Trong khuôn khổ các hoạt động kỷ niệm 60 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Ai Cập (1963-2023), ngày 31/10 tại thủ đô Cairo, Đại sứ quán Việt Nam tại Ai Cập đã tổ chức hội thảo với chủ đề "Tăng trưởng Xanh và Ngoại giao Khí hậu trong bối cảnh Phục hồi Kinh tế: Trao đổi kinh nghiệm trong thu hút Tài chính Xanh giữa Ai Cập và Việt Nam."

Phát biểu tại hội thảo, Đại sứ Việt Nam tại Ai Cập Nguyễn Huy Dũng nhấn mạnh biến đổi khí hậu là một thách thức toàn cầu, ảnh hưởng đến tất cả các quốc gia trên thế giới, đặc biệt là các quốc gia đang phát triển dễ bị tổn thương hơn trước tác động của biến đổi khí hậu, giữa lúc các nước có ít nguồn lực để ứng phó với những rủi ro của biến đổi khí hậu. 

20170807090319 20170804134134 1.jpg
Tác hại của biến đổi khí hậu (ảnh minh hoạ)

Theo Đại sứ, tác động của biến đổi khí hậu đối với nền kinh tế Việt Nam là rất lớn, gây thiệt hại khoảng 3,2% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) vào năm 2020. Tại Ai Cập, biến đổi khí hậu đang làm gia tăng tình trạng mất an ninh nguồn nước và gây ra hiện tượng sóng nhiệt và sa mạc hóa, ảnh hưởng đến đa dạng sinh học và đe dọa an ninh lương thực.

Đến năm 2060, tác động tổng hợp của biến đổi khí hậu đối với nguồn cung cấp nước, ngành nông nghiệp, chất lượng không khí và ngành du lịch có thể gây thiệt hại khoảng 2-6% GDP ở Ai Cập.

Đại sứ cho biết Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Ai Cập đã rất chú trọng đến thúc đẩy tăng trưởng xanh, coi đây là con đường phát triển bền vững, trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu đang dần phục hồi sau đại dịch COVID-19 và những diễn biến bất ngờ trong quan hệ quốc tế có thể ảnh hưởng đến thế giới.

Đại sứ Nguyễn Huy Dũng đã giới thiệu khái quát về "Chiến lược Quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2011-2020 và tầm nhìn đến năm 2050" của Việt Nam.

Để đảm bảo phát triển bền vững và Tăng trưởng Xanh, Việt Nam quyết tâm đẩy mạnh áp dụng rộng rãi sản xuất sạch; nâng cao hiệu quả sử dụng tài nguyên thiên nhiên, đồng thời giảm phát thải và hạn chế tốc độ gia tăng ô nhiễm; bảo vệ chất lượng môi trường, sức khỏe con người, đảm bảo phát triển bền vững; xây dựng văn hóa tiêu dùng văn minh, hài hòa, thân thiện với môi trường.

Tại Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP 26), Việt Nam đã đưa ra một số cam kết mạnh mẽ, trong đó có cam kết hướng tới mục tiêu "phát thải ròng bằng không" vào năm 2050.

Tuy nhiên, chi phí cho quá trình chuyển đổi xanh và giảm lượng carbon ước vào khoảng 17 tỷ USD/năm. Chỉ riêng thị trường vốn trong nước sẽ không thể đáp ứng được nhu cầu này, do đó quá trình chuyển đổi xanh của Việt Nam rất cần các nguồn lực bên ngoài.

Các đại biểu cho rằng, Việt Nam và Ai Cập có nhiều điểm tương đồng, không chỉ có thể chia sẻ, học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau mà còn có thể tham gia vào các hình thức hợp tác ba bên hoặc nhiều bên, với mô hình phát triển phù hợp nhất với cơ cấu dân số, kinh tế của mỗi nước.

Trong đó, một số lĩnh vực hợp tác trong lĩnh vực tăng trưởng xanh tiềm năng được nhắc đến, gồm đào tạo nguồn nhân lực, chuyển giao và phát triển công nghệ, nghiên cứu và phát triển (R&D) để thoát thế phụ thuộc vào các nước phát triển…

Tăng trưởng xanh là thúc đẩy tăng trưởng và phát triển kinh tế, đồng thời đảm bảo các nguồn tài sản tự nhiên có thể tiếp tục cung cấp các tài nguyên và dịch vụ môi trường thiết yếu cho cuộc sống của con người. Tài chính xanh là tăng cường mức độ dòng chảy tài chính (ngân hàng, tín dụng, bảo hiểm và đầu tư) từ khu vực nhà nước, tư nhân và phi lợi nhuận sang các ưu tiên phát triển bền vững.

Trong khi đó, ngoại giao khí hậu là việc sử dụng các công cụ ngoại giao phục vụ cơ chế chống biến đổi khí hậu quốc tế và làm giảm bớt các tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu đối với hòa bình, ổn định và thịnh vượng.

Minh Thu và nhóm PV, BTV