“Với việc Việt Nam tham gia vào các tổ chức quốc tế và ký các hiệp định thương mại như Hiệp định thương mại TPP hay hợp tác song phương Việt Mỹ, Châu Âu - Việt Nam... thì các hoạt động phá hoại kinh tế của các nhóm tin tặc trên thế giới nhắm vào Việt Nam cũng sẽ gia tăng trên diện rộng” - ông Võ Đỗ Thắng, Giám đốc Trung tâm đào tạo quản trị và an ninh mạng Athena - nhận định khi được hỏi về xu hướng tấn công của tin tặc trong năm 2016.

Theo ông, xu hướng tấn công có chủ đích (APT) sẽ phát triển mạnh với việc tin tặc sẽ tấn công nhằm thu thập thông tin liên quan đến kinh tế, chính trị. Trong đó, việc tấn công có chủ đích về mặt kinh tế có thể xem là xu hướng chính cho năm sắp tới khi Việt Nam chính thức gia nhập vào các tổ chức quốc tế. Việc tấn công APT này không chỉ có mục đích phá hoại mà đôi khi còn có mục đích cạnh tranh không lành mạnh. Ví dụ, với những thương vụ kinh tế như đấu thầu gạo chẳng hạn, khi đó, giá gạo hết sức nhạy cảm. Lúc này, chỉ cần hacker có thể xâm nhập vào các hệ thống mạng nội bộ, lấy được thông tin về giá thầu thì xem như chắc chắn hợp đồng xuất khẩu gạo đó không thành. Điều này gây nên những hệ lụy rất lớn không chỉ cho doanh nghiệp mà còn ảnh hưởng đến nền kinh tế của đất nước.

“Nếu các đối thủ hoặc các nước đang cạnh tranh với ta có được những thông tin về chiến lược, đường hướng phát triển kinh tế... của Việt Nam thì họ có thể tiến hành phá hoại kinh tế hoặc có những chính sách đối phó gây bất lợi cho kinh tế Việt Nam”, ông Võ Đỗ Thắng nhận xét.

Nhận định trên của ông Võ Đỗ Thắng bắt nguồn từ những lo ngại khi vừa qua, vào tháng 5/2015, lần đầu tiên có công bố chính thức về tấn công APT vào Việt Nam. Theo đó, hãng bảo mật Mỹ là FireEye đã công bố nghiên cứu và báo cáo của mình về phương thức kỹ thuật và chỉ đích danh nhóm tấn công APT30 xuất phát từ Trung Quốc đã tấn công và thâm nhập nhiều năm qua vào các máy tính trong nước.

Theo báo cáo của Chi hội An toàn Thông tin (VNISA) phía Nam tại Ngày An toàn thông tin Việt Nam diễn ra tháng trước cho biết, hiện nay các công cụ dò thám và khai thác lỗi bảo mật đang được các quốc gia và tổ chức chính phủ tích cực săn lùng trên thị trường chợ đen. Việc sở hữu các công cụ tinh vi có thể thu thập thông tin tình báo, xâm nhập phá hoại các mục tiêu trên mạng Internet đang trở nên phổ biến trên thế giới. Gần đây, việc nhóm Hacking Team bị tấn công lấy cắp 400GB dữ liệu vào tháng 7/2015 đã hé lộ danh sách dài các khách hàng lớn của nhóm này trong nhiều năm qua chính là các quốc gia, tổ chức cơ quan chính phủ, trong đó có rất nhiệu cả các quốc gia đi đầu về ứng dụng công nghệ thông tin và tích cực trong việc phòng chống tội phạm mạng.

Điều này cho thấy, hiện có rất nhiều đơn vị sẵn sàng bỏ tiền để mua lại các công cụ khai thác và do thám để phục vụ mục đích của mình, và quan trọng hơn là chúng không hề được kiểm soát hay công bố công khai bởi bất kỳ cơ quan hay quốc gia cụ thể nào.