Chị Bích Ngọc giờ đã ổn định phần nào nhưng mỗi khi nhìn lại đôi chân mình, những dòng hồi ức kinh hoàng vẫn khiến chị rùng mình.

Chị Ngọc (Dịch Vọng, Hà Nội) kết hôn với anh Ngô Xuân Hải chưa được bao lâu thì anh Hải chuyển công tác vào Sài Gòn. “Thuyền theo lái, gái theo chồng” chị Ngọc bỏ dở công việc kinh doanh của mình theo chồng vào miền đất mới.

Sự cô đơn không thể chia sẻ cùng ai…

Xa xứ, Sài Gòn nhiều điều lạ lẫm về văn hoá và cách làm ăn, lại vừa đậu thai nên chị ở nhà cơm nước cho chồng đi làm. Hai vợ chồng thuê một căn nhà rộng rãi ở vùng ngoại ô, nhà cách nhà rất xa nên rất ít khi giao lưu với hàng xóm. Chồng thì đi làm biền biệt, có khi chục ngày đảo qua nhà một lần rồi lại đi. Mọi việc kinh hoàng cũng bắt đầu từ đó…

Nhà rộng, một thân một mình chị Ngọc ở, lại thêm việc mang thai ốm nghén khiến chị luôn trong một trạng thái tâm lý bất ổn, luôn sợ hãi và lo lắng. Chị đột nhiên mắc chứng sợ không gian rộng, suốt ngày cứ ru rú trong phòng ngủ, đóng kín cửa để thoát khỏi cảm giác sợ hãi, có việc cần thiết như nấu ăn giặt giũ chị mới ra khỏi phòng, sau đó lại nhốt mình lại, chỉ sống trong bầu không khí ngột ngạt ấy chị mới có cảm giác an toàn.

Đến những tháng cuối thai kì, tâm trạng của chị ngày càng bất ổn. Chị thường xuyên mất ngủ triền miên, cố dỗ mình vào giấc ngủ thì chị gặp toàn ác mộng, có khi ngay cả khi chị thức thì bỗng đâu có tiếng nói của ai đó văng vẳng bên tai chị mơ hồ, khiến chị càng thêm lo lắng, ám ảnh.

Bản tính vốn là người sống nội tâm, ít khi tâm sự chuyện của mình cho người khác, cũng ít khi biểu lộ cảm xúc của bản thân nên chồng chị không nhận ra là vợ mình đang có vấn đề về tâm lý, nhiều khi thấy vợ có vẻ buồn phiền anh chỉ nghĩ là do vợ mang thai nên sức khoẻ mệt mỏi, tâm lý cũng không thoải mái là chuyện bình thường, anh không ngờ tâm lý của vợ mình lại bất ổn đến độ không thể làm chủ được bản thân nữa.

{keywords}

Gia đình chị Ngọc hiện tại.

Đến tâm lý bất ổn và hành động không thể kiểm soát

Trước khi sinh vài ngày, tâm trạng của chị đã rơi vào trạng thái cực kì tồi tệ, chị thường xuyên nghe thấy tiếng ai đó thúc giục bên tai, điều khiển hành vi của mình. Tiếng nói đó cứ thúc giục, ra lệnh bảo chị: “nhảy đi, không sao đâu…” Đến khi đưa con về nhà được vài ngày thì bệnh tình của chị đã trở nên cực kì nghiêm trọng. Sau khi nghe tiếng “người đó” liên tục thúc giục bên tai, chị đã gieo mình từ tầng 4 xuống đất.

May mắn chị sống sót, nhưng bán thân bất toại, chị liệt một nửa người từ bụng trở xuống, bác sỹ nói chị sống được là một kì tích. Con trai vừa mới lọt lòng, còn chưa kịp hưởng dòng sữa non ngọt ngào của mẹ thì mẹ đã gặp nạn, mất hết trí nhớ, không còn nhận ra mọi người xung quanh và kí ức về mình.

Chồng chị bàng hoàng và đau xót khôn nguôi. Anh không thể ngờ vợ mình lại mắc trọng bệnh như thế nên cứ dằn vặt bản thân, khủng hoảng tinh thần trầm trọng vì một lúc gia đình nhỏ xảy ra quá nhiều chuyện rối ren.

Chứng loạn thần kinh sau sinh và cuộc đấu tranh giành lại kí ức

Chị Ngọc bị thuyên chuyển viện liên tục để phục vụ cho việc chữa chạy ở các khoa. Khi thì nằm ở viện này để điều trị tâm lý, khi thì chuyển sang viện khác để chữa chạy bệnh.

Không có bảo hiểm, sức khoẻ cực kì kém do vừa mới sinh con thật chẳng khác gì con cua vừa lột vỏ, lại thêm tai nạn khiến chị bị liệt hẳn hai chân, đằng sau xương cụt do chấn thương mạnh đã hoại tử gần hết, kí ức chẳng còn lại gì, đến chồng con mình còn không nhận ra, miệng chỉ ứ ớ được vài câu đơn giản, trí tuệ chỉ như đứa trẻ lên ba… Lúc ấy, chị thực lòng muốn chết để không còn phải đối diện với thực tại quá đau xót, bất hạnh này. Tiếng gọi trong đầu vẫn không ngừng thúc giục chị nhảy xuống một lần nữa.

{keywords}

Chị Bích Ngọc và con trai.

