Ngày 29/11, Đoàn công tác của Ban Chỉ đạo Trung ương các Chương trình mục tiêu Quốc gia đã làm việc với Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ngãi về triển khai, giải ngân vốn các Chương trình mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi; giảm nghèo bền vững và chương trình xây dựng nông thôn mới năm 2023.
Tỷ lệ hộ nghèo ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giảm 5,73%
Theo báo cáo của tỉnh Quảng Ngãi, thời gian qua, việc triển khai thực hiện các Chương trình MTQG trên địa bàn tỉnh luôn được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát, kịp thời của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh; công tác phối hợp giữa các cấp, các ngành, địa phương khá chặt chẽ.
Tổng kế hoạch vốn ngân sách nhà nước do tỉnh quản lý bố trí thực hiện các Chương trình MTQG năm 2023 là trên 1.434 tỷ đồng; trong đó, vốn đầu tư công trên 758 tỷ đồng, vốn sự nghiệp trên 676 tỷ đồng. Đến ngày 31/10/2023, đã giải ngân được trên 478,3 tỷ đồng, bằng 33,3% kế hoạch.
Triển khai Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS&MN, UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ngành, địa phương có liên quan triển khai thực hiện các chương trình, đề án, các chính sách Đề án, các chính sách liên quan và tập trung huy động nguồn lực đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân. Đến nay, tỷ lệ hộ nghèo ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giảm 5,73% theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2022 - 2025.
Về Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới, đến cuối năm 2023, toàn tỉnh có 100/148 xã được UBND tỉnh công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, 8 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Huyện Nghĩa Hành và Tư Nghĩa đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. Thành phố Quảng Ngãi đang hoàn thiện hồ sơ, đề nghị thẩm tra, thẩm định, xét công nhận hoàn thành xây dựng nông thôn mới.
Quảng Ngãi đã tổ chức sắp xếp, bố trí các dự án ổn định dân cư tập trung, hỗ trợ sửa chữa, xây nhà ở, nhựa hóa 60km đường nông thôn, tăng cường cơ sở vật chất cho các trường bán trú. Tỉnh hỗ trợ nước sinh hoạt phân tán từ công trình cấp nước tập trung cho 1.145 hộ; đào tạo đưa đi lao động nước ngoài hơn 200 người; tạo việc làm, tăng thu nhập cho 5.491 hộ đồng bào dân tộc thiểu số… Hiện có 3 địa phương đã hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới; 100/148 xã được công nhận là xã đạt chuẩn nông thôn mới.
Chương trình mục tiêu Quốc gia triển khai kịp thời đã góp phần thúc đẩy, phát triển kinh tế - xã hội vùng nông thôn, từng bước cải thiện hạ tầng, đời sống vật chất, tinh thần người dân, nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Bà Nguyễn Thị Ánh Lan, Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh cho biết, năm 2023, Quảng Ngãi đã bám sát chủ trương, thể hiện quyết tâm chính trị rất lớn trong việc cụ thể hóa, chỉ đạo, triển khai công tác giảm nghèo. Do vậy, tỉnh đã đạt nhiều kết quả tích cực trong thực hiện các Chương trình mục tiêu Quốc gia, nhất là giảm nghèo. Hộ nghèo ở Quảng Ngãi đến cuối năm 2023 giảm còn 6,22%, vượt 0,46% so với kế hoạch. Riêng các huyện miền núi, hộ nghèo giảm còn 24,58%, giảm 5,73%.
“Để công tác giảm nghèo đạt hiệu quả cao, Ban Chỉ đạo Trung ương cần tham mưu có cơ chế chính sách cho hộ mới thoát nghèo tiếp tục được hưởng một số cơ chế như tiếp tục được hỗ trợ bảo hiểm y tế, tiền điện từ 1 đến 3 năm, để người dân thực sự thoát nghèo bền vững. Bên cạnh đó cần nâng thêm mức nguồn vốn hỗ trợ nhà ở cho người nghèo”, bà Nguyễn Thị Ánh Lan nhấn mạnh.
Kiến nghị cho phép kéo dài nguồn vốn Chương trình MTTQ giảm nghèo bền vững
Bên cạnh những kết quả đạt được, việc triển khai các Chương trình MTQG trên địa bàn tỉnh còn nhiều khó khăn, vướng mắc. Tỷ lệ giải ngân vốn sự nghiệp thuộc Chương trình đạt rất thấp; chưa hướng dẫn cụ thể nội dung hỗ trợ đầu tư có thu hồi vốn; một số nội dung của chương trình chưa được hướng dẫn cụ thể hoặc chậm hướng dẫn.
Để triển khai thực hiện tốt các Chương trình MTQG trên địa bàn, tỉnh kiến nghị trung ương cho phép kéo dài nguồn vốn Chương trình MTTQ giảm nghèo bền vững năm 2023 sang năm 2024 tiếp tục thực hiện và giải ngân, vì năm 2023 chủ yếu các địa phương tập trung giải ngân nguồn vốn năm 2022 chuyển sang.
Tăng cường, giám sát để kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc
Phát biểu kết luận, Thứ trưởng Bộ LĐTBXH Lê Văn Thanh đánh giá cao sự nỗ lực, cố gắng của cả hệ thống chính trị tỉnh và những kết quả mà tỉnh đạt được trong triển khai thực hiện các Chương trình MTQG trên địa bàn tỉnh. Đặc biệt là mục tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo đã đạt và vượt kế hoạch đề ra. Đời sống của người dân ngày càng được nâng lên; bộ mặt nông thôn ngày càng khởi sắc.
Thứ trưởng đề nghị trong thời gian tới, tỉnh cần rà soát lại các nội dung, dự án của các Chương trình để xác định chính xác phần việc đã hoàn thành và chưa hoàn thành. Từ đó xác định rõ những nguyên nhân khó khăn, vướng mắc để có giải pháp đẩy nhanh tiến độ giải ngân trong thời gian tới. Huy động các nguồn lực để thực hiện các Chương trình hiệu quả, giúp người dân cải thiện đời sống, thoát nghèo bền vững.
Bên cạnh đó, tổ chức thực hiện các Chương trình MTQG có trọng tâm, trọng điểm để đạt được hiệu quả theo mục tiêu đề ra. Đẩy mạnh hoạt động của Ban Chỉ đạo các cấp, đảm bảo sự phối hợp chặt chẽ, kịp thời giữa các cơ quan, đơn vị trong tổ chức triển khai thực hiện. Tăng cường, giám sát để kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, đảm bảo các chương trình triển khai đúng tiến độ, phát huy hiệu quả.