Tháng 10 năm ngoái, các chuyên gia tới từ các quốc gia ASEAN đã tụ hội tại Hội nghị Nhóm công tác vận tải hàng hải ASEAN lần thứ 45 (MTWG 45) để cùng nhau thảo luận về các vấn đề chung xoay quanh chủ đề về phục hồi và phát triển bền vững như: xây dựng các sáng kiến và khuyến nghị chính sách cần thiết để phát triển hậu cần vận tải hàng hải chiến lược giữa ASEAN và các đối tác đối thoại; Tăng cường hợp tác khu vực trong việc cải thiện an toàn giao thông; Các sáng kiến vận tải hàng hải để ứng phó với đại dịch Covid-19; Cập nhật các kế hoạch phát triển của từng quốc gia về việc nâng cao năng lực của mạng lưới cảng biển ASEAN; hiện thực hóa hoạt động của mạng lưới vận chuyển RO-RO ở ASEAN...
Bên cạnh đó, các đại diện cũng dành thời gian bàn về tương lai hợp tác với Tổ chức Hàng hải quốc tế (IMO) và đàm thoại với các đối tác đối thoại cùng các hiệp hội khu vực của ASEAN...
Các quốc gia ASEAN đã thông qua một số văn kiện hợp tác chung mang lại lợi ích cho khu vực như những bản hướng dẫn về cảng thông minh, ý tưởng phát triển năng lực của nhà điều hành VTS giai đoạn 5, dự thảo cuối cùng về hướng dẫn hiệu suất của các bến container trong khu vực ASEAN…
Việt Nam là quốc gia có tiềm năng về vận tải biển với hơn 3.260 km đường bờ biển và nằm trong khu vực nơi tuyến hàng hải thế giới sôi động chạy qua, lĩnh vực hàng hải là một trong những lĩnh vực đóng vai trò thiết yếu trong quá trình phát triển kinh tế, xã hội. Việt Nam có cơ sở hạ tầng hàng hải tương đối hoàn thiện gồm: 34 cảng biển, 296 bến cảng, đáp ứng thông qua lượng hàng hóa khoảng 750 triệu tấn/năm (trong đó khối lượng hàng hoá thông qua cảng biển Việt Nam năm 2022 đạt 724 triệu tấn, hàng container đạt 24,7 triệu teus).
Với chính sách mở cửa, Việt Nam đã và đang thu hút mạnh mẽ đầu tư vào các lĩnh vực kinh tế, trong đó kinh tế hàng hải ngày càng tăng trưởng, mở rộng. Đồng thời việc gia nhập, ký kết các hiệp định vận tải biển với các quốc gia trên toàn thế giới đã thúc đẩy giao thương làm không ngừng gia tăng khối lượng hàng hóa thông qua cảng biển Việt Nam.
Kể từ khi gia nhập ASEAN (7/1995), Việt Nam được cộng đồng ASEAN ghi nhận những đóng góp tích cực vào sự phát triển chung của cộng đồng ASEAN – gắn kết về chính trị, liên kết về kinh tế và sẻ chia trách nhiệm xã hội.
Để tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động vận tải biển giữa các nước trong khối thành viên, Việt Nam đã ký kết Hiệp định hàng hải/vận tải biển song phương với các quốc gia thuộc ASEAN như Thái Lan, Indonesia, Philippines, Malaysia, Singapore, Brunei và Myanmar.
Trong nhiệm kỳ vừa qua, với vai trò Chủ tịch MTWG 45 trong nhiệm kỳ 2022-2023 theo cơ chế luân phiên của ASEAN, Việt Nam đã thiết lập được mối quan hệ với các đối tác mới như Cơ quan phát triển Pháp (AFD) với dự án ASEAN về Chiến lược bền vững quản lý chất thải từ tàu xuyên suốt 2 năm từ 2023-2025; hợp tác với IMO thông qua Biên bản ghi nhớ về hợp tác lĩnh vực hàng hải trong tương lai....