fukuoka Vũ Chi Mai, các địa phương của Việt Nam và các tỉnh trong khu vực Kyushu đã trình bày, thảo luận về tiềm năng, thế mạnh và mong muốn hợp tác của địa phương mình.
Tham luận của các đại biểu đã nêu bật tiềm năng và dư địa hợp tác to lớn của Việt Nam và khu vực Kyushu, đặc biệt trong các lĩnh vực mà hai bên có thế mạnh bổ sung cho nhau như nguồn nhân lực, y tế, giáo dục, du lịch, chuyển giao công nghệ nông, lâm, ngư nghiệp, điện tử và xuất nhập khẩu hàng hóa.
Các đại biểu bày tỏ tin tưởng những tiềm năng này sẽ được hiện thực hóa một cách mạnh mẽ, trong bối cảnh Nhật Bản có chính sách dịch chuyển chuỗi cung ứng đến khu vực Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam, và khu vực Kyushu được Chính phủ Nhật Bản lựa chọn làm trọng điểm, tạo động lực lan tỏa để phục hồi kinh tế Nhật Bản sau đại dịch COVID-19.
Trong khi đó, Việt Nam đang đẩy mạnh tái cấu trúc ngành nông nghiệp theo hướng ưu tiên công nghệ cao, công nghệ sinh học, công nghệ hữu cơ, tạo ra những sản phẩm chất lượng cao, đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế thì hợp tác với Kyushu, nơi có thế mạnh về sản xuất nông nghiệp, là một trong những lĩnh vực ưu tiên và có tiềm năng hợp tác lớn.
Thúc đẩy hợp tác, giao lưu giữa các địa phương Việt Nam và Nhật Bản
Dưới sự chứng kiến của Thứ trưởng Lê Thị Thu Hằng, các doanh nghiệp, hiệp hội của Việt Nam, người Việt Nam ở nước ngoài và Nhật Bản đã tiến hành ký kết 06 Bản ghi nhớ hợp tác trong các lĩnh vực xuất khẩu và phân phối nông sản, thực phẩm và sản phẩm từ gỗ, du lịch, đào tạo và phát triển nguồn nhân lực, doanh nghiệp xã hội.
Tiếp đó, các phiên thảo luận nhóm theo chuyên đề, các địa phương, hiệp hội, doanh nghiệp Việt Nam và Nhật Bản, các hội doanh nghiệp Việt Nam ở nước ngoài có chung quan tâm đã gặp gỡ, trao đổi, kết nối hợp tác.
Thời gian qua, hợp tác, giao lưu giữa các địa phương Việt Nam và Nhật Bản nói chung, Kyushu nói riêng phát triển rất mạnh mẽ. Các địa phương hai bên đã ký kết nhiều văn kiện về thúc đẩy quan hệ hữu nghị và hợp tác trong các lĩnh vực xúc tiến đầu tư, nông nghiệp, đào tạo nguồn nhân lực, công nghiệp sinh thái, môi trường.
Hợp tác văn hóa, giao lưu nhân dân với vùng Kyushu ngày càng phát triển. Đường bay thẳng kết nối Hà Nội-Fukuoka là một trong những đường bay năng động nhất tại khu vực. Tháng 3/2023, Trung tâm Xúc tiến và Quảng bá Kyushu đầu tiên ở châu Á đặt tại Hà Nội đã được khai trương nhân chuyến thăm Việt Nam của Ông Yutaka Aso, Chủ tịch danh dự Liên đoàn Kinh tế Kyushu.
Không thể phủ nhận, để có được những kết quả quả, có sự kết nối, tiếp sức không nhỏ của các cơ quan đại diện của Việt Nam tại Nhật Bản nói chung và tại Fukuoka nói riêng.