“Hơn hai tháng trước đây, dân Pháp vừa vĩnh biệt một nhà văn - vốn được coi như “người trong gia đình” của họ - qua 50 tác phẩm đậm chất nhân văn và hàng ngàn buổi nói chuyện trên truyền thanh, truyền hình cũng như trong các chương trình văn hóa có uy tín nhất.
Sáng 8-12-2017, Tổng thống Pháp Macron và hai vị tiền nhiệm Sarkozy, Hollande cùng hàng trăm nhà văn hóa, hàng ngàn người yêu mến đã tiễn đưa nhà văn hàng đầu Jean d’Ormesson, một con người lạc quan đến độ ngạc nhiên trong cuộc sống nhiều biến động của xã hội phương Tây.
Ông Emmanuel Macron đặt lên quan tài được phủ quốc kỳ Pháp một cây bút chì màu xanh theo ý nguyện của người quá cố, một nhà văn ở tuổi 92 mà vẫn còn viết bằng bút cho đến cuối đời. Tác phẩm cuối cùng ông viết vào năm 2016 với tên sách dài dằng dặc Je dirai malgré tout que cette vie fut belle (Tôi sẽ nói cuộc đời này dù sao cũng thật đẹp) là đúc kết nhân sinh quan của một người cầm bút được xem như huyền thoại của nền văn học Pháp.
Jean d’Ormesson dí dỏm: “Tôi viết cuốn sách đầu tiên để tán gái và nay ở tuổi 92 tôi vẫn còn chạy theo phụ nữ mà không biết để làm gì”. Lạc quan như ông cũng hiếm người có được. Cuộc sống riêng tư đôi lúc không suôn sẻ nhưng ngòi bút của ông chẳng hề oán trách ai. Không có thói quen thù oán và bí quyết sống của ông là phải yêu mọi người, mọi thứ. Ông nói: “Nếu bạn yêu đời, yêu người, yêu cái đẹp, không bận tâm đến những tỵ hiềm thì hạnh phúc không xa”. Điều này giải thích tại sao ông được người Pháp gọi là nhà văn của hạnh phúc (écrivain du bonheur) một cách đầy trìu mến và bản thân cũng là một nhà văn hạnh phúc.
Nền văn học của chúng ta hiếm hoi có được những con người được tôn vinh như vậy cũng như quá ít những văn nhân cảm nhận được hạnh phúc như Nguyễn Công Trứ với “ngũ thập niên tiền nhị thập tam”, với “Đường mây rộng thênh thênh cử bộ/Nợ tang bồng trang trắng, vỗ tay reo”.
Tác phẩm văn học của chúng ta ngay trong thời bình, thì nỗi trăn trở khổ đau được mô tả quá nhiều, trong khi niềm lạc quan yêu đời, yêu người thì quá ít. Phải chăng bức tranh xã hội còn nhiều gam màu xám đã làm mờ đi những điểm sáng màu hồng, trong khi khái niệm về hạnh phúc thì muôn màu muôn vẻ.
Có người cho rằng hễ làm được việc mình muốn làm mà lại có ích cho người khác là đã hạnh phúc. Có người mô tả hình tượng hơn “hạnh phúc không phải là căn nhà của bạn to lớn bao nhiêu mà tiếng cười trong căn nhà ấy rộn ràng như thế nào”.
Với tuổi già thì hạnh phúc không phải là ăn ngon mặc đẹp mà là khỏe mạnh và bình yên.
Với người vợ, được nuông chiều chưa hẳn hạnh phúc bằng khi tuyệt vọng thì nghe bên tai tiếng người chồng “em yên tâm, có anh ở đây”.
Với người mẹ tha phương cầu thực trên đất Sài Gòn này thì hạnh phúc là nuôi được hai con vào đại học bằng đồng tiền chắt mót nhờ đi nhặt ve chai mỗi ngày.
Và nếu ai đó xem hạnh phúc đơn giản là kiếm được nhiều tiền thì đừng quên câu nói nổi tiếng của Charlie Chaplin: “Giá trị lớn nhất của tiền bạc là làm cho chúng ta không bận tâm về nó”.
Đúng là hạnh phúc có thiên hình vạn trạng, là thứ quý nhất đời khiến chúng ta không ngừng tìm kiếm.
Có một câu chuyện phiếm luận được chia sẻ trên mạng xã hội rất vui: Một bầy ác quỷ muốn hại con người bèn tìm cách lấy đi thứ gì đó mà con người quý nhất. Sau khi bàn bạc, chúng nhận ra thứ đó là hạnh phúc, mà nếu không có thì con người sẽ ngày đêm khổ sở u uất.
Lấy được thì dễ rồi, nhưng giấu ở đâu bây giờ để không ai tìm được? Một con quỷ bảo hãy quẳng cái thứ đó lên đỉnh núi cao nhất thế gian. Nhưng cả bầy nhao nhao: “Không nên, cao như đỉnh Everest, con người vẫn gan lì lên được.
Hay chôn dưới lòng đất sâu? Cũng không được, vì con người vốn thông minh vẫn thường đào sâu hàng chục cây số dưới đáy biển giành nhau sản vật trời cho đến mức dọa dẫm đâm chém nhau.
