Nền tảng của niềm tin

“Niềm tin” của Quốc hội (QH) khóa 14 cũng chính là trọng trách và sức ép đặt lên vai ông Huệ trong vai trò là Chủ tịch QH, một trong ba vị trí chủ chốt vừa được bầu và phê chuẩn để điều hành đất nước trong 5 năm tới.

Dưới sự điều hành của các vị Chủ tịch tiền nhiệm như bà Nguyễn Thị Kim Ngân, ông Nguyễn Sinh Hùng, ông Nguyễn Phú Trọng,… QH hoạt động ngày càng thực chất và hiệu quả. Quyền của QH nói chung và các vị đại biểu nói riêng ngày càng được củng cố qua các hoạt động lập pháp, giám sát.

{keywords}
Bà Nguyễn Thị Kim Ngân tặng hoa chúc mừng tân Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ

Người tiền nhiệm của ông Huệ, bà Nguyễn Thị Kim Ngân là nữ Chủ tịch bao quát và quyền biến, lúc ôn hòa, khi triệt để trong điều hành các phiên họp, làm các bộ trưởng lúng túng không ít lần nếu không “thuộc bài”. Nhiều đại biểu như Trương Trọng Nghĩa, Lê Thanh Vân, Phạm Thị Minh Hiền... đã luôn cất tiếng nói của dân trong nhiều vấn đề gai góc. Hoạt động giám sát được tổ chức chuyên nghiệp hơn, làm cho cơ quan hành pháp phải công khai, minh bạch và có trách nhiệm giải trình hơn trong nhiều hoạt động.

Nhiệm kỳ QH 13 đã ban hành 72 luật, 2 pháp lệnh và nhiều nghị quyết mà nhiều trong số đó thúc đẩy phát triển kinh tế thị trường định hướng XHCN, tôn trọng quyền tự do kinh doanh; đẩy mạnh cải cách tư pháp, cải cách hành chính, xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN; phát huy dân chủ và quyền làm chủ của nhân dân, như báo cáo công tác nhiệm kỳ của QH khóa 13 tự đánh giá.

Trong đó, các luật đáng kể nhất giúp hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường được thông qua là luật Đầu tư; luật Doanh nghiệp; luật Các tổ chức tín dụng; luật Đầu tư theo hình thức đối tác công tư...

Vẫn ngổn ngang thể chế

Những đóng góp trong công tác lập pháp của QH khóa 13 rất đáng ghi nhận, dù vậy, vẫn chưa giúp giải tỏa nhiều nút thắt thể chế trong giải quyết những đòi hỏi bức bách của cuộc sống. Cơ chế xin -cho, điều kiện kinh danh vẫn còn rất nhiều; nạn doanh nghiệp sân sau ngày càng nở rộ; khu vực doanh nghiệp nhà nước vẫn tiêu tốn nhiều nguồn lực mà kém hiệu quả; khu vực doanh nghiệp tư nhân vẫn bị phân biệt đối xử và chưa lớn lên được…

Như vậy, điểm nghẽn thể chế để thị trường vận hành trơn chu và hiệu quả vẫn chưa được tháo gỡ như hai báo cáo kinh tế xã hội tại Đại hội 13 khẳng định:

“Nhận thức về kinh tế thị trường định hướng XHCN ở một số nội dung còn chưa thực sự sâu sắc, thống nhất, nhất là vấn đề quan hệ giữa Nhà nước và thị trường, sở hữu đất đai, phân bổ nguồn lực, mối quan hệ giữa tăng trưởng nhanh và bền vững, vai trò của doanh nghiệp nhà nước, kinh tế tập thể, hợp tác xã, doanh nghiệp tư nhân... Thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN chưa đầy đủ, hiện đại, hội nhập, chưa theo kịp yêu cầu phát triển”.

Chủ tịch QH Vương Đình Huệ, người từng là Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, được đặt nhiều kỳ vọng sẽ khơi thông “nhận thức” bằng việc thông qua các luật để đảm bảo thị trường vận hành hiệu quả và nguồn lực được phân bổ không bằng mệnh lệnh hành chính. Liệu luật Đất đai sẽ được sửa đổi theo hướng nào? Liệu luật Thuế tài sản để đánh thuế lũy tiến tài sản sẽ được xem xét?

Lập pháp và hành pháp

QH là cơ quan làm luật nhưng có tới 90-95% các dự luật được soạn thảo và trình bởi Chính phủ. Cơ chế này là phổ biến trên thế giới vì suy cho cùng, bản chất quyền lập pháp của QH chính là quyền thông qua hoặc không thông qua luật, theo chuyên gia Nguyễn Sĩ Dũng.

