Trong các ngày từ 23-30/5, Đoàn công tác của Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài do ông Mai Phan Dũng – Phó Chủ nhiệm Ủy ban - dẫn đầu đã có chuyến công tác tại Đài Loan và 2 đặc khu Hồng Công, Ma Cao (Trung Quốc) nhằm tìm hiểu tình hình cộng đồng người Việt ở sở tại.
Tại Đài Loan (Trung Quốc), từ ngày 23-25/5, Đoàn đã có các cuộc thăm, làm việc với Văn phòng Kinh tế Văn hóa Việt Nam tại Đài Bắc, đại diện Ban chấp hành đảng Tân Di Dân, các hội đoàn lưu học sinh, Hội tri thức Việt, Hội Doanh nhân Việt - Đài, các hội đoàn của cô dâu người Việt Nam, giáo viên dạy tiếng Việt trong cộng đồng và đi thăm cơ sở giảng dạy tiếng Việt tại Đài Loan.
Trao đổi với Đoàn, ông Vũ Tiến Dũng, Chủ nhiệm Văn phòng Kinh tế Văn hóa Việt Nam tại Đài Bắc cho biết, hiện cộng đồng người Việt tại Đài Loan có khoảng 120 nghìn cô dâu, chủ yếu là nội trợ, lao động phổ thông; gần 254 nghìn lao động hợp đồng; gần 24 nghìn lưu học sinh.
Tổ chức, hội đoàn của cộng đồng người Việt Nam gồm: 1 chính đảng (Đảng Tân di dân) và gần 20 hội đoàn chính thức có đăng ký, 1 tổng hội sinh viên và 2 tổ chức trí thức trẻ. Nhìn chung, bà con ta cần cù, chăm chỉ, đoàn kết, đùm bọc, ngày càng hội nhập sở tại và không ngừng hướng về quê hương; các hội thanh niên, trí thức có nhiều hoạt động thiết thực, góp phần tăng cường giao lưu, hướng nghiệp và hỗ trợ việc làm.
Công tác cộng đồng được Văn phòng đặc biệt quan tâm. Văn phòng luôn giữ mối quan hệ mật thiết, gắn bó với cộng đồng, trong đó chú trọng công tác bảo hộ công dân, giúp đỡ bà con giữ gìn văn hóa, tiếng Việt, hội nhập vào sở tại và gắn bó với quê hương.
Đánh giá cao công tác mà Văn phòng đã triển khai trong thời gian vừa qua, Phó Chủ nhiệm Mai Phan Dũng đề nghị:
Văn phòng tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Ủy ban Nhà nước về NVNONN trong công tác truyền thông, vận động bà con hoà nhập sâu rộng vào xã hội sở tại, đoàn kết gắn bó, xây dựng cộng đồng ngày càng lớn mạnh, đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế xã hội của đất nước và góp phần thúc đẩy quan hệ hữu nghị giữa Việt Nam và sở tại;
Tăng cường thăm hỏi, động viên, quan tâm đến nguyện vọng của người lao động và cô dâu Việt ở sở tại; tạo điều kiện để bà con tham gia các hoạt động do Ủy ban tổ chức (Xuân quê hương, Trại hè Việt Nam, Khóa đào tạo nghiệp vụ giảng dạy tiếng Việt..);
Khuyến khích cộng đồng tích cực hưởng ứng và triển khai hiệu quả “Đề án ngày tôn vinh tiếng Việt trong cộng đồng NVNONN giai đoạn 2023-2030”, đẩy mạnh tuyên truyền quảng bá văn hoá, tiếng Việt, nâng cao chất lượng, hiệu quả dạy và học tiếng Việt cho cộng đồng; kêu gọi, phát huy sáng kiến, đóng góp của trí thức, chuyên gia, doanh nhân, cộng đồng người Việt Nam ở địa bàn trong phát triển kinh tế, xã hội của đất nước.
Tại các cuộc làm việc với đại diện các hội đoàn người Việt Nam tại Đài Loan (Trung Quốc), Phó Chủ nhiệm Mai Phan Dũng đã thông tin tới bà con về các chính sách đối với NVNONN và công tác NVNONN; đặc biệt là dành thời gian lắng nghe những chia sẻ về khó khăn, vướng mắc và kiến nghị của bà con. Ông chúc mừng và đánh giá cao vai trò của các hội đoàn trong việc góp phần thúc đẩy quan hệ giữa Việt Nam và sở tại; trong việc đoàn kết, gắn bó cộng đồng đoàn kết, hội nhập, phát triển và hướng về quê hương.
Với tư cách là cơ quan quản lý nhà nước về công tác NVNONN, Ủy ban ghi nhận những khó khăn, vướng mắc, những kiến nghị, đề xuất cụ thể của bà con; vấn đề gì có thể giải quyết ngay (như hỗ trợ giáo trình dạy tiếng Việt, cử đoàn nghệ thuật sang biểu diễn và đoàn các chuyên gia ngôn ngữ sang tập huấn công tác dậy tiếng Việt, mở tủ sách tiếng Việt…), Ủy ban sẽ sớm đáp ứng; vấn đề gì chưa giải quyết được, Ủy ban sẽ tập hợp báo cáo lên trên và đề xuất hướng xử lý, cũng như có phản hồi sớm cho bà con.
Nhân dịp này, Đoàn đã đến thăm và dự giờ tại một số cơ sở giảng dạy tiếng Việt.