Hoặc mang giấu ở một hành tinh khác? Cũng không xong, chuyện thám hiểm hành tinh ngày nay con người thực hiện như cơm bữa.
Cả bầy quỷ im lặng suy nghĩ. Bỗng một con quỷ già lụ khụ đứng lên nói: “Ta biết nên giấu cái thứ quý hóa của loài người ở đâu rồi: hãy giấu chính bên trong con người. Chúng nó thường lục lọi tìm kiếm hạnh phúc khắp nơi và khi nào cũng thấy người khác hạnh phúc hơn mình, thế là mặc sức cho chúng tìm, giấu ở đó thì con người không dễ gì tìm được”.
Tất nhiên đây là câu chuyện hoang đường nhưng lại sống động trong cuộc chạy tìm hạnh phúc với bao khát khao tiền bạc, địa vị, quyền lợi, dễ làm con người bị tha hóa đến mức không muốn cho người khác được hạnh phúc. Như trong thực tế đời thường, đi tìm một người sẵn sàng chia buồn với nỗi khổ đau của chúng ta thì dễ, còn tìm người thật lòng chung vui thì liệu có được bao nhiêu?
Thời đại kỹ thuật số nên hạnh phúc vốn là khái niệm trừu tượng cũng được số hóa. Cách đây sáu năm, Đại hội đồng Liên hiệp quốc đã thông qua một nghị quyết lấy ngày 20-3 hàng năm là Ngày hạnh phúc cho toàn thế giới theo đề xuất của Vương quốc Bhutan, một nước còn nghèo nhưng người dân được xem là có hạnh phúc nhất.
Từ thập niên 1970, quốc vương Bhutan đã đưa ra một phương thức mới đánh giá sự thịnh vượng của xã hội, đó là thông qua chỉ số hạnh phúc quốc gia bên cạnh các chỉ số kinh tế thường được dùng để đánh giá sự giàu có về vật chất. Thế là từ nay, hạnh phúc được tính toán trên các chỉ số về sức khỏe, tinh thần, giáo dục, môi trường, chất lượng quản lý và mức sống của người dân.
Ngày 20-3-2013 lần đầu tiên nhân loại tổ chức “Ngày quốc tế hạnh phúc” để mọi người quan tâm đến vấn đề cốt lõi nhất trong sự tồn tại của mình là: Làm sao để tìm được nhiều niềm vui trong cuộc sống?
Hồi giữa năm ngoái, nhiều tờ báo của chúng ta hào hứng đưa tin, theo Chỉ số hành tinh hạnh phúc (HPI - Happy Planet Index) do Quỹ Kinh tế mới (NEF) có trụ sở tại Anh Quốc đưa ra thì Việt Nam thuộc tốp 5 quốc gia hạnh phúc nhất thế giới.
Trong báo cáo đầy hào phóng này, quốc gia có chỉ số hạnh phúc nhất thế giới là đất nước nhỏ bé Costa Rica, ba nước tiếp theo là Mexico, Columbia, Vanuatu. Không thấy bóng dáng thiên đường hạ giới Bhutan ở đâu trong tốp đầu các quốc gia hạnh phúc nhất.
Chỉ số này được tính toán trên tương quan bốn yếu tố: sự hài lòng của người dân đối với đất nước mình sống, sự bất bình đẳng thu nhập, tuổi thọ trung bình của người dân và dấu chân sinh thái, tức thước đo tác động người dân đối với môi trường.
Nhiều người trong chúng ta dường như được ru ngủ trong sự khoái cảm về bảng xếp hạng này. Không ít người hoài nghi về tính trung thực của bảng xếp hạng nhưng không ai phản biện. Trong khi đó, một bảng xếp hạng khác do “Mạng lưới các giải pháp bền vững” của Liên hiệp quốc công bố có vẻ chừng mực hơn, theo đó Việt Nam được xếp hạng 94 trong 155 quốc gia hạnh phúc nhất thế giới. Tại Đông Nam Á, chúng ta đứng sau Singapore (thứ 26), Thái Lan (32), Malaysia (42), Philippines (72) và Indonesia (81).
Thứ hạng trên được công bố ngày 19-3-2017 dựa trên sáu yếu tố: thu nhập đầu người, tuổi thọ, quyền tự do, sự hào phóng, phúc lợi xã hội và tình trạng tham nhũng. Thế mới thấy ngay cả việc đo lường mức độ hạnh phúc của người dân một nước, các tổ chức uy tín quốc tế vẫn có cách nhìn khác nhau.
Hạnh phúc và khổ đau là hai mặt đối lập trong đời sống, bớt được khổ đau thì hạnh phúc sẽ tăng thêm. Hạnh phúc cũng như tự do không phải là thứ chờ ai ban phát mà mỗi người phải tự tìm kiếm và giữ gìn.
Tôn giáo dạy chúng ta muốn có hạnh phúc thì phải sống có tình thương yêu tha nhân, vốn là chuẩn mực để xây dựng đạo đức xã hội và biết buông xả, tức là hãy xem nhẹ “cái tôi”. Cuộc sống dạy chúng ta làm người tử tế để có hạnh phúc. Về mặt xã hội thì sự yên tâm và công bằng là quan trọng hơn cả cho cảm nhận hạnh phúc mà chúng ta đang ra sức tìm kiếm.
Trần Trọng Thức/TBKTSG