Tháng 11, tháng khiến trái tim của mỗi chúng ta khẽ rộn ràng khi nghĩ về mái trường cũ, về người thầy xưa. Ở dưới mái trường đó, có những câu chuyện vui cũng không ít câu chuyện khiến ta ngậm ngùi khi nhớ về. Chúng tôi xin giới thiệu đến độc giả tuyến bài Trái tim người thầy - nơi chia sẻ những câu chuyện nhỏ, bình dị nhưng chứa đầy tính nhân văn, tình người của những năm tháng học trò.
Độc giả có câu chuyện tương tự có thể gửi về [email protected]. Bài viết được đăng tải sẽ nhận nhuận bút theo quy định của tòa soạn. Hy vọng mỗi câu chuyện nhỏ là một mảnh ghép tạo nên trái tim, tri ân những người đã dành cả cuộc đời mình để gắn bó với nghiệp "phấn trắng, bảng đen". Xin trân trọng cảm ơn.
Ngày 20/11 năm nay, tôi bất chợt nhận được một tấm thiệp viết tay mộc mạc của học sinh. Trên thiệp chỉ ghi vỏn vẹn vài dòng: “Em cám ơn cô đã hết lòng dạy dỗ em. Em không nghe được giọng cô nói nhưng em thích nhìn chữ viết của cô trên bảng”. Mấy dòng chữ giản dị nhưng khiến lòng tôi xúc động đến kỳ lạ.
Cũng bởi đó là chữ viết của một em học sinh ở lớp 10 khiếm thính tôi đang giảng dạy. Suốt gần một học kỳ vừa qua, cô trò chúng tôi chỉ có thể giao tiếp bằng những thủ ngữ đơn giản. Mọi lời giảng dạy của tôi đều phải dựa vào sự chuyển ngữ của giáo viên trợ giảng.
Nhưng dù có nhiều cách ngăn như thế, tình cảm cô trò vẫn lớn lên từng ngày. Tựa hồ như cách người ta chăm bón một cái cây, dẫu chỉ là một hạt giống nằm sâu dưới lòng đất, nhưng chỉ cần chăm chỉ tưới tắm chắc chắn sẽ có ngày nảy mầm, ra hoa và kết quả.
Tôi bắt đầu công việc giảng dạy ở trung tâm bảo trợ cho trẻ em khuyết tật đã gần ba năm nay. Dẫu đã là một giáo viên đứng trên bục giảng nhưng tôi vẫn không khỏi bỡ ngỡ khi lần đầu tham gia giảng dạy các em học sinh khuyết tật.
Lần đầu bước vào giảng dạy, nhìn thấy các em với vẻ ngoài không lành lặn, không thể phát âm hoặc cực kỳ khó khăn trong phát âm, khiến tôi bối rối. Tôi không biết nên xây dựng kế hoạch như thế nào cho phù hợp với học sinh khuyết tật, lựa chọn nội dung giảng dạy ra sao để đạt hiệu quả tốt nhất, làm thế nào để các em có thể tương tác trong các giờ học… Nhận thấy vẻ băn khoăn của tôi, một số anh chị đồng nghiệp đã không ngừng khích lệ và động viên.
Theo lời chia sẻ của đồng nghiệp, tôi dần hiểu ra việc giảng dạy học sinh khuyết tật không đơn thuần như với học sinh bình thường, mà đòi hỏi sự hỗ trợ và cảm thông rất lớn từ giáo viên. Không chỉ đơn giản là dạy học, cung cấp tri thức, các thầy cô đảm nhận công tác giáo dục học sinh khuyết tật còn phải cực kỳ kiên nhẫn, dùng chính tình cảm yêu thương của mình để thấu hiểu và cảm hóa hành vi của các em.
Thông thường, trẻ khuyết tật hay có những hành vi lệch nên trong quá trình lên lớp, giáo viên phải tinh tế nắm bắt và thấu hiểu tâm lý của từng em để khắc phục dần. Chẳng hạn, có một số em vì không nói được mà hay bị ức chế, lại có em lại hay nổi nóng, hay chạy nhảy lung tung và thực hiện nhiều hành vi khác.
Nhiều em học sinh ở các lớp tôi dạy, khi vừa nhập học, do chưa quen với môi trường giáo dục mới, các em thường phản ứng rất dữ dội như khóc, la hét. Thậm chí, một số em còn thu mình, không tương tác với thầy cô và các bạn trong lớp. Để giúp các em hòa nhập với môi trường và học tập tiến bộ hơn, giáo viên phải chia nhỏ các mục tiêu, bài học và cố gắng làm đa dạng hóa tất cả các hoạt động nhằm thu hút sự tương tác của học sinh.
Mỗi đứa trẻ khuyết tật luôn có một nhu cầu riêng, cần được giáo viên tìm hiểu và tiếp cận tốt nhất để hỗ trợ phát triển cho các em. Khi thấu hiểu được tâm tính và nhu cầu của các em, giáo viên sẽ khắc phục được những hành vi lệch đó và việc dạy dỗ các em cũng trở nên dễ dàng hơn.
Từ việc kiên trì giảng dạy các em, bản thân người đứng lớp như tôi cũng nhận ra nhiều điều để khắc phục và hoàn thiện mình. Điển hình như việc trước đây, tôi đã từng học ngôn ngữ ký hiệu nhưng chỉ trên sách vở. Đến khi tiếp xúc với các em rồi mới có dịp được trau dồi và sử dụng linh hoạt trong từng tình huống giảng dạy.
Thiết nghĩ, để trở thành giáo viên ở những lớp học đặc biệt này, cùng với yêu thương còn phải kiên trì, từ tốn trong giảng dạy đối với các em. Nếu không xuất phát từ tình yêu thương chân thành, cá nhân tôi cho rằng chắc không có giáo viên nào có thể gắn bó được với nghề suốt nhiều năm qua.
Dẫu phải trải qua nhiều khó khăn như thế nhưng phần thưởng lớn nhất dành cho sự tận tâm của các thầy cô có lẽ đơn giản là được nhìn thấy sự đáng yêu, hồn nhiên, vô tư và cố gắng của các em để tiến bộ, dù chỉ là những kỹ năng nhỏ nhất.
Sực nhớ cách đây vài năm, khi bắt đầu công việc giảng dạy cho các em khuyết tật, bản thân tôi đã từng nhận những câu nói rất khó nghe từ nhiều người chung quanh. Mỗi khoảnh khắc, nhớ đến những câu nói ấy, lòng tôi chợt đau nhói, khẽ thương xót các em học sinh kém may mắn.
Cũng bởi, các bạn vốn không quyền được lựa chọn được sinh ra với một hình hài như thế nào. Việc bị khuyết tật đã khiến các bạn quá thiệt thòi, nay lại phải đối diện với ánh nhìn kì thị của xã hội càng đáng thương hơn. Càng đồng cảm với các bạn học sinh, tôi càng ý thức được giá trị của công việc mình đang làm.
Những ngày đặc biệt như thế này, được nghe câu chúc 20/11 từ các em khiến người đứng lớp như tôi vô cùng trân quý và xúc động. Sự tiến bộ trong hành trình trưởng thành của các em chính là động lực để những người đứng lớp như chúng tôi, tiếp tục gắn bó với nghề.
Trịnh Kỳ An (Giáo viên Trung tâm bảo trợ trẻ em khuyết tật)
Viết thư ngỏ xin đổi hoa, bánh kem dịp Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 thành thẻ bảo hiểm y tế cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn, hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Văn Luông nhận niềm vui bất ngờ.