- Kỹ sư Bùi Hiển ở Bình Dương đang trở thành nhân vật được nhiều người nhắc đến với sáng chế máy bay trực thăng Bùi Hiển. Là nhân vật trò chuyện trong chuyên mục Hotface, "kỹ sư hai lúa" đã chia sẻ những câu chuyện thú vị xung quanh việc tự chế trực thăng.
Kỹ sư Bùi Hiển chia sẻ câu chuyện thú vị về đam mê sáng chế máy bay.Kỹ sư Bùi Hiển kể đã bỏ bao tiền và gia đình có ủng hộ cho đam mê khác lạ...
MC Quỳnh Loan: Thông tin ông tự chế chiếc trực thăng khiến nhiều người bất ngờ. Từ đâu ông nảy ra ý định chế tạo trực thăng, trong khi ông là chủ một garage ô tô?
Kỹ sư Bùi Hiển: Tôi vốn làm nghề cơ khí nên rất thích những công việc có độ khó cao. Ngày xưa, tôi từng chơi máy bay mô hình nên rất đam mê máy bay. Khi đó, tôi thấy những chiếc máy bay này rất hay, tuy nhỏ nhưng tích hợp tất cả những bộ phận của một chiếc máy bay lớn. Động tác bay của máy bay mô hình cũng rất chuẩn. Có những động tác máy bay thật không thực hiện được, như động tác lật ngược lên để bay, hay còn gọi là bay 3D, nhưng máy bay mô hình lại có thể làm được.
Say một thời gian chơi máy bay mô hình, tôi có ý tưởng tự làm những chiếc máy bay mô hình lớn hơn. Khi tự tay mình chế tạo những món đồ đó, mình sẽ không phải đi mua nữa. Từ đó, tôi bắt đầu nghiên cứu để làm một chiếc máy bay mô hình nhỏ bằng máy cưa. Sau 6 tháng thi công, nghiên cứu, tôi đã hoàn thiện chiếc máy bay mô hình đầu tiên và có thể bay được. Từ đó, tôi đam mê luôn.
Tôi nghĩ mình chắc phải làm một chiếc máy bay lớn, để leo lên ngồi, bay lên thì mới hoành tráng được. Tôi bắt đầu vào mạng tìm hiểu tài liệu. Tài liệu về chế tạo máy bay rất nhiều nhưng toàn bằng tiếng Anh thôi. Từ đó, tôi bắt đầu đi học tiếng Anh, tất nhiên khi học mình vẫn chưa dịch ra được vì việc phiên dịch rất khó. Tôi phải mua một phần mềm dịch tiếng Anh, phần mềm đó có cái khó là khi mình dịch tiếng Anh phải có một cuốn từ điển kỹ thuật để dịch những từ kỹ thuật mới ra đúng nghĩa của nó. Ví dụ khi dịch bằng từ điển "cái cánh" nó ra "lưỡi dao". Nên nhiều khi mình khó hiểu, mình phải mua từ điển kỹ thuật để tra. Thời gian dịch kỹ thuật khá lâu và tôi dịch khoảng 200 trang tài liệu để chế tạo.
Khi dịch xong tài liệu, tôi hiểu về nguyên tắc khí động học, sau đó mới tiến hành làm. Đầu tiên, tôi tìm một mẫu máy bay đơn giản, dễ thực hiện nhất. Trong tài liệu mạng, tôi tìm thấy mẫu máy bay Nolen của Anh, là một loại máy bay đồng trục nhỏ. Mẫu máy bay đó dễ chế tạo nhất và tôi nhận thấy khả năng mình có thể làm được. Sau khi tìm hiểu tài liệu, tôi thiết kế cái máy bay đó. Khi thiết kế, tôi phải tìm một cái động cơ đủ công suất để nâng cả người và máy bay lên. Tại thị trường Việt Nam chỉ có loại máy Cano là đủ yêu cầu. Sau khi tìm kiếm, tôi nhận thấy chỉ có máy Cano là đủ 100 mã lực. Khi tìm được động cơ, tôi tiến hành làm chiếc máy bay đồng trục đó. Việc thiết kế và tiến hành thực hiện mất khá nhiều thời gian, khoảng 2 năm tôi mới hoàn thành.
Sau khi hoàn thành, tôi tiến hành bay thử, khi đó, có trục trặc phát sinh thì mình sẽ điều chỉnh và thay thế, mất khoảng nửa năm nữa thì hoàn tất và cất cánh được.
