Không biết bây giờ, những đóa tầm xuân thanh khiết, thanh sạch đang ở đâu? Vẫn dịu nhẹ e thẹn, đung đưa trong gió xuân? Hay hoa đã để gió cuốn đi, cho những con đường mới của Hội An mở ra, đưa khách lãng du quốc tế đến thăm đô thị.

Ảnh minh họa: giaitri.tinmoi.vn

Hà Nội những ngày Tết cận kề, ngấp nghé. Chỉ có mưa bụi ẩm ướt và hoa xuân. Đào, cúc, quất, hồng, lay ơn ... rợp đất. Trên trời, dưới hoa. Những sắc màu thiên nhiên tự họa, không trí tưởng tượng bay bổng nào của con người có thể lãng mạn nhường ấy.

Vậy mà khi tình cờ, đọc trên báo mạng, mới hay phố cổ Hội An (Quảng Nam) vừa được tạp chí du lịch có tiếng của Anh- Wanderlust- bình chọn là điểm đến yêu thích hàng đầu thế giới. Bỗng buột miệng khe khẽ: Tầm xuân ơi/ Tầm xuân ơi....

Vạt hoa tầm xuân, ngẫu nhiên bắt gặp trên tường rào nhà ai đó, giữa một trưa Hội An thanh bình cách đây đã nhiều năm. Những bông tầm xuân (hồng leo) mảnh mai, phơn phớt phấn hồng trong cổ tích thơ bé tôi từng ngất ngây, bỗng như bước ra cuộc đời.

Những bông hoa e thẹn, thơ ngây núp sau những chiếc lá răng cưa bé xíu, có vẻ đẹp Tây phương tao nhã, rất hài hòa trên bức tường rào gạch cũ rêu phong, cỗi màu thời gian, tuyệt diệu đến nỗi, cứ nhắc đến Hội An, lại thấy hiện lên vạt tầm xuân thanh khiết năm nào...

Nó tựa như thông điệp cuộc sống đô thị này. Bên cái tĩnh, là cái động. Bên cái già cỗi, là cái trẻ trung. Bên cái cổ kính, là cái hiện đại.

Hội An có rất nhiều làng hoa. Hoa mai ở Cẩm Châu, hoa mãn đình hồng, ly, cúc, hải đường... ở Cẩm Hà, Cẩm Thành. Nhưng không đâu thấy có tầm xuân.

Bởi thế, nên vạt tầm xuân bất ngờ, thanh tao, với tôi như một hồi ức riêng biệt về Hội An, thật dịu dàng.

Nhất là khi nghe ca khúc Đánh thức tầm xuân của nhạc sĩ Dương Thụ. Làm sao, người nhạc sĩ già, từng trải qua biết bao hỉ nộ ái ố ở đời, lại vẫn giữ được nơi con tim mình, cái nhìn trẻ trung, đắm đuối đến vậy: Giọt sương trắng/ Giọt sương tan nắng/ Thức dậy đi/ Đóa tầm xuân thơ ngây của tôi...

Và sau này nữa, đọc Người ở với hoa tầm xuân của Nguyễn Quang Thiều, có cảm giác hương tầm xuân tinh khiết của tháng Giêng Hai ở một miền quê Bắc bộ cứ thấm đẫm, lan tỏa mỗi trang văn...

Tôi đã đi bộ trên những vỉa hè phố cổ Hội An, qua rất nhiều những ngôi nhà rêu phong, để tìm kiếm thêm những đóa tầm xuân thơ ngây mà không thấy. Hay những vẻ đẹp quý thì hiếm gặp? Không chỉ đẹp, tầm xuân còn là vị thuốc nam hiệu nghiệm chữa nhiều chứng bệnh. Còn gì tuyệt vời hơn thế- một vẻ đẹp tao nhã mà hữu ích?

Thú vị nhất, được vào thăm những ngôi nhà kiến trúc cổ trầm tư, đặc sắc từ thế kỷ 17, những hội quán, đền miếu.... Bên cạnh những ngôi nhà kiến trúc Tây phương bay bổng, tinh tế, mang hơi thở của một đô thị giao thương, một thương cảng quốc tế thuở nào, để rồi suy tàn do những bối cảnh lịch sử.

Nhưng vẫn còn đây, đô thị cổ với phong tục tập quán, tín ngưỡng dân gian và lễ hội văn hóa đặc sắc được bảo tồn. Một bảo tàng sống về kiến trúc, lối sống đô thị sinh động, xứng đáng là Di sản văn hóa thế giới được UNESCO công nhận (1999).

Khi ấy, tôi chưa hề biết ông- Nguyễn Sự- vị quan chức cao cấp nhất của thành phố, với chức danh Bí thư Thành ủy. Chỉ biết sau này, khi ông, quan chức cấp thành phố đầu tiên được trao tặng Giải thưởng Phan Chu Trinh (lần 5), giải thưởng Vì sự nghiệp văn hóa và giáo dục. Ông cũng là quan chức có câu nói để đời ấn tượng: Đã làm quan là phải đàng hoàng.

