Chiều 30/6, tại Hà Nội, Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) tổ chức Hội nghị cung cấp thông tin cho báo chí về hội nhập quốc tế và UNESCO.

Thứ trưởng Bộ TT&TT Hoàng Vĩnh Bảo chủ trì hội nghị. Tham dự có một số Bộ, ngành như: Bộ Ngoại giao, Bộ Công thương, Bộ Giáo dục và Đào tạo, đại diện UNESCO tại Việt Nam, đại diện một số Sở TT&TT...

{keywords}
Thứ trưởng Bộ TT&TT Hoàng Vĩnh Bảo chủ trì hội nghị.

Phát biểu khai mạc hội nghị, Thứ trưởng Bộ TT&TT nhận định, hội nghị là một trong các hoạt động định kỳ nhằm cung cấp cho phóng viên, biên tập viên các thông tin cập nhật và chuyên sâu để thông qua đó các phóng viên sẽ truyền tải đến công chúng cả nước những thông tin mới nhất về hội nhập quốc tế và UNESCO.

Trong phiên làm việc liên quan đến quan hệ hợp tác UNESCO và Việt Nam, ông Mai Phan Dũng, Vụ trưởng Vụ Ngoại giao Văn hóa và UNESCO, Bộ Ngoại giao nhận định, quan hệ giữa hai bên ngày càng đi vào chiều sâu, toàn diện, hiệu quả trong 4 lĩnh vực: giáo dục, văn hóa, khoa học tự nhiên và thông tin truyền thông.

Trong lĩnh vực giáo dục, bên cạnh tổ chức các diễn đàn, hội thảo quốc tế về lập kế hoạch chiến lược phát triển giáo dục, UNESCO đang hỗ trợ Việt Nam triển khai Dự án xây dựng bộ chỉ số đánh giá về giáo dục của Việt Nam theo tiêu chuẩn quốc tế, từ đó tham mưu, kiến nghị chính sách hiệu quả hơn với công tác giáo dục, đào tạo ở tất cả các cấp, đóng góp cho việc lập chiến lược phát triển giáo dục của Việt Nam.

{keywords}
Khu Di tích và danh thắng Yên Tử. 

Về lĩnh vực văn hoá, công tác xây dựng và bảo vệ hồ sơ đệ trình UNESCO ghi danh/công nhận danh hiệu đạt kết quả khích lệ, góp phần khẳng định bản sắc văn hoá Việt Nam, quảng bá hình ảnh đất nước, con người, văn hoá Việt Nam đối với bạn bè quốc tế, tạo ra những nguồn lực mới cho phát triển bền vững kinh tế - xã hội, góp phần làm giàu kho tàng di sản chung của nhân loại.

Năm 2019, Uỷ ban Quốc gia UNESCO Việt Nam (UBQG) đã phối hợp với các cơ quan liên quan vận động thành công UNESCO đưa Hà Nội vào "Mạng lưới các thành phố sáng tạo", ghi danh hồ sơ "Thực hành Then của người Tày, Nùng, Thái ở Việt Nam" vào danh sách di sản văn hoá phi vật thể đại diện của nhân loại. Hai danh hiệu trên cùng với việc UNESCO ra Nghị quyết cùng kỷ niệm 650 năm ngày mất của danh nhân Chu Văn An đã giúp Việt Nam tiếp tục duy trì được việc mỗi năm có 2 đến 3 danh hiệu mới được UNESCO ghi danh/công nhận trong các lĩnh vực khác nhau.

Ông Mai Phan Dũng cũng cho hay, Việt Nam đã nộp một số hồ sơ liên quan đến Nghệ thuật Xoè Thái và nghệ thuật làm gốm truyền thống của người Chăm. Tiếp tục nghiên cứu hồ sơ Vịnh Hạ Long - Cát Bà mở rộng; Khu di tích Tây Yên Tử, Nghề làm tranh dân gian Đông Hồ,...

Trong thời gian tới, UBQG UNESCO Việt Nam tiếp tục phát huy vai trò của mình, nhất là điều phối, hỗ trợ, giám sát các hoạt động của các tiểu ban, hỗ trợ các địa phương tháo gỡ khó khăn trong quá trình triển khai các chương trình dự án của UNESCO,...

Về chiến lược của UNESCO tại Việt Nam 2020 – 2021, Trưởng đại diện UNESCO tại Việt Nam Michael Croft đã nêu ra khung hợp tác của UNESCO với Việt Nam dựa trên 4 chủ đề chính là học tập vì tương lai; khoa học vì sự phát triển bền vững; đặt văn hóa ở trung tâm của sự phát triển và thúc đẩy phát triển xã hội qua truyền thông.

Lĩnh vực giáo dục được đại diện UNESCO đặc biệt quan tâm. UNESCO sẵn sàng hợp tác cùng Việt Nam hoạch định chiến lược phát triển giáo dục phù hợp vơi các xu hướng của thế giới, đại diện UNESCO cho hay.

Tình Lê