Tại Hồng Công và Ma Cao (Trung Quốc), từ ngày 26-30/5, Đoàn công tác đã có các cuộc thăm, tọa đàm, gặp gỡ với Ban liên lạc Hội người Việt Nam, Hội Sinh viên Việt Nam tại Hồng Công và đại diện Ban chấp hành Hiệp hội người Việt Nam tại Ma Cao.
Phát biểu tại cuộc gặp, Tổng lãnh sự Việt Nam tại Hồng Công Phạm Bình Đàm cho biết cộng đồng người Việt Nam tại Hồng Công hiện có khoảng 7.000 người và rất đa dạng, mặc dù mỗi người một công việc khác nhau nhưng đều chung tâm huyết tạo nên một cộng đồng vững mạnh, giúp đỡ lẫn nhau, cùng gìn giữ bản sắc dân tộc, hướng về quê hương đất nước.
Số lượng sinh viên Việt Nam tại Hồng Công mặc dù ít nhưng chất lượng cao, 100% nhận được học bổng của Hồng Công. Số lượng sinh viên gia tăng nhanh trong những năm gần đây và là một cộng đồng mới của người Việt Nam ở Hồng Công.
Tại các cuộc gặp, đại điện Ban liên lạc Hội người Việt Nam cho biết việc thành lập Hiệp hội sẽ đặt cơ sở pháp lý vững chắc cho cộng đồng người Việt, từ đó nâng cao hình ảnh, vị thế của người Việt Nam tại đặc khu này.
Đại diện Hội Sinh viên Việt Nam tại Hồng Công thông tin tới Đoàn công tác về tình hình và một số định hướng hoạt động của Hội trong thời gian qua cũng như thời gian tới. Hội đã có các hoạt động để gắn kết sinh viên Việt Nam ở sở tại, làm website cập nhật thông tin cho sinh viên, tích cực quảng bá môi trường học tập tại Hồng Công để nhiều bạn trẻ Việt Nam hiểu hơn về môi trường học tập tại đặc khu này.
Phó Chủ nhiệm Mai Phan Dũng khẳng định cuộc gặp lần này rất có ý nghĩa vì đây là thời điểm quan trọng trong quá trình cộng đồng người Việt Nam tại Hồng Công có những bước tiến tới hoàn thiện các khâu về tổ chức, thủ tục cho việc thành lập Hiệp hội. Ông cho rằng Ban liên lạc lâm thời mang tính đại diện cao, đại diện cho đầy đủ các thành phần người Việt, từ luật sư, giảng viên đại học, nghệ sỹ, nội trợ, công nhân… nên có thể đại diện cho các tầng lớp kiều bào ở Hồng Công.
Phó Chủ nhiệm Mai Phan Dũng cũng cam kết với vai trò là cơ quan quản lý nhà nước trong lĩnh vực công tác về NVNONN, Ủy ban sẽ nỗ lực hết sức mình để từng bước tháo gỡ những khó khăn, vấn đề còn tồn tại, hỗ trợ thiết thực để kiều bào ta ở Hồng Công có thể thuận lợi hơn trong quá trình hội nhập, phát triển ở sở tại và hướng về quê hương. Đối với Hội sinh viên cần tăng cường kết nối giữa các hội viên, tương tác với trong nước, làm tốt công tác mạng lưới sinh viên, thành lập hội tri thức trẻ, phát huy và gìn giữ giá trị văn hóa truyền thống, tiếng Việt cho thế hệ tiếp theo, hình thành cộng đồng gắn kết chia sẻ hỗ trợ lẫn nhau, cùng đóng góp cho quê hương đất nước.
Cũng trong dịp này, Đoàn công tác đã tới thăm khu người Việt và một số cơ sở kinh doanh của bà con người Việt ở Hồng Công.
Trong chuyến thăm, Đoàn cũng đã làm việc với ông Dương Trung Đức, Chủ tịch Hiệp hội người Việt Nam tại Ma Cao (Trung Quốc).
Theo ông Đức, trước khi dịch bệnh bùng phát, có khoảng 22 nghìn người Việt Nam và gốc Việt làm ăn, sinh sống tại Ma Cao, hiện nay giảm còn 7 nghìn người, trong đó phần lớn là người lao động làm giúp việc gia đình và phục vụ tại các sòng bài.
Hiệp hội luôn là cầu nối tin cậy cho bà con nhằm tăng cường sức mạnh đoàn kết, lan tỏa năng lượng tích cực trong cộng đồng. Ông cũng hy vọng sau khi chính quyền Ma Cao khôi phục hoàn toàn các hoạt động, số người Việt Nam sang làm việc tại đặc khu này sẽ tăng trở lại.
Phó Chủ nhiệm Mai Phan Dũng đánh giá cao việc hợp nhất các hội, nhóm, tập hợp thành một Hiệp hội, để cùng nhau đoàn kết, có tiếng nói chung đối với công việc của cộng đồng, mong rằng bà con sẽ tích cực tham gia các hoạt động trong nước như Xuân quê hương, Ngày Giỗ tổ Hùng Vương, Đoàn Kiều bào thăm Trường Sa…
Đoàn công tác cũng đánh giá cao những hoạt động ý nghĩa của Hiệp hội trong thời gian qua như chung tay cùng đất nước phòng chống dịch bệnh và thiên tai; tổ chức trang trọng các ngày lễ lớn của đất nước nhằm giúp bà con nhớ về cội nguồn dân tộc, hướng về quê hương đất nước; tổ chức các hoạt động xã hội như thể dục thể thao, văn hóa để rèn luyện sức khỏe, tăng cường tình đoàn kết, hữu nghị, cũng như giữ gìn và quảng bá những nét độc đáo của văn hóa truyền thống Việt Nam đến sở tại và bạn bè quốc tế.