Học viện Kỹ thuật Mật mã tổ chức bế giảng và trao bằng tốt nghiệp cho các sinh viên khóa 9 đào tạo đại học chính quy ngành An toàn thông tin (niên khóa 2012 - 2017). Trong 170 tân kỹ sư ngành An toàn thông tin vừa tốt nghiệp của Học viện, Lê Phạm Thiên Hồng Ân không những có tên trong 5 sinh viên tốt nghiệp loại giỏi mà còn góp phần vào tỷ lệ hơn 70% cựu sinh viên khóa 9 ngành An toàn thông tin đã có việc làm trước khi nhận bằng tốt nghiệp.
Tân kỹ sư An toàn thông tin khóa 9 của Học viện Kỹ thuật Mật mã - Lê Phạm Thiên Hồng Ân đã chọn Trung tâm An ninh mạng của Viettel là “bến đỗ” đầu tiên sau khi tốt nghiệp. Đây cũng nơi cựu sinh viên này được nhận vào làm từ năm thứ tư đại học, với nhiệm vụ chuyên khai thác các lỗ hổng phần mềm.
Chia sẻ về lựa chọn theo học ngành An toàn thông tin, tân kỹ sư Lê Phạm Thiên Hồng Ân cho biết cậu có niềm đam mê từ nhỏ với lĩnh vực an toàn thông tin. Sinh ra tại TP.HCM, được làm quen với CNTT từ sớm, Hồng Ân đặc biệt quan tâm đến an toàn thông tin, thường thích đọc và xem phim về thể loại hackers.
Niềm đam mê đó cứ lớn dần và sau nhiều nỗ lực, năm 2012 Lê Phạm Thiên Hồng Ân đã trở thành sinh viên khóa 9 ngành An toàn thông tin trường Học viện Kỹ thuật Mật mã. Thời điểm đó, Học viện Kỹ thuật Mật mã vẫn là co sở đào tạo duy nhất tại Việt Nam có ngành đào tạo riêng về an toàn thông tin.
Theo thông tin từ Học viện Kỹ thuật Mật mã, thành tích học tập mà Lê Phạm Thiên Hồng Ân đạt được trong 5 năm học tại Học viện khá ấn tượng: 2 năm đầu đạt loại giỏi, 2 năm tiếp theo đạt loại khá, là sinh viên xuất sắc trong năm học thứ 5 và trở thành 1 trong 5 sinh viên tốt nghiệp loại giỏi của toàn khóa.
Bên cạnh đó, trong ba năm liên tiếp từ 2014 đến năm 2016, Lê Phạm Thiên Hồng Ân luôn là thành viên không thể thiếu trong đội tuyển sinh viên Học viện Kỹ thuật Mật mã tham dự cuộc thi “Sinh viên với An toàn thông tin” do Hiệp hội An toàn thông tin Việt Nam (VNISA) phối hợp với Cục ATTT, Trung tâm Ứng cứu khẩn cấp máy tính Việt Nam (VNCERT) thuộc Bộ TT&TT và Cục CNTT thuộc Bộ Quốc phòng đồng tổ chức hằng năm.
Chia sẻ về việc tiếp cận với môi trường doanh nghiệp trong quá trình học, cựu sinh viên Học viện Kỹ thuật Mật mã Lê Phạm Thiên Hồng Ân cho biết đã bắt đầu đi làm từ năm 2013, khi đang là sinh viên năm thứ 2, tại một công ty về khảo sát và làm ở vị trí thực tập Sys-Admin (quản trị hệ thống - PV).
Sau đó, trong một lần đi nghe nói chuyện về hành trình theo đuổi đam mê của một người đi trước, Hồng Ân đã bỏ công việc tại công ty khảo sát để thực hiện phương pháp học tập trung nghiên cứu chuyên sâu 1 mảng trong lĩnh vực An toàn thông tin. Theo chia sẻ của Hồng Ân, chính quyết định này đã đưa đến những thay đổi để đến năm thứ 4 đại học, cậu đã được nhận vào làm tại Trung tâm An ninh mạng của Tập đoàn Viettel chuyên khai thác lỗ hổng phần mềm.
Nói thêm về phương pháp học tập, tân kỹ sư An toàn thông tin Lê Phạm Thiên Hồng Ân chia sẻ, cần lựa ra một mảng mình cảm thấy thích trong CTF (dạng cuộc thi kiến thức chuyên sâu về bảo mật máy tính - PV). Trường hợp không biết thích mảng nào thì nên “lựa đại” rồi sau đó nếu thấy chán có thể có thể đổi mảng để xem mình thật sự thích phong cách nào, bởi mỗi mảng sẽ có một phong cách riêng. Tuy nhiên, cần lưu ý là nếu theo mảng Exploit tương đối khó kiếm việc làm liên quan; một mảng “dễ sống” hơn là RE (dịch ngược mã) vì hiện nay có rất nhiều bộ phận cần phân tích mã độc.
“Sau khi lựa chọn mảng, hãy bắt đầu Google về mảng đó ... chọn một cuốn sách, một loạt TUT về mảng đó và nghiêm túc làm theo cho hết cuốn sách or serial TUT đó. Sau khi xong bước này, có thể bắt đầu tìm kiếm với từ khóa “[mảng] + Challenge”, ví dụ như “Exploit Challenge”, nếu không làm ra thì Google tên “Challenge + Writeup”, làm xong thì quay trở lại tìm Challenge khác. Đến một lúc nào đó, khi các CTF trên thế giới diễn ra, trong thời gian thi đấu các bạn chỉ cần làm được 1 - 2 bài trong các CTF đó đã là tốt. Khi các bạn làm đến đây các bạn sẽ biết tổng hợp kiến thức và phân loại các thử thách”, Lê Phạm Thiên Hồng Ân nói.