Tấn công ransomware tại Việt Nam tăng đột biến
Trong quý I/2024, hệ thống giám sát của Viettel Cyber Security ghi nhận tăng đột biến các chiến dịch tấn công ransomware vào hạ tầng ảo hóa của tổ chức, doanh nghiệp tại Việt Nam, với mức tăng tới 70% so với cùng kỳ.
Chia sẻ tại họp báo thường kỳ tháng 5 của Bộ TT&TT mới đây, ông Phạm Thái Sơn, Phó Giám đốc Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia – NCSC thuộc Cục An toàn thông tin (Bộ TT&TT) cho biết, trong quý I/2024, Trung tâm đã ghi nhận hơn 150 triệu cảnh báo về các nguy cơ bảo mật, phát hiện 13.000 sự kiện liên quan đến mã độc ransomware trên các hệ thống thông tin.
Tại báo cáo tình hình nguy cơ mất an toàn thông tin mạng Việt Nam quý I/2024 mới phát hành, các chuyên gia Viettel Cyber Security nhận định, tấn công mã hóa dữ liệu là 1 trong những nguy cơ an toàn thông tin nổi bật trên không gian mạng Việt Nam trong quý đầu tiên của năm nay.
Cụ thể, theo ghi nhận từ hệ thống giám sát và phân tích nguy cơ an ninh mạng Viettel Threat Intelligence, số chiến dịch tấn công ransomware vào hạ tầng ảo hóa của tổ chức, doanh nghiệp tại Việt Nam trong quý I đã tăng tới 70% so với cùng kỳ năm ngoái.
Thời gian vừa qua, các cuộc tấn công ransomware vào hệ thống của VNDIRECT, PVOIL... đã gây gián đoạn hoạt động và thiệt hại về vật chất, hình ảnh của đơn vị cũng như hoạt động bảo đảm an toàn không gian mạng quốc gia.
Dự báo nguy cơ tấn công ransomware vẫn diễn biến phức tạp trong thời gian tới, các chuyên gia Viettel Cyber Security khuyến nghị các doanh nghiệp, tổ chức chú trọng các biện pháp: rà soát dữ liệu cần backup; tách biệt vùng mạng giữa các hệ thống CNTT và hệ thống quản trị hạ tầng; đánh giá an toàn thông tin toàn diện cho hạ tầng CNTT của tổ chức; định kỳ, chủ động săn tìm nguy cơ xâm nhập vào các hệ thống; triển khai giám sát và phản ứng an toàn thông tin liên tục 24/7...
'Bill Gates Ấn Độ' lần đầu tới Việt Nam
Ngày 20/5, ông Narayana Murthy, người được mệnh danh là “Bill Gates của Ấn Độ”, lần đầu tiên đến Việt Nam.
Narayana Murthy là nhà sáng lập Infosys - top 3 công ty dịch vụ CNTT thế giới với giá trị vốn hóa trên 70 tỷ USD.
Tại buổi gặp gỡ, ông Murthy đã chia sẻ kinh nghiệm và những câu chuyện truyền cảm hứng với các nhà quản lý, chuyên gia, lãnh đạo doanh nghiệp trong ngành CNTT và gặp gỡ các nhà lãnh đạo của Chính phủ Việt Nam.
Ông cũng đã cùng giới CNTT Việt Nam thảo luận về thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong doanh nghiệp, sự phát triển của các xu hướng công nghệ mới cũng như những cơ hội cho ngành CNTT Việt Nam.
Theo ông Narayana Murthy, gần đây Việt Nam nổi lên như một điểm đến công nghệ toàn cầu, phản ánh cam kết và đầu tư của đất nước. Ông tin tưởng trong 20 năm tới, Việt Nam sẽ sớm trở thành một trong những quốc gia phát triển hàng đầu châu Á và là một trong những quốc gia tăng trưởng nhanh nhất thế giới.
"Tôi tin Việt Nam sẽ mang lại sự thịnh vượng cho người dân nhanh hơn hầu hết các nước”, ông Murthy nói.
Đấu giá lại băng tần 3800-3900 MHz cho 5G
Bộ TT&TT vừa ban hành Thông báo số 134/TB-BTTTT về Phương án tổ chức đấu giá lại quyền sử dụng tần số vô tuyến điện đối với băng tần 3.800-3.900 MHz (khối băng tần C3) cho hệ thống thông tin di động mặt đất công cộng theo tiêu chuẩn IMT.
Giá khởi điểm của khối băng tần C3 là 2.581.892.500.000 đồng (hai nghìn năm trăm tám mươi mốt tỷ, tám trăm chín mươi hai triệu, năm trăm nghìn đồng).
Bước giá áp dụng tại cuộc đấu giá khối băng tần C3 là 25.000.000.000 đồng (hai mươi lăm tỷ đồng).
Tiền đặt trước áp dụng tại cuộc đấu giá khối băng tần C3 là 130.000.000.000 đồng (một trăm ba mươi tỷ đồng).
Cuộc đấu giá được thực hiện bằng hình thức bỏ phiếu trực tiếp, đấu giá theo phương thức trả giá lên. Doanh nghiệp trúng đấu giá được cấp giấy phép sử dụng băng tần với thời hạn 15 năm.
Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày Bộ TT&TT thông báo công khai phương án tổ chức đấu giá, tổ chức phải nộp hồ sơ đề nghị xác nhận đáp ứng điều kiện tham gia đấu giá.
Quy định mới về hoạt động thông tin cơ sở
Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang vừa ký quyết định ban hành Nghị định 49/2024 quy định về hoạt động thông tin cơ sở.
Đây là nghị định quy định về hoạt động thông tin cơ sở; trách nhiệm quản lý Nhà nước; quyền và nghĩa vụ của các cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động thông tin cơ sở.
Nghị định này áp dụng đối với các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Ủy ban nhân dân cấp huyện, Ủy ban nhân dân cấp xã, cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động thông tin cơ sở.
UBND cấp tỉnh có trách nhiệm xây dựng và tổ chức thực hiện chương trình, kế hoạch phát triển thông tin cơ sở của địa phương theo quy định và hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện.
Xem chi tiết Nghị định số 49/2024/NĐ-CP ngày 10/5/2024 quy định về hoạt động thông tin cơ sở tại đây.