Khoảng thời gian kinh hoàng đó nếu không có chồng, chị gái và các bác sỹ tận tình chăm sóc, cộng với những nỗ lực thoát khỏi tình trạng tâm lý tồi tệ kể trên thì có lẽ chị đã không thể có ngày hôm nay.

Bác sỹ chẩn đoán chị bị mắc chứng loạn thần kinh sau sinh (đó là một chứng trầm cảm sau sinh nhưng ở mức độ nặng và nguy hiểm hơn). Chứng bệnh này thường gây ức chế về tâm lý, gây ảo giác, ảo thanh và không thể làm chủ hành vi của mình. Nguyên nhân do sản phụ bị ức chế thần kinh, không chia sẻ được với ai nên thời gian trôi qua thì bệnh tình càng nặng và gây ra những hành vi không thể kiểm soát như hành vi nhảy lầu của chị.

Được sự chăm sóc tân tình và sự đông viên, yêu thương của gia đình, chị Ngọc dần dần thoát ra khỏi tình trạng bất ổn, bắt đầu nhận ra mọi người và có cảm giác yêu con mình. Tuy vậy, sức khoẻ của chị chỉ còn 3/10, lại thêm thuyên chuyển viện liên tục để điều trị bệnh tình và bình ổn tâm lý nên con chị được gửi cho chị gái chồng ở Yên Bái chăm sóc, nuôi nấng. Khi sức khoẻ của chị Ngọc đã khá hơn một chút, anh Hải quyết định đưa vợ ra Hà Nội để tiện cho việc chăm sóc vợ và thăm con.

Thời gian này nhờ có chị gái của chị Ngọc làm “y tá” bất đắc dĩ đã chăm sóc, yêu thương chị như mẹ chăm con nên chị phần nào bớt cảm giác chán chường và cố gắng lấy lại tinh thần để đấu tranh với bệnh tình và thực trạng bất hạnh của mình.

Và cái kết có hậu

Từ ngày chị gặp tai nạn kinh hoàng đó cho đến nay đã được 4 năm. Thời gian trôi qua nhưng vết thương vẫn chưa lành. Vẫn còn nguyên đó đôi chân teo tóp vì bị liệt, mất hoàn toàn cảm giác, vẫn còn nguyên đó những khó khăn khi không thể tự mình làm những việc vê sinh cá nhân đơn giản. Nhà chị vẫn phải đi thuê, trả tiền theo tháng bởi sau cơn bạo bệnh của chị thì tiền của của một gia đình trẻ tích cóp được cũng bay biến.

Nhưng bằng tất cả sự nỗ lực không tưởng của bản thân mình, chị Ngọc vẫn hàng ngày hàng giờ cố gắng sống và làm việc như một người khoẻ mạnh, thậm chí còn có ích hơn cả những người khoẻ mạnh mà “vô công rỗi nghề”.

Tận dụng cửa nhà ở trong một ngõ nhỏ đông người qua lại, chị mở một quán bán trà đá và tạp hoá nhỏ để bán, mọi di chuyển trong nhà phụ thuộc vào chiếc xe lăn. Ban đầu, do bỡ ngỡ với chiếc xe lăn nên chị khá khó khăn trong việc đi lại, bắp tay căng cứng vì phải lăn từng vòng bánh xe, nhiều khi chị muốn bỏ tập.

{keywords}

May mắn là chị luôn có chồng ở bên cạnh để động viên tinh thần.

Những lúc như thế, chồng chị lại nhẹ nhàng động viên để chị tiếp tục. Anh bỏ thời gian để thiết kế lại những vật dụng trong nhà sao cho phù hợp với tầm với của chị, mua máy giặt cửa ngang để vợ có thể tự giặt đồ, hạ thấp bàn để bếp ga để chị có thể tự nấu ăn và vô số những việc khác để vợ thuận lợi trong việc di chuyển trong nhà. Bốn năm qua anh vẫn ở bên chăm sóc chị, với anh bây giờ ngoài tình yêu còn có cả tình thương và trách nhiệm của một người đàn ông đang làm chồng, làm cha một gia đình đặc biệt.

Gia Trí, cậu con trai đầu lòng giờ cũng đã 4 tuổi rất thông minh, hiếu động và yêu thương cha mẹ mình. Đó là niềm hạnh phúc lớn lao của một người mẹ đã trải qua nhiều nỗi đau như chị. Nhìn chồng, nhìn con chị lại cố gắng vượt qua tất cả mọi khó khăn, thử thách để tiếp tục sống một cuộc sống mà chị từng mơ ước: Cuộc sống của một người phụ nữ có một gia đình hạnh phúc.

Khó khăn về kinh tế vẫn hàng ngày đè nặng lên vai nguời phụ nữ đã chịu nhiều đau khổ, bất hạnh nhưng chưa một phút giây nào chị cho phép mình chán nản hay suy nghĩ tiêu cực. Trong lúc vắng khách uống trà, chị Ngọc vừa thêu những bức tranh thêu chữ thập để bán, vừa tâm sự: "Có nhiều người hay hỏi mình có thấy chán nản không? Có buồn không? Buồn chứ! Nếu nói là không thì là mình tự dối mình, nhưng bản thân mình luôn phải tự động viên không cho phép mình gục ngã, bởi nếu bây giờ mình buông bỏ thì mình sẽ mất tất cả. Mình làm sao có thể làm điều dại dột ấy khi mà mình đang có một gia đình hạnh phúc như thế này”.

 (Theo Khám phá)