MC Quỳnh Loan: Cách đây 4 năm, ông từng chế tạo một chiếc trực thăng, nhưng nó lại không được to và hoành tráng như chiếc trực thăng hiện tại. Chiếc trực thăng hiện tại có quy mô hơn và to hơn, như vậy chắc hẳn độ phức tạp cũng sẽ cao hơn. Ông chuẩn bị chế tạo chiếc trực thăng này ra sao?
Kỹ sư Bùi Hiển: Sau khi làm chiếc máy bay thứ nhất, chiếc thứ hai đơn giản hơn nhiều. Thiết kế xong là tôi làm ngay. Nhưng khó nhất là khi mình làm, những vật tư để lắp ráp không thể tìm thấy ngoài thị trường. Mình chỉ có thể mua được động cơ, còn cánh, đĩa, điều khiển đều không có. Mình phải gia công tất cả, mà một khi đã gia công thì độ chính xác rất kém. Tôi cũng cố gắng hết sức, khả năng của mình tới đâu thì mình làm tới đó thôi. Khi làm xong rồi, mình biết là nó bay được nhưng vẫn không chuẩn, bởi độ rơ của nó nhiều nên khi bay sẽ bị rung. Tất cả những phụ tùng mình lấy từ xe ô tô. Mình tìm những cái phụ tùng tương đương mà mình có thể chế được, sau đó phải cải tạo lại rồi mới lắp lên máy bay được.
Tuy có nhiều khó khăn nhưng sau khi tôi làm chiếc thứ nhất, tôi đã có kinh nghiệm hơn nên việc hoàn thiện cũng nhanh hơn. Cái này phức tạp, đòi hỏi kỹ thuật cao hơn vì phải điều khiển góc cánh. Tăng, giảm góc cánh là một, hai nữa là nó có cái đuôi quay rất nhanh nên nếu góc cánh không đồng tâm thì nó không quay được. Tới bây giờ, nó đã hoàn thiện và có thể cất cánh được.
MC Quỳnh Loan: Ông mất 2 năm để chế tạo và 6 tháng để tập bay. Như vậy, ông có thể đánh giá mức độ hoàn thiện của chiếc trực thăng này ra sao?
Kỹ sư Bùi Hiển: Về chất lượng, chiếc máy bay có thể bay được. Thời gian bay có dài hay không thì tôi không dám đảm bảo. Bởi những chi tiết mình làm ra có độ chính xác kém và hệ số an toàn thấp. Tôi chỉ làm với chủ trương là để cho chiếc máy bay có thể bay được, còn việc tham gia giao thông hoặc bay cao, bay xa thì mình phải nhập những chi tiết quan trọng. Ví dụ như cái đĩa điều khiển mình làm không chính xác, độ rơ của nó nhiều lắm. Chính vì vậy, máy bay của mình bay được nhưng không an toàn. Ví dụ như cánh, cái ông bạn làm cho mình về biên dạng rất đúng nhưng chất liệu của cái cánh đó thì lại không đảm bảo, độ cứng không đảm bảo và nặng hơn 3 ký so với cánh tiêu chuẩn. Tất nhiên khi nặng hơn thì nó sẽ gây khó khăn hơn trong quá trình vận hành.
MC Quỳnh Loan: Vì sao ông đặt tên chiếc trực thăng này là giấc mơ? Hẳn là ông gửi gắm rất nhiều dự định vào nó?
Kỹ sư Bùi Hiển: Trước khi tiến hành chế tạo máy bay, tôi đã có giấc mơ rồi. Khi thực hiện, tôi muốn đặt tâm tư, nguyện vọng vào từng sản phẩm của mình. Nếu nhà nước cho phép, giấc mơ của tôi sẽ thành hiện thực.
MC Quỳnh Loan: Làm sao ông có thể lái được chiếc trực thăng này, trong khi ông chưa từng được đào tạo qua trường, lớp?
Kỹ sư Bùi Hiển: Thực ra tôi không biết lái máy bay đâu. Tôi không có điều kiện để theo trường học nên đã mua một phần mềm vi tính. Bay ở trong máy vi tính khó lắm, mình phải tập rất nhiều. Nửa tháng khi đã bay được trong phần mềm tôi mới mang chiếc máy bay của mình lấy dây cố định lại để nó chỉ có thể lên, xuống được thôi chứ không lật nghiêng được. Chiếc máy bay sợ nhất là lật nghiêng đập sẽ cánh hỏng. Tôi tập với dây khoảng 3 tháng, ngày nào cũng bay. Sau đó, tôi bắt đầu bỏ dây và tập bay không, trong khoảng 3 tháng nữa mới bay được. Ngày nào tôi cũng bay.
Mỗi sáng, tôi mua 200 ngàn đồng tiền xăng, bay cho đến khi hết xăng thì đi về. Ngày nào tôi cũng tập liên tục. Lúc đầu, tôi tập bay trong xưởng, khi đã bay được mới đem ra ngoài bãi để tập luyện.
