Dữ liệu cá nhân được mua đi bán lại nhiều lần

Theo Bộ Công an, nước ta là một trong những quốc gia có tốc độ phát triển và ứng dụng internet cao nhất thế giới. Số lượng người sử dụng internet của Việt Nam đã đạt hơn 64 triệu người, chiếm hơn 2/3 dân số (66%), tăng hơn 19% so với năm 2018.. Cơ sở hạ tầng số phát triển nhanh và cơ sở hạ tầng dữ liệu đang được cải thiện.

Tuy nhiên, trên không gian mạng, tình trạng lộ, lọt, hoạt động đánh cắp, mua bán dữ liệu cá nhân lại đang diễn ra phổ biến. 

{keywords}
Xây dựng Nghị định bảo vệ dữ liệu cá nhân là một nhiệm vụ trọng tâm, bảo đảm yếu tố pháp lý cho triển khai bảo vệ dữ liệu cá nhân ở nước ta và bảo đảm hoạt động cho Chính phủ điện tử (Ảnh minh họa)

Theo Bộ Công an, các dữ liệu này chi tiết, cụ thể, được mua đi, bán lại nhiều lần, cung cấp dưới dạng dịch vụ.

Qua rà soát sơ bộ, Bộ Công an phát hiện hơn 60 tổ chức, cá nhân liên quan đến hoạt động mua bán, sử dụng trái phép thông tin, dữ liệu cá nhân trên không gian mạng, bao gồm: Các công ty cung cấp giải pháp công nghệ, nhân viên môi giới bất động sản, nhân viên ngân hàng, cơ quan nhà nước, người có khả năng truy cập vào hệ thống chính quyền điện tử về giáo dục, y tế, chứng khoán, bệnh viện...

Bộ Công an cũng cho biết, xuất hiện các công ty cung cấp dịch vụ bán cho khách hàng phần mềm thu thập thông tin cá nhân trái phép, được cài ẩn trong các trang mạng bán hàng để thu thập thông tin. Khi người dùng truy cập vào các trang mạng này, doanh nghiệp sẽ thu thập được các thông tin cá nhân sâu hơn về phiên truy cập như địa chỉ IP, thời gian, số điện thoại, địa điểm.

Thực tiễn an ninh mạng ở nước ta hiện nay cũng cho thấy, các vụ việc xâm phạm an ninh mạng, bảo mật máy tính ngày càng gia tăng; đặc biệt là các vụ tấn công ứng dụng web. Nhiều trang mạng ở nước ta chưa chú trọng công tác bảo mật đã trở thành mục tiêu cho các đối tượng xâm nhập, chiếm đoạt dữ liệu.

Một số đối tượng còn thực hiện hành vi tấn công vào hệ thống lưu trữ dữ liệu cá nhân, thông tin khách hàng như hệ thống cước phí internet của các ISP để xóa cước phí, đánh cắp thông tin của các doanh nghiệp để bán cho đối thủ của họ, ăn cắp mật khẩu của các tài khoản nhằm mục đích biển thủ tiền...

Cần có nghị định riêng 

Ngày 29/9, Nghị quyết 138 của Chính phủ về việc thông qua đề nghị xây dựng Nghị định bảo vệ dữ liệu cá nhân được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ký ban hành.

Theo đó, đề nghị xây dựng Nghị định bảo vệ dữ liệu cá nhân được Chính phủ thông qua trên cơ sở xem xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Công an tại Tờ trình số 399 ngày 5/8/2020 và trên cơ sở kết quả biểu quyết của các thành viên Chính phủ.

Bộ Công an được giao chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan, địa phương liên quan nghiên cứu, xây dựng Nghị định bảo vệ dữ liệu cá nhân,  trình Chính phủ trong quý I/2021.

Bộ Công an cho biết, trong thời đại công nghệ số hiện nay, đặc biệt là sự phát triển mạnh mẽ của các công nghệ mang tính đột phá trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, vấn đề bảo vệ dữ liệu cá nhân đang ngày càng trở nên cấp thiết.

Trên thế giới, vấn đề bảo vệ dữ liệu cá nhân đã được nhiều quốc gia như Mỹ, Pháp, Đức, Nhật Bản... và Liên minh châu Âu hết sức coi trọng. Thống kê cho thấy, hiện đã có hơn 80 quốc gia ban hành văn bản quy phạm pháp luật về bảo vệ dữ liệu cá nhân.

Theo Bộ Công an, việc xây dựng Nghị định bảo vệ dữ liệu cá nhân xuất phát từ một số yêu cầu cơ bản, bao gồm: Yêu cầu từ sự phát triển kinh tế số và ứng dụng khoa học - công nghệ vào đời sống xã hội; Yêu cầu từ công tác phòng ngừa, đấu tranh, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật; Yêu cầu cấp bách của việc triển khai Chính phủ điện tử và thể chế hóa chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước…

Cùng với đó, Bộ Công an cũng  đề xuất quan điểm chỉ đạo xây dựng Nghị định; phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng cùng các mục tiêu, nội dung của chính sách, giải pháp thực hiện chính sách.

Bích Hạnh - Ngọc Dũng