- Sau phần thẩm vấn Võ Văn Minh, luật sư chuyển sang thẩm vấn người đại diện Tân Hiệp Phát tại tòa.
Tân Hiệp Phát không chủ trương dùng tiền?
Vị đại diện cho biết giữ nguyên lời khai của bà Trần Ngọc Bích tại phiên tòa sơ thẩm. Luật sư hỏi người đại diện của Tân Hiệp Phát là bà Bích khai hành vi của Võ Văn Minh đã gây thiệt hại rất lớn. Vậy ông có thể đưa ra con số thiệt hại không? Vị đại diện từ chối trả lời vì đó là bí mật của công ty.
Bị cáo Võ Văn Minh tại tòa |
Liên quan đến chất lượng sản phẩm của Tân Hiệp Phát, người đại diện khẳng định quy trình của công ty là khép kín nên không thể có sản phẩm "có ruồi". Trả lời câu hỏi của luật sư Tân Hiệp Phát có chủ trương dùng tiền để đổi lại sự im lặng khi sản phẩm có lỗi hay không? Đại diện Tân Hiệp Phát khẳng định không.
Ngay sau câu hỏi trên, luật sư Phạm Công Hùng cho rằng bản thân lời khai của người đại diện Tân Hiệp Phát đã mâu thuẫn với nội dung bản cáo trạng. "Tân Hiệp Phát không có chủ trương dùng tiền để mua sự im lặng nhưng bản cáo trạng lại nói Tân Hiệp Phát mà cụ thể là bà Bích lo sợ ảnh hưởng đến uy tín của công ty nên chấp nhận chi 500 triệu đồng để mua lại chai nước và sự im lặng. Như vậy, rõ ràng là có sự mâu thuẫn", luật sư Hùng phân tích.
Không phải là thỏa thuận dân sự?
Trước đó, trong phần thẩm vấn tại tòa, HĐXX và Viện kiểm sát đã đặt ra nhiều câu hỏi liên quan đến đạo đức đối với Võ Văn Minh như tại sao chai nước giá 10.000 đồng lại đòi giá 500 triệu đồng? Nếu giao dịch trót lọt thì ai là người hưởng lợi? Người tiêu dùng có lợi hay không? Có vì lợi ích người tiêu dùng hay không? Sau chút im lặng, Võ Văn Minh thừa nhận bản thân có được lợi nhưng Tân Hiệp Phát mới thật sự có lợi nhất vì đây là uy tín của một công ty lớn.
Đại diện Tân Hiệp Phát tại tòa |
Trong phần thẩm vấn, luật sư Phạm Công Hùng đã viện dẫn quy định của luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Theo đó, mọi thỏa thuận mua bán thông tin liên quan đến sản phẩm kém chất lượng đều bị cấm. Do vậy, ông Hùng cho rằng đây không phải là giao dịch dân sự, nếu có là giao dịch dân sự thì cũng vô hiệu vì vi phạm điều cấm. Trong giao dịch này, Tân Hiệp Phát cũng là người có lỗi.
Về chai nước, luật sư cho biết hồ sơ vụ án thể hiện có biên bản bắt quả tang và thu giữ chai nước ngọt, có ký niêm phong chai nước, nhưng chai nước không được làm thủ tục nhập kho. Sau 6 ngày sau chai nước mới được đưa đi giám định. Vậy trong 6 ngày đó chai nước ở đâu? Các luật sư tham gia xét hỏi cũng đặt nhiều câu hỏi liên quan đến vụ án.
10h45 phút, phiên tòa kết thúc phần xét hỏi, chuyển sang phần tranh luận. Đại diện VKS phát biểu quan điểm về vụ án. VKS cho rằng việc cấp sơ thẩm xét xử và tuyên phạt bị cáo mức án 7 năm tù đối với Võ Văn Minh là có căn cứ. Từ đó, Viện đề nghị HĐXX bác đơn kháng cáo, giữ nguyên hình phạt.
Phiên tòa sẽ tiếp tục vào 14 giờ chiều nay.
M.Phượng