1a.jpg
Ứng dụng CNTT đã trở thành bộ phận không thể thiếu trong công tác quản lý, điều hành chỉ đạo của các cơ quan Nhà nước. (Ảnh minh họa)

Ứng dụng CNTT đã trở thành bộ phận không thể thiếu trong công tác quản lý, điều hành chỉ đạo của các cơ quan Nhà nước (CQNN), thúc đẩy cải cách thủ tục hành chính, rút ngắn khoảng cách, thời gian cung cấp dịch vụ công, nâng cao chất lượng phục vụ người dân và doanh nghiệp. Việt Nam đã và đang có nhiều bước tiến trên tiến trình xây dựng Chính phủ điện tử (CPĐT).

Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Minh Hồng cho biết: Mục tiêu tổng quát của hoạt động ứng dụng CNTT và phát triển CPĐT đã được xác định là xây dựng, hoàn thiện cơ sở hạ tầng thông tin làm nền tảng phát triển CPĐT, ứng dụng rộng rãi CNTT trong hoạt động nội bộ của các CQNN, hướng tới nâng cao năng suất lao động, giảm chi phí hoạt động và cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ cao ở diện rộng để hoạt động của CQNN minh bạch hơn.

Xây dựng CPĐT theo kiến trúc hướng dịch vụ, Chính phủ và Bộ TT&TT đã tích cực triển khai rất nhiều hoạt động nhằm sớm hiện thực hoá mô hình CPĐT trong tương lai gần.

Đặc biệt, Bộ TT&TT đã thể hiện sự nhanh nhạy với thời cuộc khi tính tới việc ứng dụng rất nhiều khái niệm công nghệ mới, điển hình như công nghệ điện toán đám mây. Thứ trưởng Nguyễn Minh Hồng cho biết Bộ TT&TT đang nghiên cứu những chính sách thúc đẩy ứng dụng điện toán đám mây trong các CQNN.

Chia sẻ chủ đề ứng dụng điện toán đám mây trong các CQNN, ông Guan Sing Ong, Phó Giám đốc Sáng tạo, Trung tâm Máy tính, Đại học Quốc gia Singapore đề xuất Việt Nam cần nâng cao hơn nữa mức độ sẵn sàng cho công nghệ mới này.

Ông Guan Sing Ong cũng đã giới thiệu với phía Việt Nam một số khái niệm rất mới như đám mây công (cơ quan Nhà nước có thể mua từ các ISP nhưng khó đảm bảo tính an ninh cũng như không thể nắm bắt rõ cách thức quản lý của loại đám mây này); đám mây cộng đồng (hợp tác giữa các cá nhân và cộng đồng để tối đa hoá việc sử dụng các nguồn lực, có thể kết hợp những điểm hay nhất của đám mây công và đám mây tư); đám mây liên doanh giữa Chính phủ với các nhà cung cấp dịch vụ đám mây.

Một khái niệm mới khác nữa được Bộ TT&TT dự tính triển khai là huy động các nguồn lực của xã hội theo hướng hợp tác doanh nghiệp - Nhà nước (PPP). “Bộ TT&TT và Bộ Kế hoạch - Đầu tư sẽ đề xuất Chính phủ cho phép thử nghiệm PPP để phát triển hạ tầng CNTT-TT, (hạ tầng mềm để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội) trong thời gian tới”, Thứ trưởng Nguyễn Minh Hồng cho biết.

Việc hợp tác công - tư được kỳ vọng sẽ góp phần đổi mới các dịch vụ công. Về chủ đề này, bà Rachel McClure, Phó Chủ tịch Phụ trách dịch vụ hành chính công, SAP khu vực châu Á- Thái Bình Dương và Nhật Bản, lưu ý xu hướng chung của các cơ quan Nhà nước, cơ quan Chính phủ trên thế giới là ứng dụng Internet trong cung cấp dịch vụ công, bởi ngày càng nhiều dịch vụ di động được sử dụng để tiếp cận các dịch vụ công, thêm nữa lại có sự tham gia ngày càng lớn của các cơ quan truyền thông xã hội). Dự kiến đến năm 2015, smartphone sẽ là thiết bị hàng đầu được người dân sử dụng để kết nối Internet.

Bên cạnh đó, bà Rachel McClure cũng nhấn mạnh rằng các cơ quan Nhà nước cần tận dụng mạng xã hội để cung cấp dịch vụ công nhằm đáp ứng nhu cầu tiếp cận dịch vụ 24/7 và thông qua bất kỳ thiết bị nào.

Bài viết đã đăng trên báo Bưu điện Việt Nam số 71 ra ngày 15/6/2011