Hóa ra, Nguyễn Sự nổi tiếng hơn những gì tôi tưởng.

Ông đã được vinh danh Anh hùng thời kỳ Đổi mới.

Từng làm Chủ tịch UBND TP Hội An, từ lúc rất trẻ, mới 36 tuổi đời. Còn trước đó, ông là người lính. Cả cuộc đời của ông gắn bó máu thịt với Hội An. Ông hiểu Hội An đến từng hơi thở, mỗi buồn vui.

Nguyễn Sự không có tác phẩm sáng tạo kiểu viết tay. Nhưng điều đặc biệt, "tác phẩm" của ông là toàn bộ không gian và con người Hội An, đang sống, đang thở mỗi ngày, liên tục đổi thay, liên tục đóng góp những giá trị tinh thần cho đời sống. Như nhà văn Nguyên Ngọc, Chủ tịch Hội đồng khoa học Quỹ văn hóa Phan Chu Trinh đã nhận xét. Ông là "một nhà văn hóa thực hành" đặc sắc, cũng chữ của nhà văn Nguyên Ngọc.

Khi quen ông rồi, có lần tôi hỏi: Một ngày làm việc của anh như thế nào? Ông bảo, 5 giờ sáng ông đã trở dậy, đi vòng một lượt quan sát thành phố. Trở về, khoảng 7 giờ, ông sà vào quán café nào đó nhâm nhi một chút cho tỉnh táo, chuẩn bị một ngày làm việc mới.

Ngày nào cũng vậy, ông "vi hành" thành phố theo cách riêng mình, vừa dân dã vừa có chút nghệ sĩ.

Nếu nói tiêu chí một người làm quan, phải có tâm, có tầm. Thì Nguyễn Sự có đủ hai tố chất lớn đó.

Có tâm, để mọi chính sách liên quan đến sự phát triển, hội nhập của Hội An, luôn lấy sự hài hòa lợi ích giữa người dân, chính quyền và nhà đầu tư làm trọng. Mà đằng sau những dự án đất đai, xây dựng không hề có sự khuất tất, có sự "chia chác phần trăm". Ông vẫn nói, Phật tại tâm, ma cũng tại tâm, là thế.

Có tầm, để ông biết nhìn ra, sự phát triển kinh tế đô thị, ở đây là cách làm du lịch, trên nền tảng phố cổ, truyền thống, phải khéo léo, khôn ngoan lắm, để không phá vỡ bản sắc văn hóa riêng biệt, độc đáo của Hội An.

Để người Hội An, khi tiếp xúc với đủ loại khách Tây, Tầu, Nhật Bản, Hàn Quốc..., họ thực là những "hướng dẫn viên" dồi dào vốn sống, và văn hóa Hội An, những người truyền cảm hứng bất tận về đô thị cổ dấu yêu của họ.

Chả thế, nhà văn Nguyên Ngọc nhận xét: Nguyễn Sự đã làm được một điều tưởng chừng không thể... Nếu không có Nguyễn Sự, sẽ chẳng giữ được Hội An. Nguyễn Sự là tập trung tinh tuý của người Hội An: Trí tuệ, năng nổ nhưng thật bình dị, chân thật.

Không thể mà thành... có thể!

Thế nên, không phải ngẫu nhiên có tới 976 thành phố được tạp chí Wanderlust bầu chọn, nhưng Hội An vẫn được đánh giá đầu bảng, với tỷ lệ bình chọn tới 97,18%. Tiếp đó là thành phố Cusco (Peru), với 95,76%, và Kyoto (Nhật Bản), với 94,81%.

Đặt câu chuyện "tác giả" Nguyễn Sự và "tác phẩm" Hội An trong thời cuộc mà niềm tin của người dân luôn bị thách đố, có nhà báo đã hỏi: Ông có phải người mơ mộng cuối cùng của Hội An không?

Có thể. Và cũng chưa chắc.

Bởi cái tốt cũng vẫn có thể gieo mầm, có thể cảm hóa mọi điều. Người viết bài tin là thế.

Dù thời đại kim tiền luôn đóng dấu... "bạc" trong quan hệ con người.

Chợt nhớ tới vạt tầm xuân năm xưa.

Không biết bây giờ, những đóa tầm xuân thanh khiết, thanh sạch đang ở đâu? Vẫn dịu nhẹ e thẹn, đung đưa trong gió xuân? Hay hoa đã để gió cuốn đi, cho những con đường mới của Hội An mở ra, đưa khách lãng du quốc tế đến thăm đô thị.

Cho dù thế, vẫn còn đây trong ký ức của tôi- những đóa tầm xuân tao nhã, trẻ trung trên những tường rào gạch cổ rêu phong.

Giống như cái mới luôn nảy chồi, đâm lộc trên tầng nền văn hóa đặc sắc của Hội An phố cổ. Nhờ có những vị quan chức như Nguyễn Sự- một đời làm quan đàng hoàng, thực sự vì dân.

Bỗng ước ao, hẹn gặp nhé một ngày nào đó, những đóa tầm xuân ngây thơ của tôi...?

Kỳ Duyên