Tuy nhiên, một thống kê nhân khi sửa đổi luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật cho thấy, các dự luật thường bị sửa đổi lên đến trên dưới 70% sau khi trình lên QH.

Trước thực tế này, chuyên gia Nguyễn Sĩ Dũng đặt câu hỏi: “Vấn đề đặt ra là QH có quyền thay thế một chính sách lập pháp do Chính phủ đề ra bằng một chính sách khác hay không?” và ông khẳng định là không. 

Cách làm như vậy, theo chuyên gia Nguyễn Đình Cung, khiến một số luật như luật Doanh nghiệp đối diện với nguy cơ “8 không” là không cụ thể, không rõ ràng, không hệ thống, không hợp lý, không minh bạch, không tiên liệu được, không hiệu quả và không hiệu lực.

Một tư lệnh ngành từng nói thêm về thực trạng này: “Trong quá trình xây dựng thể chế, chúng ta hay tạo rào cản vì chưa hiểu đúng vai trò, chức năng giữa nhà nước và thị trường; chưa hiểu rõ quản lí nhà nước là gì và nên quản lý bằng công cụ nào. Trong rất nhiều trường hợp, chúng ta cứ cấm cái đã, dựng rào cản cái đã, chưa nói cố tình dựng rào cản lên… Rồi khi thấy bất cập lại sửa, mỗi lần sửa lại coi đó là cải cách. Khác nào dòng nước đang chảy, ta lấy đá lấp đi khiến dòng chảy chậm lại, tắc nghẽn, sau đó ta dỡ đá ra khiến nước chảy bình thường trở lại, rồi ta gọi đó là cải cách. Tư duy vậy là không đúng”.

Rõ ràng, để giải quyết những nút thắt này cần đến bản lĩnh và trí tuệ của vị tân Chủ tịch, đồng thời cần một QH chuyên nghiệp hơn. Theo luật Tổ chức QH, ”số lượng đại biểu chuyên trách ít nhất là 40% tổng số đại biểu QH” sẽ hỗ trợ rất nhiều trong công tác lập pháp.

Trọng trách và kỳ vọng

Ông Vương Đình Huệ được để lại di sản khá bền vững. Đó là một nền tảng kinh tế vĩ mô khá ổn định với nợ công, nợ xấu, lạm phát đều giảm nhiều so với trước, là tiền đề để người dân và doanh nghiệp bỏ tiền ra làm ăn. Ông đã trải qua vị trí Bộ trưởng Tài chính, Phó Thủ tướng phụ trách kinh tế nên chắc chắn sẽ duy trì, củng cố nền tảng này.

Ở góc độ khác, một vấn đề cũng cần được ông Huệ xử lý ngay, đó là thúc đẩy phát triển các công trình hạ tầng lớn như sân bay Long Thành, cao tốc Bắc - Nam đều sử dụng vốn nhà nước. Làm sao cân bằng giữa “ổn định để phát triển” và “phát triển để ổn định” là bài toán không dễ.

Là người thông minh, nhiều kiến thức lại trải qua 4 vị trí là Bộ trưởng Tài chính, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, Phó Thủ tướng và Bí thư Thành ủy Hà Nội trong hai nhiệm kỳ QH gần đây, ông Huệ đã tích lũy được nhiều kiến thức, kinh nghiệm và năng lượng để dẫn dắt QH khóa tới giải quyết nhiều nút thắt thể chế nhằm đảm bảo các quyền của công dân, để doanh nghiệp và người dân yên tâm làm ăn.

Bên cạnh đó là xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù, vượt trội để khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo đáp ứng yêu cầu thực sự là động lực chính của tăng trưởng kinh tế. Một số luật phát huy quyền làm chủ của nhân dân hi vọng rồi sẽ được xem xét, thông qua.

Dù chỉ giữ 1 lá phiếu, ông Vương Đình Huệ sẽ dẫn dắt, điều hành QH khóa tới thực hiện ước nguyện của Hồ Chủ tịch: “Trăm điều phải có thần linh pháp quyền” để phục vụ mục đích tối thượng “dân giàu, nước mạnh” trong một thế giới dịch bệnh Covid biến đổi không lường được. Đó là trọng trách nhưng cũng là kỳ vọng với ông để cổ vũ tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm trong các vị đại biểu, trong QH.

Vũ Minh

Tiếp nối nhiệm kỳ của các Thủ tướng khát khao cải cách và hành động

Tiếp nối nhiệm kỳ của các Thủ tướng khát khao cải cách và hành động

Nhiệm kỳ Thủ tướng vừa qua, vị “thuyền trưởng” Nguyễn Xuân Phúc đã để lại dấu ấn khó phai về sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Tân Thủ tướng Phạm Minh Chính sẽ kế tục tư tưởng cải cách mạnh mẽ như thế.