Chiều ngày 22/11, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Đoàn đại biểu Quốc hội các địa phương ven biển đã tổ chức Tọa đàm “Vì một ngành Thủy sản xanh và phát triển bền vững”.

Chia sẻ tại buổi tọa đàm, ông Trần Đình Luân – Cục trưởng Cục Thủy sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho biết, nước ta có tiềm năng và lợi thế phát triển kinh tế biển, trong đó có thủy sản. Năm 2022, ngành Thủy sản đạt 9 triệu tấn, trong đó khai thác chiếm 3,8 triệu tấn, nuôi trồng là 5,2 triệu tấn. Kim ngạch xuất khẩu thủy sản của nước ta đứng thứ ba thế giới, đạt 11 tỷ đô la Mỹ, chiếm 25% GDP ngành nông nghiệp. Ngành thủy sản đã tạo việc làm cho 4 triệu người.

Tuy nhiên, ngành Thủy sản đang đứng trước khó khăn đó là biến đổi khí hậu, thời tiết cực đoan, xâm nhập mặn, sản xuất tự phát, manh mún, suy thoái hệ sinh thái biển, rào cản kỹ thuật gia tăng từ thị trường xuất khẩu. Để phát triển thủy sản bền vững, ông Luân khẳng định cần cấu trúc lại ngành Thủy sản, cân bằng giữa khai thác và nuôi trồng, bảo tồn hệ sinh thái biển. Các địa phương hỗ trợ người dân tìm sinh kế mới, chuyển đổi nghề khai thác hải sản không mang tính bền vững sang nghề khác phù hợp với địa phương.

Các địa phương cần quan tâm tới công tác chuyển đổi từ khai thác sang nuôi trồng, hỗ trợ tổ chức lại sản xuất, kết nối mô hình các tổ chức, hợp tác xã nuôi trồng thủy sản. 

ngu truog.png
Chuyển đổi nghề cho ngư dần để bảo vệ nguồn tài nguyên biển.

Chia sẻ tại buổi tọa đàm, ông Lê Minh Hoan - Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thông cho biết, nguồn lợi thủy sản hiện nay giảm về cả chất lượng và số lượng. Nguyên nhân chính là do tác động của con người, khai thác cường độ mạnh. Vì vậy, các địa phương ven biển phải cấu trúc lại ngành Thủy sản và có phương án để bà con ngư dân trong vùng không được phép khai thác thủy sản chuyển đổi sinh kế.

Mặt khác, hiện nay ngành Thủy sản phải gỡ được "thẻ vàng" của EC. Để hoàn thành mục tiêu này cần có sự chung tay của các bộ ngành, địa phương. Các giải pháp như ngăn chặn tàu cá vi phạm khai thác IUU là hoạt động trước mắt. Về lâu dài, ông Hoan cho rằng, cần bảo vệ nguồn tài nguyên biển cho đất nước, tương lai. 

Để công tác chuyển đổi nghề thành công, ông Hoan nhấn mạnh các địa phương, ngành cần tích cực đối thoại với người dân để lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của họ và tập trung giải quyết những trăn trở đó. Nếu ngư dân hiểu được các chính sách về Luật Thủy sản, việc cần thiết phải chuyển đổi nghề và đảm bảo sinh kế, cuộc sống cho họ thì họ sẽ tự giác chuyển nghề. 

Thực tế, tại nhiều địa phương các doanh nghiệp, người dân ngần ngại khi tiến hành đầu tư nuôi biển vì lo vị trí đầu tư sẽ rơi vào những khu vực quy hoạch. Các đại biểu tham dự hội nghị cho rằng, các tỉnh ven biển sớm hoàn thiện các quy hoạch, đề án chuyển đổi sinh kế để doanh nghiệp, người dân an tâm phát triển.

Cũng theo ông Nguyễn Chu Hồi – Phó Chủ tịch thường trực Hội Nghề cá Việt Nam cho rằng ngành Thủy sản Việt Nam cần xem vị trí hiện tại đang đứng ở đâu, rào cản và khó khăn để đưa ra các giải pháp phát triển tổng thể mới hướng tới xanh và bền vững.

Trước đây, nghề cá tại nước ta nhỏ lẻ, manh mún và đã phát triển trở hành nước xuất khẩu thủy sản lớn trên thế giới nhưng vẫn còn nhiều bất cập. Theo Nghị định 67, ngư dân lái thuyền thúng được vay đóng tàu to theo quy định nhưng họ lại không quen lái tàu to, không biết đến định vị vệ tinh là gì. Đây là một bài học các địa phương cần chú ý chuyển đổi nghề phù hợp.

Còn ông Luân cho rằng, việc chuyển đổi nghề cho ngư dân cũng có nhiều tiềm năng. Ví dụ hiện nay Quảng Ninh, Kiên Giang và một số tỉnh đã chuyển đổi khai thác sang nuôi trồng thủy sản kết hợp với du lịch biển trải nghiệm, người dân có thu nhập ổn định, ít ảnh hưởng tới môi trường biển. 
 

Thuý Tình và nhóm PV, BTV