Để thực hiện tốt các nhiệm vụ cải cách hành chính, Chính phủ yêu cầu tăng cường công tác chỉ đạo, điều hành cải cách hành chính, đẩy mạnh thực hiện các nhiệm vụ cải cách hành chính trong Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước; gắn kết chặt chẽ công tác cải cách hành chính của bộ, ngành với cải cách hành chính của các địa phương để bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất trong cải cách hành chính của từng ngành, lĩnh vực.
Bên cạnh đó, đẩy mạnh thực hiện đổi mới, sắp xếp và kiện toàn tổ chức bộ máy hành chính tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; đẩy mạnh phân cấp thẩm quyền giải quyết công việc và gắn kết chặt chẽ với các chính sách tinh giản biên chế trên cơ sở triển khai có hiệu quả Nghị quyết số 18-NQ/TW, Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về một số vấn đề tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; Nghị quyết số 56/2017/QH14 của Quốc hội về việc tiếp tục cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả và Chương trình hành động của Chính phủ triển khai thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII.
Tập trung xây dựng, hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách, pháp luật, đặc biệt là thể chế về phát triển, ứng dụng khoa học công nghệ, CNTT và truyền thông, giáo dục và đào tạo để tiếp cận cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, nâng cao năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh của nền kinh tế.
Ban hành kịp thời các văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành các luật, pháp lệnh, nghị định đã có hiệu lực, khắc phục tình trạng nợ đọng xây dựng văn bản quy phạm pháp luật; chú trọng cải cách thủ tục hành chính ngay trong công tác xây dựng thể chế, rút ngắn thời gian ban hành các văn bản hướng dẫn thi hành, đưa pháp luật nhanh chóng đi vào đời sống xã hội, xây dựng xã hội thượng tôn pháp luật.
Tiếp tục sửa đổi, bổ sung hoàn thiện pháp luật về đầu tư, nhất là đầu tư công, đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP); sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật về điều kiện đầu tư kinh doanh, trong đó tập trung cải cách toàn diện hoạt động kiểm tra chuyên ngành, bảo đảm cắt giảm, đơn giản hóa 50% danh mục hàng hóa, sản phẩm và thủ tục kiểm tra chuyên ngành, cắt giảm, đơn giản hóa 50% điều kiện đầu tư kinh doanh.
Đều đặn tổ chức đối thoại giữa cơ quan nhà nước với cộng đồng doanh nghiệp; tăng cường tổ chức các đoàn kiểm tra liên ngành để kịp thời hướng dẫn, đôn đốc và tháo gỡ vướng mắc trong công tác theo dõi thi hành pháp luật ở các bộ, ngành, địa phương.
Tại Hà Nội, UBND thành phố đã ban hành 36 Quyết định công bố thủ tục hành chính ở các lĩnh vực môi trường, đất đai, khoáng sản, công thương, giáo dục, y tế, xây dựng, nông nghiệp và phát triển nông thôn, du lịch, y tế...
Hiện nay, tổng số thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của các cơ quan, đơn vị thuộc thành phố là 1.856 thủ tục hành chính, trong đó Sở, cơ quan tương đương Sở là 1.407 thủ tục, cấp huyện 300 thủ tục, cấp xã 149 thủ tục.
Ngoài các tiêu chí về ứng dụng CNTT theo quy định của Bộ Nội vụ, Hà Nội cũng đưa ra các tiêu chí về việc không có hồ sơ giải quyết quá hạn, số lượng dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 đạt tỷ lệ theo lộ trình triển khai của thành phố và mức độ hài lòng của cá nhân, tổ chức đạt từ 90% trở lên.
Sau hơn 1 năm triển khai thực hiện Quyết định số 07/2016, các cơ quan, đơn vị đã tiếp nhận hơn 8,5 triệu hồ sơ thủ tục hành chính.
Tỷ lệ hồ sơ giải quyết đúng hạn đạt mức cao 98,93% (trong đó Sở, cơ quan tương đương Sở đạt tỷ lệ 98,39%, cấp huyện 98,73%, cấp xã 99,66%). Một số lĩnh vực hầu như không có hồ sơ quá hạn như công thương, đăng ký kinh doanh, văn hóa thông tin.