Ngày 24/11/2023, Ban Chấp hành Trung ương 8 khóa XIII tiếp tục ban hành Nghị quyết số 42-NQ/TW về tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng chính sách xã hội đáp ứng yêu cầu sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn mới. Nghị quyết đã đặt ra các mục tiêu, trong đó có các mục tiêu và giải pháp phát triển BHXH, BHYT đến năm 2030.

Mục tiêu phát triển BHXH, BHYT đến năm 2023

Theo Nghị quyết 42, BHXH Việt Nam hướng tới mục tiêu xây dựng hệ thống chính sách xã hội theo hướng bền vững, tiến bộ và công bằng, không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân, góp phần cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Hoàn thiện chính sách an sinh xã hội đa dạng, đa tầng, toàn diện, hiện đại, bao trùm, bền vững; tạo cơ hội cho Nhân dân, nhất là người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn... 

Phát triển thị trường lao động linh hoạt, hiệu quả, hội nhập quốc tế gắn với việc làm bền vững; nâng cao chất lượng quản lý phát triển xã hội gắn với bảo đảm quyền con người, quyền công dân. Trong đó, các chỉ tiêu về BHXH, BHYT, đến năm 2030 toàn quốc có thể kể đến như: 60% lực lượng lao động trong độ tuổi lao động tham gia BHXH và 45% lực lượng lao động trong độ tuổi lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp.

Đồng thời, 60% số người sau độ tuổi nghỉ hưu được hưởng lương hưu, BHXH hằng tháng và trợ cấp hưu trí xã hội; Trên 95% dân số tham gia BHYT; Trên 95% người dân sử dụng dịch vụ chăm sóc ban đầu tại y tế cơ sở được BHYT chi trả. Dễ thấy, đây là những mục tiêu khá tham vọng đang được BHXH Việt Nam phấn đấu và cần sự vào cuộc chung tay của cả hệ thống chính trị, các địa phương và cơ quan truyền thông.

bhxhchinh sach.jpg
Một buổi truyền truyền thông chính sách về BHXH, BHYT tại Tuyên Quang.

Để thực hiện các mục tiêu trên, BHXH Việt Nam đề ra 6 nhóm giải pháp, gồm: Chú trọng phát triển hệ thống BHXH linh hoạt, đa dạng, đa tầng, hiện đại, hội nhập quốc tế, bao phủ được toàn bộ lực lượng lao động; tiếp tục cải cách, mở rộng hệ thống BHXH, tạo cơ hội tham gia và bảo đảm quyền lợi hợp pháp cho người lao động. Sửa đổi chính sách BHXH một lần phù hợp với thực tiễn, gắn với an sinh xã hội. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực hiện chính sách BHXH, bảo hiểm thất nghiệp, BHYT…

Đồng thời truyền thông để người dân tham gia BHXH bắt buộc (với những lao động và thành viên của các tổ chức kinh tế tập thể làm việc theo hợp đồng, hưởng tiền lương), hoặc BHXH tự nguyện (với nông dân, người nghèo, người thu nhập thấp, lao động khu vực phi chính thức). Tiếp tục mở rộng, nâng cao chất lượng BHYT toàn dân; đa dạng các gói dịch vụ BHYT nhằm góp phần chăm sóc sức khoẻ nhân dân, giảm chi phí người dân chi trả trực tiếp cho dịch vụ y tế.

Linh hoạt các hình thức truyền thông về BHXH, BHYT

Dễ thấy, trong 6 nhóm giải pháp đề ra  BHXH Việt Nam rất chú trọng tới công tác truyền thông lan tỏa chính sách BHXH, BHYT, Bảo hiểm thất nghiệp đến tất cả các tầng lớp nhân dân trong xã hội, tập trung truyền thông có trọng tâm, trọng điểm, đúng và trúng các nhóm chủ thể tiềm năng để vận động tham gia BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình.

Chính vì vậy, BHXH Việt Nam đã chỉ đạo BHXH tỉnh, thành phố rà soát, đánh giá hiệu quả các kênh truyền thông đã và đang thực hiện; qua đó thực hiện đổi mới, đa dạng hóa, áp dụng linh hoạt các hình thức truyền thông phù hợp với đặc điểm vùng miền, phong tục tập quán, truyền thống văn hóa, tâm lý từng nhóm dân cư. Trong đó, ở mỗi nhóm dân cư nên có hình thức truyền thông đặc thù, linh hoạt trong triển khai và đa dạng nội dung khi truyền thông.

Ví dụ, truyền thông phải xuất phát từ đặc thù từng nhóm dân cư, gắn với nội dung truyền thông phù hợp, gần gũi, thân thiện; kết hợp hiệu quả giữa các hình thức tuyên truyền truyền thống với các hình thức truyền thông mới. Đơn cử, để vận động người dân tham gia BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình cần ưu tiên các gói bảo hiểm phù hợp, nói cho dân tác dụng của các hình thức bảo hiểm để người dân thấy cần thiết và tự nguyện tham gia.

Vai trò của báo chí, của cán bộ cấp cơ sở, của các đội ngũ tuyên truyền viên chính sách (Người có công, Người có uy tín..), các Hội: Cựu chiến binh, Phụ nữ, Người cao tuổi… chính là những tổ chức dễ đưa được chính sách vào cuộc sống. Bởi bản thân họ khi thấy được quyền lợi của BHYT, BHXH thì sẽ tự nguyện tham gia và vận động người thân tham gia. 

Minh Thuý và nhóm PV, BTV