Thực hiện Nghị quyết số 36 ngày 22/10/2018 về Chiến lược Phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã xây dựng “Kế hoạch hành động quốc gia về quản lý rác thải nhựa đại dương đến năm 2030”, và đầu tháng 12/2019, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Kế hoạch hành động này tại Quyết định số 1746. 

anh bai 18.jpg
Mục tiêu đến năm 2025 sẽ giảm thiểu 50% rác thải nhựa đại dương.

Mục tiêu đặt ra là đến năm 2025, xây dựng và hoàn thiện các cơ chế, chính sách phục vụ quản lý rác thải nhựa đại dương; giảm thiểu 50% rác thải nhựa đại dương; 50% ngư cụ đánh bắt cá bị mất hoặc bị vứt bỏ sẽ được thu gom; 80% các khu du lịch, dịch vụ ven biển không sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần và túi nilon khó phân hủy; 80% các khu bảo tồn biển không còn rác thải nhựa. 

Đến năm 2030, Việt Nam phấn đấu 100% các khu du lịch, dịch vụ ven biển không sử dụng các sản phẩm nhựa sử dụng một lần và túi nilon khó phân hủy; chấm dứt việc thải bỏ ngư cụ trực tiếp xuống biển; hạn chế cơ bản việc nhập khẩu phế liệu nhựa làm nguyên liệu trong sản xuất công nghiệp tại các khu chế xuất, khu công nghiệp ven biển; giảm thiểu 75% rác thải nhựa đại dương; 100% các khu bảo tồn biển không còn rác thải nhựa.

Thời gian qua, nhiều giải pháp đã được triển khai nhằm hiện thực hóa các mục tiêu đề ra, trong đó có giải pháp tăng cường hợp tác quốc tế.

Bàn về câu chuyện này, Phó Giáo sư – Tiến sĩ Nguyễn Chu Hồi, nguyên Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Biển và hải đảo nhấn mạnh việc Chính phủ Việt Nam đã cam kết và khẳng định sẵn sàng hợp tác với các quốc gia, các tổ chức quốc tế thực hiện các sáng kiến quốc tế về ngăn ngừa xả rác thải nhựa đại dương. 

Đặc biệt, Việt Nam đã đưa ra sáng kiến với các nước G7 thúc đẩy hình thành cơ chế hợp tác toàn cầu về giảm chất thải nhựa để hướng tới mục tiêu các đại dương xanh và sạch, không còn rác thải nhựa. 

Tại Kỳ họp lần thứ 6 Đại hội đồng Quỹ Môi trường toàn cầu (GEF-6), Việt Nam đã đề xuất sáng kiến “Thiết lập mối quan hệ đối tác khu vực các biển Đông Á về quản lý rác thải nhựa đại dương”. Sáng kiến này nhằm thúc đẩy sự hợp tác, chia sẻ kinh nghiệm với các tổ chức toàn cầu và địa phương; chuyển hóa mô hình tăng trưởng từ kinh tế tiêu thụ nhiên liệu sang kinh tế tuần hoàn, huy động sự tham gia của các cấp, các nhà sản xuất; thiết lập cơ chế chia sẻ thông tin và kiến thức.

Bên cạnh đó, Việt Nam luôn tạo điều kiện cho các địa phương ven biển tham gia thực hiện các dự án của các tổ chức phi Chính phủ quốc tế và trong nước, như: Tổ chức Bảo tồn thiên nhiên quốc tế (IUCN) về “Sáng kiến về rác thải nhựa đại dương và các cộng đồng ven biển” do Cơ quan Phát triển Quốc tế Thụy Điển (SIDA) tài trợ…

Từ năm 2018 đến nay, Tổ chức quốc tế về Bảo tồn thú hoang dã (WWF), Chương trình Các dự án nhỏ của Quỹ Môi trường toàn cầu (GEF SGP), Liên minh Châu Âu (EU), Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên Hợp Quốc (UNESCO) và Chương trình Phát triển của Liên Hợp Quốc (UNDP)… cũng tài trợ nhiều dự án về giảm thiểu rác thải nhựa trong du lịch biển, hoạt động thủy sản, cảng biển... ở một số tỉnh ven biển nước ta. 

Đầu năm 2020, phối hợp với Viện Nước quốc tế của Thụy Điển, IUCN Việt Nam đã hoàn thành việc xây dựng bộ tiêu chí và xác định các điểm nóng rác thải nhựa ở nước ta, đồng thời đã đánh giá tình hình quản trị rác thải nhựa ở lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn và vùng ven biển Quảng Nam - Đà Nẵng theo cách tiếp cận “từ nguồn ra biển - from Source to Sea (S2S)”. 

Chương trình Giám sát rác thải nhựa tại bãi biển Việt Nam do IUCN và Trung tâm Hỗ trợ phát triển xanh (GreenHub) đã được triển khai thực hiện với sự hỗ trợ kỹ thuật của Viện Tài nguyên và Môi trường biển (IMER) trong các năm 2018 - 2019. Dựa theo chỉ số bờ biển sạch (Coastal clean index), dự án này đã xác nhận hơn 70% bãi biển được khảo sát bị ô nhiễm nặng hoặc bị ô nhiễm rác thải nhựa. 

Năm 2020, với vai trò Chủ tịch ASEAN, Việt Nam đã có những hoạt động cụ thể liên quan đến giải quyết vấn đề rác thải nhựa đại dương trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 tác động mạnh đến mọi mặt đời sống, xã hội.

Thanh Hùng và nhóm PV, BTV