Ca nặng tăng cao ngoài dự báo
Theo bác sĩ Hồ Hữu Đức, Phó giám đốc Bệnh viện Dã chiến điều trị Covid-19 Đa tầng Tân Bình, lượng bệnh nhân nhập về tăng lên từ giữa tháng 10 đến nay. Cao điểm nhất là 2 tuần qua.
Mỗi ngày, bệnh viện đang nhận khoảng 70-100 ca Covid-19, trải đều ở 3 tầng (tầng nhẹ, trung bình và bệnh nặng). Đáng chú ý, riêng nhóm bệnh nhân nặng chiếm từ 10 đến 20 ca trong ngày. Giai đoạn đầu tháng 10, chỉ dưới 10 ca nặng/ngày.
Chăm sóc bệnh nhân nặng tại Bệnh viện Dã chiến điều trị Covid-19 đa tầng Tân Bình. |
Tại khu bệnh nặng (tầng 3), hiện có 1 máy ECMO, 2 máy lọc máu và 10 máy lọc thận chu kỳ cho bệnh nhân Covid-19 bị suy thận.
“Chưa một ngày nào máy móc được nghỉ, hết bệnh nhân này dùng lại đến bệnh nhân khác phải chạy”, bác sĩ Đức cho biết.
Theo bác sĩ Đức, thời điểm “êm” nhất, Bệnh viện Dã chiến điều trị Covid-19 đa tầng Tân Bình chỉ còn 350 bệnh nhân với 100 ca nặng. Còn hiện tại, số ca nặng tăng gấp đôi trong tổng số 850 ca Covid-19 đang điều trị.
Giải thích về tình trạng dồn ứ trên, bác sĩ Đức cho rằng có nhiều lý do. Thứ nhất, Trung tâm hồi sức của các đơn vị chi viện như Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Việt Đức đã rút khỏi TP.HCM. Bệnh viện TP chuyển công năng về hoạt động trong tình hình “bình thường mới”. Vì vậy, chỉ còn 7 đơn vị gánh cho toàn TP điều trị bệnh nhân Covid-19 nặng hoặc cần hồi sức.
Thứ 2, theo phân công của Sở Y tế TP.HCM, bệnh viện phụ trách nhận bệnh nhân Covid-19 quận Phú Nhuận và quận Tân Bình. Tuy nhiên, Sở Y tế vẫn linh hoạt điều tiết bệnh từ các cơ sở quá tải chuyển về, hoặc Trung tâm Cấp cứu 115 điều đến, đảm bảo bệnh nhân được điều trị nhanh nhất.
Vì vậy, Bệnh viện Dã chiến điều trị Covid-19 Đa tầng Tân Bình nhận thêm bệnh nhân Covid-19 từ quận Gò Vấp, quận 12, huyện Củ Chi, huyện Hóc Môn, quận Bình Tân… “Số lượng nhiều, số ca nặng và hồi sức cũng tăng cao”, bác sĩ Đức nhận định.
Một số Bệnh viện điều trị Covid-19 thiếu nhân lực điều trị cho bệnh nhân nặng. |
Ngày 24/11, Bệnh viện này ghi nhận 7 ca tử vong. Trong đó, 6 trường hợp trên 70 tuổi có nhiều bệnh lý nền, 1 ca 42 tuổi và có bệnh nền như xơ gan, nhiễm HIV, xuất huyết tiêu hóa. Đáng chú ý, 4/7 ca tử vong chưa tiêm vắc xin Covid-19.
Người nhà cho biết, bệnh nhân chủ yếu nằm trong nhóm chống chỉ định vì nhiều bệnh nền, hoặc người nhà sợ tiêm vắc xin gặp sự cố. Ngoài ra, cũng có ý kiến cho rằng người lớn tuổi không đi ra ngoài, khó bị nhiễm bệnh nên bỏ qua tiêm chủng.
“Hầu hết các ca tử vong do chưa tiêm vắc xin và kèm theo bệnh lý nền, lớn tuổi”, bác sĩ Hồ Hữu Đức nhận định.
Bệnh viện Dã chiến số 3 ở TP.HCM cũng đang căng thẳng vì số lượng bệnh tăng cao, tập trung vào nhóm bệnh nhân nặng, hồi sức.
Bác sĩ CKII. Võ Đức Hùng, Phó Giám đốc bệnh viện Dã chiến số 3 cho biết, mỗi ngày, số F0 nhẹ xuất viện khoảng 50-60 ca, nhưng số hồi sức nhập vào luôn ở mức 10 ca.
Bác sĩ Hùng cho biết, bệnh viện được thiết kế với công suất khoảng 2.500 giường trong cao điểm dịch bệnh. Thời điểm này, chỉ còn 400 ca Covid-19 nhưng có đến hơn 50 bệnh nhân nặng, hồi sức. Việc theo dõi, điều trị cho bệnh nhân hồi sức rất khó khăn và đòi hỏi nhiều nhân lực.
“Khát nhân lực” tại các bệnh viện Covid-19
“Chắc chắn là quá tải”, bác sĩ Hồ Hữu Đức cho biết. Với gần 200 bệnh nhân nặng, cần hồi sức (trong đó có bệnh nhân ECMO, lọc máu), chỉ có khoảng 12 bác sĩ mỗi tua trực làm nhiệm vụ theo dõi, điều trị.
