Trong những năm gần đây, những tên tuổi lớn của các tập đoàn như Starbucks, Google, Metro Cash&Carry, … đều phải đối diện với những cáo buộc và nghi vấn liên quan tới vấn đề chuyển giá, trốn thuế ở quốc gia họ kinh doanh, trong đó có Việt Nam. Điều này đặt ra câu hỏi về tính rõ ràng, minh bạch của cơ chế quản lý thuế hiện hành, đồng thời đòi hỏi sự hợp tác giữa các quốc gia về chính sách thuế.

Hiện tượng chuyển giá và gian lận thuế trên toàn cầu

Tại Việt Nam cũng như nhiều quốc gia khác trên thế giới, thuế không chỉ đóng vai trò quan trọng trong nguồn thu ngân sách nhà nước, mà việc duy trì một hệ thống chính sách thuế minh bạch, hợp lý còn góp phần khuyến khích đầu tư, phát triển kinh tế, thực hiện các chính sách xã hội và đảm bảo lợi ích của nhiều đối tượng. Việc đưa ra các biện pháp ưu đãi, khuyến khích trong chính sách thuế là cần thiết, song thực tế đã cho thấy những lỗ hổng trong chính sách, gây thất thoát nguồn thu. Thực tế, ngày càng có nhiều các tập đoàn đa quốc gia, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đưa ra các báo cáo kinh doanh thua lỗ kéo dài, nhưng vẫn luôn mở rộng đầu tư và không phải nộp bất kỳ một khoản thuế thu nhập doanh nghiệp nào, hoặc chỉ chịu một khoản thuế rất nhỏ.

Cụ thể, theo báo cáo của Reuters, từ năm 1998 đến tháng 10/2012, thương hiệu cafe nổi tiếng Starbucks có doanh thu hơn 3 tỷ bảng tại thị trường Anh chỉ nộp 8.6 triệu bảng tiền thuế, tức là chưa đến 3% doanh thu. Từ năm 2009 đến năm 2012, số tiền thuế mà Starbucks phải chi trả cho cơ quan thuế của Anh bằng không, dù doanh thu lên tới hơn 300 triệu bảng vào năm 2011. Điều đáng nói là trong khi Starbucks liên tục khai báo thua lỗ với các cơ quan thuế này, thì các nhà đầu tư lại nhận được báo cáo khẳng định rằng Starbucks đem lại lợi nhuận lớn và liên tục tăng trưởng, và họ rất hài lòng với kết quả kinh doanh của mình. Để làm được điều này, Starbucks đã sử dụng nhiều biện pháp nhằm làm giảm thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp, liên quan tới việc thu phí bản quyền về sở hữu trí tuệ, chuyển lợi nhuận giữa các chi nhánh của công ty và tạo ra các khoản vay từ công ty mẹ.

{keywords}

Starbucks không phải là một trường hợp cá biệt trong số các tập đoàn đa quốc gia mắc phải những nghi vấn về việc tuân thủ chính sách thuế. Theo một báo cáo của Hội đồng thương mại Hà Lan, Google đã trốn 2,4 tỷ USD tiền thuế trên toàn cầu vào năm 2014, bằng cách tận dụng những sự khác biệt về chính sách thuế giữa hai quốc gia Ireland và Mỹ. Một phần lợi nhuận của Google được trả cho chi nhánh ở Ireland dưới danh nghĩa là tiền bản quyền sáng chế của hãng (cũng là hạng mục được đánh thuế thấp hơn). Sau đó, khoản lợi nhuận khổng lồ được chuyển đến chi nhánh ở Hà Lan, trước khi qua Google Ireland Holdings có trụ sở ở “thiên đường thuế” Bermuda.

Chiến thuật mà Google, Starbucks hay rất nhiều tập đoàn đa quốc gia khác đang sử dụng đều dựa trên nguyên tắc về “chuyển giá”. “Chuyển giá” là khi số tiền thuế phát sinh trên một quốc gia đáng nhẽ phải được thu cho ngân sách quốc gia đó, lại bị chuyển dịch sang một nước khác. Ở đây, số thuế có thể được thu ở mức thấp hơn hoặc không thu, do chính sách thuế ở đó ưu đãi hơn (trường hợp này là tránh thuế) hoặc do thực trạng quản lý thuế không tốt (trường hợp này là trốn thuế). Khi các quốc gia như Mỹ thiệt hại tới hàng chục tỷ đô-là mỗi năm do những mánh lới chuyển giá của các công ty đa quốc gia, Việt Nam cũng không nằm ngoài vòng xoáy này.