MC Quỳnh Loan: Trong quá trình chế tạo, việc tập luyện lái chiếc trực thăng có thể phát ra tiếng ồn. Khi đó, hàng xóm có than phiền hay không?
Kỹ sư Bùi Hiển: Khi tôi bay, tôi không bay ở đây mà bay ở trong một cái kho rất rộng. Vì sợ gây nguy hiểm cho người ngoài nên tôi đóng cửa kho lại. Không gian trong đó rất yên tĩnh, tiếng máy bay cũng nhỏ nên không gây ảnh hưởng gì.
MC Quỳnh Loan: Ông có thời gian dài đi lính. Những kinh nghiệm nào trong thời gian đi lính giúp ông trong quá trình thực hiện chiếc trực thăng này?
Kỹ sư Bùi Hiển: Việc đi bộ đội giúp ích rất nhiều trong quá trình chế tạo máy bay, đặc biệt ở sự can đảm, dũng cảm. Khi đã là người lính, không có sợ hiểm nguy khi lái máy bay. Đó là điều căn bản nhất. Khi mình đã dám làm thì lúc bay thử đương nhiên mình cũng dám bay rồi.
MC Quỳnh Loan: Kinh phí để chế tạo chiếc máy bay lên tới nửa tỷ đồng. Như vậy, ông tự chịu kinh phí này hay có cá nhân, tổ chức nào tham gia?
Kỹ sư Bùi Hiển: Kinh phí thực hiện máy bay từ cá nhân tôi. Trước kia, tôi định mua chiếc xe ô tô để chạy, nhưng sau đó thấy không cần thiết vì đoạn đường mình đi làm chỉ có vài cây số. Chiếc ô tô không cần thiết bằng niềm đam mê nên tôi dồn hết tiền đầu tư cho máy bay.
MC Quỳnh Loan: Ông đã mất gần nửa tỷ đồng cho chiếc trực thăng này, vậy bước tiếp theo, ông có định đầu tư nữa hay không?
Kỹ sư Bùi Hiển: Cái đó phải nhờ tới chính quyền, các cơ quan ban ngành chức năng. Bây giờ tôi biết là sản phẩm của mình bay được nhưng không thể tham gia giao thông hay phục vụ nông nghiệp và lâm nghiệp được. Nếu muốn tham gia giao thông, mình phải nhập những tổng thành quan trọng như đĩa điều khiển, cánh, cánh đuôi vì hiện nay, trong nước chưa làm được nên mình phải nhập thôi. Cái đó hoàn toàn phụ thuộc vào nhà nước vì tự mình không thể làm được.
Nhưng trước mắt, tôi phải xin phép để được bay thử. Khi bay được rồi, tôi mới có thể làm đăng ký bản quyền. Sau khi hoàn thiện hai khâu đó, tôi mới tính đến tương lai là có thể ứng dụng thực tiễn, làm nữa hay không. Điều đó phụ thuộc hoàn toàn vào sự quan tâm của nhà nước.
MC Quỳnh Loan: Gia đình và những người thân quen phản ứng như thế nào khi ông có ý định sản xuất một chiếc trực thăng?
Kỹ sư Bùi Hiển: Về phía gia đình và người thân, họ rất ủng hộ. Chỉ có bạn bè là nghĩ tôi không làm được vì cái đó quá khó để làm. Nhiều người nói tôi không nên làm, vì như vậy sẽ gây lãng phí tiền bạc, nhưng tôi rất quyết tâm, vì mình đã đam mê rồi. Tôi không chắc 100% là mình sẽ bay được, nhưng bằng sự quyết tâm, tôi đã hoàn thiện được sản phẩm của mình.
MC Quỳnh Loan: Theo như ông nói, chiếc máy bay này có mục đích là hướng tới phục vụ cho nông nghiệp. Ông có thể giải thích rõ hơn về điều này?
Kỹ sư Bùi Hiển: Hiện nay, tôi đang thử nghiệm hệ thống phun thuốc trừ sâu. Nói chung, khi bay, chỉ cần bật công tác nó phun rất đơn giản. Còn khi máy bay bay trên cánh đồng cũng là chuyện dễ dàng. Nếu phương tiện của mình được đảm bảo an toàn thì việc phục vụ cho nông nghiệp, lâm nghiệp sẽ rất đơn giản.
Xin cám ơn ông với những chia sẻ!
Cận cảnh chiếc máy bay tự chế của kỹ sư Bùi Hiển
Quỳnh Loan - Sơn Hà - Lê Việt
Ảnh: Đinh Tuấn