Tương tự, với 50 bệnh nhân nặng của Bệnh viện dã chiến số 3, mỗi tua trực chỉ có 4 bác sĩ và 5 điều dưỡng chăm sóc.
Bác sĩ Võ Đức Hùng cho rằng, đáng ngại nhất là tăng bệnh nặng. Thiếu nhân lực, việc điều trị hồi sức hiện rất khó khăn. Do đó, Bệnh viện dã chiến số 3 nhận bệnh nhân chủ yếu từ Bệnh viện Lê Văn Thịnh hoặc địa bàn TP Thủ Đức chuyển về, khó có thể nhận thêm từ nơi khác.
Nhiều bác sĩ vẫn chưa được về nhà sau nhiều tháng chống dịch. |
Thời điểm trước đó, Bệnh viện Dã chiến số 3 có 180 nhân viên y tế, nhưng lúc này chỉ còn khoảng 40 bác sĩ điều trị. Riêng bác sĩ Võ Đức Hùng, từ khi bệnh viện hoạt động đến nay đều có mặt 24/7 cùng đồng nghiệp. “Tôi chưa về nhà lần nào, cũng không biết sắp tới ra sao”, ông chia sẻ.
Trước tình hình ca nặng tăng cao, nằm ngoài dự tính, Bệnh viện Dã chiến số 3 đã đề xuất Sở Y tế TP.HCM tăng cường nhân lực. Các tình nguyện viên đang tham gia tại đây, chủ yếu hỗ trợ nhập liệu và lấy mẫu, do đó không giảm được áp lực điều trị.
“Anh em y tế cố gắng làm chứ không thể bỏ bệnh nhân được, phải cố thôi”, bác sĩ Hùng cho biết.
Trong khi đó, tầng 3 của Bệnh viện Dã chiến điều trị Covid-19 đa tầng Tân Bình, công suất tối đa là 220 giường. Dù mới chỉ nhận gần 200 bệnh nhưng đã quá tải khi chỉ còn 51 bác sĩ, 90 điều dưỡng chia ra 3 ca 4 kíp.
Bác sĩ Hồ Hữu Đức phân tích, nhân lực từ trước đến nay chỉ giảm chứ không tăng.
Bệnh viện Thống Nhất phụ trách khu tầng 3 – bệnh nhân nặng. Thời gian gần đây, y bác sĩ rút dần để phục hồi công năng, đón bệnh không Covid-19. Bên cạnh đó, nhân lực vẫn rải quân ở Bệnh viện dã chiến số 8 và số 6 nên không thể điều động thêm về khu Đa tầng.
Trước đây, lực lượng tình nguyện viên là nhân viên y tế từ các bệnh viện tư nhân, phòng khám tư nhân đã san sẻ công việc khá hiệu quả. Khi TP.HCM mở cửa hoạt động “bình thường mới” thì lực lượng này cũng rút đi. Đây cũng là 1 lý do khiến nhân lực thêm khan hiếm.
“Người giảm đi nhưng bệnh nhân tăng nên quá tải là tất nhiên. Lực lượng anh em trực quá mỏng nên không thể nhận hết công suất của khu hồi sức”, bác sĩ Đức nhận định.
Tập thở cho bệnh nhân Covid-19 tại Bệnh viện Dã chiến điều trị Covid-19 đa tầng Tân Bình. |
Tại Trung tâm Hồi sức Covid-19, Bệnh viện Trung ương Huế, bác sĩ CKII. Nguyễn Đình Khoa, Phó Giám đốc Trung tâm cho biết, hiện lượng bệnh tăng cao ở cả 3 tầng. Nhân lực của các bệnh viện thành viên hiện đang rút dần. Do đó, Sở Y tế TP.HCM đã tăng cường thêm nhân lực từ Bệnh viện Nhân dân 115, Bệnh viện Nhi đồng 1 và Bệnh viện Từ Dũ cho cơ sở này.
Hiện các bác sĩ cũng đang chờ đợi được Bộ Y tế phê duyệt tiêm tăng cường vắc xin mũi 3 để yên tâm chống dịch, vì đã tròn 6 tháng kể từ khi hoàn thành mũi tiêm thứ 2.
Theo Cổng thông tin Covid-19 TP.HCM, trong ngày 24/11, TP có 1.663 ca mắc mới, 77 ca tử vong, trên 41.000 F0 cách ly tại nhà. Sở Y tế TP.HCM cho biết, có khoảng gần 14.000 F0 đang điều trị, 350 bệnh nặng thở máy xâm lấn, 10 ca ECMO tính đến ngày 22/11.
>>> Xem thêm tình hình dịch Covid-19 tại TP.HCM mới nhất
Linh Giao
TP.HCM vẫn đang “chiến đấu” với đợt dịch Covid-19 thứ 4
Chánh văn phòng Sở Y tế TP.HCM khẳng định, F0 tăng cao trong thời gian gần đây không phải dấu hiệu của một đợt dịch COvid-19 mới.