Tâm thư 'đòi tuổi thơ cho trẻ' và tờ cam kết của hiệu trưởng đăng trên VietNamNet đã thu hút nhiều ý kiến của độc giả. Đa số người đọc đồng tình việc học thêm quá nhiều đã khiến trẻ khó có một tuổi thơ trọn vẹn.
Tuy nhiên cũng không ít người làm trong ngành giáo dục cho rằng giáo viên dạy thêm không có quyền năng đánh mất tuổi thơ của trẻ, mà do nhu cầu của phụ huynh cho con đi học thêm quá nhiều.
Gây sức ép để cô dạy thêm
Hiệu trưởng một trường tiểu học TP Hà Tĩnh (xin giấu tên) cũng chia sẻ câu chuyện của cá nhân liên quan việc phụ huynh xin cho con học thêm.
Bà kể, tháng 3 năm học 2021-2022, một phụ huynh có con đang học lớp 5 ở trường khác, tìm tới tận nhà hiệu trưởng với mong muốn người này dạy thêm cho con họ. Phụ huynh khẳng định chỉ cần học sinh đậu vào trường THCS như nguyện vọng, chi phí học sẽ được đầu tư hậu hĩnh.
Phụ huynh nói mục tiêu của con họ là phải được vào trường THCS Lê Văn Thiêm (trường chuyên) nên ngay từ năm lớp 3, người này đã đăng ký cho con học thêm môn tiếng Anh cùng giáo viên ở trường và một giáo viên dạy THCS khác. Với môn Toán và Tiếng Việt, em cũng học thêm ở hai giáo viên.
Sau khi nghe nhiều phụ huynh nói hiệu trưởng này “mát tay”, kèm dạy học sinh nào là học sinh đó đậu trường THCS Lê Văn Thiêm nên phụ huynh đã nằng nặc xin cho con học.
“Mặc dù giải thích tôi không dạy thêm nhưng họ vẫn tha thiết, xin cho con học. Thậm chí người này nói có người nhà làm lãnh đạo để gây sức ép”, hiệu trưởng kể lại.
Theo bà, rất nhiều phụ huynh tham vọng lớn. Họ mong muốn con mình phải học giỏi toàn diện: “Văn hay, Toán giỏi, nói tiếng Anh như gió”. Trong cuộc đua của phụ huynh cho con vào trường chuyên, họ cho con học thêm ở nhiều nơi. Học thêm ở nhà cô thầy chưa yên tâm, họ lại đăng ký cho con đi học ở các trung tâm, kín lịch cả tuần.
Có nhu cầu ắt sẽ có nhiều giáo viên nhận dạy học sinh ở nhà. Từ đó, các trung tâm luyện viết chữ đẹp, làm toán nhanh, luyện toán tư duy, học tiếng Anh cũng nở rộ.
Hiệu trưởng này đặt câu hỏi: "Không hiểu sao đối với học sinh tiểu học, phụ huynh lại có nhu cầu cho con đi học thêm? Nâng cao thêm kiến thức gì? Trong khi đó trẻ đã được học 2 buổi/ngày, chương trình yêu cầu không cao, học chính khóa có cả thực hành, ở trường cũng có mời giáo viên nước ngoài dạy môn Anh... và không phải áp lực thi cử, điểm số".
Cá nhân hiệu trưởng này đồng tình với chủ trương của Bộ GD-ĐT, Sở GD-ĐT Hà Tĩnh, tuyệt đối không tổ chức dạy thêm đối với học sinh tiểu học dưới bất kỳ hình thức nào. "Cấm dạy thêm, học thêm ngoài vào cuộc của cơ quan chức năng cần phải thay đổi nhận thức của phụ huynh", bà khẳng định.
"Con họ đi học thêm, con mình không thể ở nhà"
Nhiều người làm trong ngành giáo dục chia sẻ nếu nói tình trạng học thêm, dạy thêm là lỗi hoàn toàn của giáo viên sẽ "oan cho họ" bởi nếu phụ huynh không có nhu cầu không ai có thể ép buộc.
Một vài giáo viên chia sẻ rằng phụ huynh cho con đi học thêm cũng có rất nhiều mục đích ngoài việc để con ôn luyện kiến thức phục vụ kiểm tra, thi cử hay cải thiện, bổ sung cho học sinh yếu kém.
Rất nhiều trường hợp phụ huynh có con học tiểu học ở thành phố cho con đi học thêm đơn giản là phụ huynh không có thời gian.
Họ sợ con ở nhà xem tivi, chơi game nên gửi con vào lớp học thêm nhờ... cô trông. Bên cạnh đó, phụ huynh cũng có tâm lý con đi học thêm mới lĩnh hội được kiến thức hay muốn con giỏi phải đi học thêm và "con người khác đi học thêm, con mình cũng phải đi".
Không chỉ gửi con ở lớp của giáo viên ở trường công, giáo viên về hưu, thậm chí phụ huynh còn gửi con ở chỗ những người không phải là giáo viên, không kỹ năng sư phạm, các trung tâm dạy học chưa được cấp phép.
Đồng quan điểm, nhiều độc giả VietNamNet cũng đồng tình con đi học thêm nhưng nhu cầu là của cha mẹ.
Độc giả Phan Hoài cho rằng: "Cha mẹ ép con học và học sinh cứ phải cố theo kỳ vọng của cha mẹ. Trẻ con vốn vô tư, các từ hơn thua, điểm số, giải thưởng đâu có trong từ điển của các em".
Độc giả Nguyễn Hưng cũng bức xúc: "Đề nghị lãnh đạo Sở GD-ĐT các địa phương khác cũng học tập Sở GD-ĐT Hà Tĩnh trả lại tuổi thơ cho học sinh, đặc biệt trẻ tiểu học. Ngày nay, chúng ta phải chứng kiến những vụ học sinh đánh nhau rất dã man - đây là hậu quả của nền giáo dục quá chú trọng kiến thức thay vì chú trọng giáo dục nhân cách, đạo đức và kỹ năng sống".
Đậu Tình