Trả lời phỏng vấn của Vietnam Report về thực trạng chuyển giá tại Việt Nam, PGS. TS Lê Xuân Trường, trưởng khoa Thuế và Hải quan Học viện Tài chính nhận định rằng nhiều trường hợp có nghi vấn chuyển giá nhưng cơ quan thuế chưa chứng minh được là doanh nghiệp có hành vi chuyển giá để truy thu cho ngân sách nhà nước, chẳng hạn như Coca cola, Adidas… TS Trường cũng lưu ý rằng, chuyển giá không chỉ có ở các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam mà còn xuất hiện ở nhiều doanh nghiệp trong nước. Từ những trường hợp cơ quan thuế đã chứng minh được và truy thu vài trăm tỷ đồng một vụ cho thấy, với những trường hợp có nghi vấn chuyển giá nhưng chưa chứng minh được thì số thuế thất thu do chuyển giá là rất lớn, ước tính có thể lên đến hàng chục ngàn tỷ đồng mỗi năm.

Tăng cường hợp tác quốc tế về chính sách thuế

Chuyển giá gây thất thu lớn cho ngân sách nhà nước và tạo ra môi trường cạnh tranh không công bằng song đấu tranh chống chuyển giá là một cuộc chiến rất khó khăn, đòi hỏi nhiều nỗ lực cả về hoàn thiện hành lang pháp lý và tổ chức thực hiện.

Để chống lại chuyển giá và gian lận thuế, những nỗ lực đòi hỏi sự kết hợp của nhiều biện pháp, từ việc đặt ra những tiêu chuẩn minh bạch trong hệ thống thuế và xử phạt cho đến truy thu các trường hợp gian lận thuế một cách hiệu quả. Trong năm 2013, ngành ngân hàng ở châu Âu đã đưa ra những quy định yêu cầu các tổ chức tín dụng và đầu tư công khai minh bạch những hoạt động kinh tế thường niên của mình, với mục tiêu thanh tra các loại thuế có được trả ở nơi sinh ra lợi nhuận kinh tế thực sự, thay vì ở những thiên đường thuế. Đồng thời, Liên minh châu Âu EU cũng kêu gọi các nước thành viên công khai thông tin về đơn vị thực sự sở hữu công ty, để tránh tình trạng các công ty trốn thuế dưới vỏ bọc của các công ty mẹ. Việc trao đổi thông tin về thuế giữa chính quyền thuế của các quốc gia cũng cần được thúc đẩy, để đảm bảo các công ty có tài khoản ở nước ngoài không thể tận dụng lỗ hổng luật pháp và giấu lợi nhuận của mình.

Ngày 25/11/2016, Vietnam Report phối hợp với Tạp chí Thuế - Tổng cục Thuế và Báo VietnamNet – Bộ Thông tin Truyền thông sẽ chính thức tổ chức Lễ công bố Bảng xếp hạng V1000-Top 1000 Doanh nghiệp nộp thuế TNDN lớn nhất Việt Nam năm 2016 tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia – Hà Nội. Lễ công bố nhằm tôn vinh và ghi nhận sự đóng góp của các Doanh nghiệp lớn Việt Nam vào sự phát triển chung của nước nhà, cùng với đất nước tiếp tục dấn bước trên con đường hội nhập sâu rộng và toàn diện hơn nữa vào nền kinh tế Thế giới. Cũng trong khuôn khổ Lễ công bố sẽ vinh danh Top 50 Doanh nghiệp thành tựu xuất sắc giai đoạn 2011-2015 và giới thiệu Báo cáo thường niên Môi trường Thuế 2016 dựa trên kết quả điều tra Doanh nghiệp của Vietnam Report.

Bảo Trân Vietnam Report