Cập nhật thông tin tình hình dịch bệnh, giá cả thức ăn chăn nuôi, giá bán theo từng ngày và cả giao dịch mua, bán lợn trên nhóm Zalo của xã là cách mà nhiều hộ chăn nuôi lợn tại xã Tân Thịnh, thành phố Yên Bái, tỉnh Yên Bái đang áp dụng để đảm bảo an toàn dịch bệnh trước tình hình dịch tả lợn châu Phi đang diễn biến phức tạp hiện nay.
Gia đình anh Phạm Trung Kiên ở thôn Thanh Hùng, xã Tân Thịnh, thành phố Yên Bái là hộ có kinh nghiệm chăn nuôi lợn đã hơn 20 chục năm. Hiện, trong chuồng của gia đình anh Kiên thường xuyên duy trì đầu đàn khoảng trên dưới 50 chục con lợn thịt và 10 con lợn nái sinh sản. Trung bình mỗi năm gia đình anh xuất bán hơn chục tấn lợn, sau khi trừ hết các chi phí cũng cho thu nhập khoảng 200 triệu đồng.
Anh Kiên chia sẻ: "Để ngăn chặn nguy cơ dịch bệnh có thể xảy ra thì công tác phòng dịch được gia đình tôi ưu tiên hàng đầu; định kỳ tiêm vắc xin đầy đủ và việc chủ động được con giống vừa đảm bảo chất lượng cũng vừa hạn chế dịch bệnh từ bên ngoài vào. Tuy nhiên, trước diễn biến phức tạp của tình hình dịch tả lợn châu Phi hiện nay thì gia đình tôi tuân thủ chặt chẽ quy trình chăn nuôi. Cả gia đình tôi chỉ có hai vợ chồng thay nhau vào chuồng trại để chăm sóc, vệ sinh chuồng trại, tuyệt đối không cho người lạ ra vào chuồng trại. Nhất là vào thời điểm xuất bán lợn, nhờ có công nghệ thông tin nên tôi chỉ cần gửi hình ảnh hoặc video cho thương lái xem hàng. Sau khi bán xong tôi thường xuyên phun thuốc khử trùng tiêu độc vệ sinh chuồng trại nhằm hạn chế lây lan dịch bệnh”.
Cũng như gia đình anh Kiên, ông Nguyễn Mạnh Hùng cũng là hộ chăn nuôi lợn nhiều năm nay ở xã Tân Thịnh, trung bình trong chuồng lúc nào cũng nuôi từ 50 con trở lên, trong đó có 7 con lợn nái sinh sản. Vừa qua, gia đình ông cũng đã xuất bán một lứa được hơn 1,2 tấn lợn hơi. Với giá 69 nghìn đồng/kg, gia đình ông Hùng cũng đã thu về gần 90 triệu đồng, trừ chi phí lãi khoảng từ 20 - 25 triệu đồng.
"Hiện nay, công nghệ thông tin và mạng internet đã hỗ trợ người chăn nuôi rất nhiều, giúp chúng tôi có thể tìm hiểu thêm về kiến thức kỹ thuật chăn nuôi, nắm bắt cập nhật những thông tin về tình hình dịch bệnh, giá cả thức ăn chăn nuôi, giá bán lợn theo từng ngày; đặc biệt là việc trao đổi thông tin mua, bán lợn diễn ra nhanh chóng, thuận lợi hơn nhiều so với trước đây. Khi có thương lái hỏi mua, tôi chỉ cần gửi hình ảnh qua Zalo cho họ. Sau khi thỏa thuận giá cả xong, tôi trực tiếp vận chuyển lợn ra bên ngoài bằng lối đi riêng để giao cho thương lái chứ cũng không cần vào tận chuồng để bắt lợn nhằm hạn chế lây lan dịch bệnh”, anh Hùng chia sẻ.
Ông Trung Hải Sâm - Phó Chủ tịch UBND xã Tân Thịnh cho biết: Toàn xã hiện có 60 mô hình chăn nuôi lợn theo hướng hàng hóa, với tổng đàn khoảng trên 4.500 con. Để thúc đẩy phát triển chăn nuôi đàn gia súc, gia cầm theo hướng hàng hóa cũng như công tác phòng, chống dịch bệnh, xã đã chỉ đạo cán bộ phụ trách địa chính, nông lâm của xã thành lập nhóm Zalo với tất cả các hộ chăn nuôi trên địa bàn.
Thông qua việc thành lập nhóm Zalo giúp các hộ chăn nuôi có thể cùng nhau trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm trong phát triển chăn nuôi. Đồng thời đây cũng là kênh để UBND xã triển khai các văn bản, chủ trương chính sách hỗ trợ phát triển chăn nuôi của tỉnh và thành phố một cách kịp thời tới các hộ dân; tăng cường công tác tuyên truyền, hướng dẫn về các biện pháp phòng, chống dịch, chăn nuôi thú y đảm bảo an toàn sinh học.
Qua nhóm cũng thông tin kịp thời về tình hình giá cả thị trường thức ăn chăn nuôi, con giống và đầu ra sản phẩm để người dân có thể chủ động nắm bắt thông tin, định hướng cho kế hoạch phát triển chăn nuôi của mình.
Trước sự phát triển của khoa học - công nghệ và thực hiện kế hoạch chuyên đổi số ở các địa phương, việc ứng dụng công nghệ thông tin trong chăn nuôi của các hộ gia đình ở xã Tân Thịnh đã và đang góp phần thúc đẩy mạnh chăn nuôi bền vững, góp phần hạn chế thấp nhất những rủi ro trước tình hình bệnh dịch tả lợn châu Phi đang diễn biến phức tạp hiện nay.
Theo Đức Toàn (Báo Yên Bái)