Một người mẹ trẻ đăng tâm sự của mình trên một diễn đàn, kể về trạng thái trầm cảm đến mức không còn tiếc mạng sống mà cô đã trải qua. Câu chuyện của cô có thể khiến nhiều người phải suy nghĩ:
"Các mẹ đã bao giờ nghe đến bệnh trầm cảm sau sinh chưa. Tôi chính là bị mắc bệnh đó mà tự tử. Sau khi lấy chồng và biết tin mình có em bé thì 3 tháng sau tôi bị thất nghiệp do dịch bệnh. Từ đó tôi chỉ có thể ở nhà lo dọn dẹp nhà cửa và đi chợ nấu ăn…", câu chuyện bắt đầu từ hoàn cảnh khó khăn mà cô vợ không may rơi vào đúng thời điểm biết mình sắp có con. Việc thất nghiệp ở nhà, không có thu nhập do mình tạo ra, va chạm với các thành viên trong gia đình chồng đã khiến cô càng lúc càng trầm cảm.
Người mẹ trẻ giãi bày, cô nghén đến tận tháng thứ 6 thai kỳ mới hết nên người lúc nào cũng mệt mỏi rồi kén ăn. Vài tháng cuối thai kỳ cô bắt đầu bị tiểu nhiều vào ban đêm và mất ngủ liên tục. Vô tình nghe được mẹ chồng nói xấu mình với nhiều người rằng cô kén cá chọn canh, ngủ dậy muộn, ngủ cả ngày, đã ở nhà ăn bám mà còn không biết điều.
Sau khi cô đẻ mọi chuyện càng tồi tệ hơn. Cô chịu đả kích mạnh khi bị cả nhà chồng chỉ trích việc không sinh thường mà lại sinh mổ, trong khi con thì có 3kg. Ngày cô đẻ xong bà nội có sang phòng cô ngủ nhưng đúng nghĩa là chỉ ngủ, bà nói bà không thức khuya được, đau đầu sáng mai không dậy được. Cô mới sinh vẫn nén đau ngồi dậy thay tã, dỗ dành con. Hôm sau cô bảo mẹ chồng không cần sang phòng nữa, cô tự chăm con được.
Mẹ chồng cô là người sống hai mặt, trước người ngoài bà nói sẽ chăm cho cô kiêng cữ đủ 3 tháng vì bố mẹ cô ở xa, nhưng thực chất sau 1 tháng đã bắt cô làm đủ việc nấu ăn, giặt giũ, dọn dẹp. "Tôi kiêng một tháng cũng được thôi nhưng tức vì bà với người ngoài nói một kiểu nhưng lại làm một kiểu", cô tâm sự.
"Con tôi ngủ ngày thức đêm tròn ba tháng đầu, có một mình tôi vừa chăm con vừa làm việc nhà thật sự rất mệt mỏi. Bây giờ bé đã được 9 tháng cũng đỡ hơn, tuy là ngày ngủ ít thôi, nhưng đêm thức đến tận 12 giờ đêm 1h sáng, sau đó ngủ đến 7-8h sáng. Con rất bám mẹ, đi đâu tôi cũng phải địu con theo, có lúc vừa nấu ăn vừa bế con.
Con tôi ngủ muộn dậy muộn thì tôi cũng ngủ theo lịch của con, mẹ chồng tôi rất khó chịu điều đó. Bà bảo tôi ngủ như con lợn, ngủ 9-10h chưa thèm dậy. Có những hôm con quấy lắm cứ đòi bế làm tôi nấu cơm chưa xong. Mẹ chồng tôi đi về mặt sưng mày sỉa nói rằng hơn 12 giờ mà có tí cơm nước nấu cũng không xong, bà ấy chỉ có nước mà nhịn đói. Tôi bảo con tôi quấy quá nên chưa xong thì bà nói tôi kém, ngày xưa người ta nuôi hàng mấy đứa vẫn nuôi được, tôi có một đứa mà than.
Bà dì chồng tôi không lên nhà thì thôi, hễ lên nhà là nói tôi không ra gì. Đỉnh điểm là tối hôm đó chị gái tôi xuống thăm thì bà dì ấy cũng lên. Có chị gái tôi ở đấy nhưng bà dì vẫn vào phòng tôi chửi xa xả. Bà ấy nói rằng lần nào ban ngày bà ấy lên cũng thấy mẹ con tôi đóng cửa ngủ không chịu làm gì. Sao không dậy mà tranh thủ dọn nhà dọn cửa đi "ngủ như con lợn". Không công ăn việc làm gì ở nhà có tí việc cũng không chịu làm để nhà cửa bừa bộn lên. Tôi nói con cháu đêm thức khuya quá nên ngày nó ngủ thì cháu cũng ngủ tí lấy sức tối chăm con. Bà ấy bảo tôi là lười biếng chứ con nít đứa nào chả quấy, dù thế nào sáng cũng phải dậy cho thật sớm mà làm việc. Bà ấy đẻ tận 4 đứa vẫn làm được hết", người mẹ trẻ theo mạch câu chuyện.
Sự việc khiến cô khóc cả một đêm. Cô không biết mình đã làm sai cái gì mà lại khổ thế. "Tất cả mọi người đều ghét bỏ kêu tôi là kẻ ăn bám. Tôi không nghĩ được gì nữa chỉ muốn chết và tìm cách để chết. 5h sáng tôi uống thuốc tự tử… Đến gần 7h sáng tôi bắt đầu chóng mặt, người thì rã rời và nôn thốc nôn tháo. Chồng tôi bị tiếng nôn của tôi làm cho tỉnh dậy. Anh hỏi tôi bị làm sao nhưng tôi không còn đủ sức nói nữa, chỉ nôn rồi ngã ra sàn nhà. Chồng tôi vội vàng gọi xe taxi, lưng cõng tôi còn tay thì bế con ra xe taxi đến bệnh viện.
Đến bệnh viện tôi được chuyển thẳng vào phòng cấp cứu, vừa thở oxy, đo nhịp tim, đo huyết áp, truyền dịch và uống thuốc thải độc nguyên một ngày. Bác sĩ chẩn đoán tôi bị nhiễm độc nhưng vì được phát hiện kịp thời nên chỉ cần uống thuốc thải độc, chứ không phải rửa ruột.
Tôi nằm trong viện hai ngày thì được xuất viện. Bố mẹ tôi ngay khi biết tin vội bắt máy bay về, chị tôi cũng đội mưa chạy đến bệnh viện. Nhưng bạc bẽo thay suốt hai ngày tôi nằm viện đó trừ chồng con ra, cả nhà chồng không một ai đến xem tôi còn sống hay chết rồi...
Lại nói đến chồng tôi, từ khi tôi đẻ con ra công việc của anh cũng ngày càng bận hơn, đi từ sáng sớm đến tối mịt mới về. Dù biết tôi mệt mỏi nhưng anh cũng không thể chăm con giúp tôi được vì phải ngủ để mai lấy sức đi làm. Anh biết mẹ chồng tôi đối xử tệ với tôi nhưng đứng giữa mẹ với vợ anh không biết phải làm sao.
Vài hôm nữa mẹ con tôi cùng với bố mẹ đẻ của tôi sẽ bay vào Sài Gòn. Tôi không muốn ở cái nhà này thêm nữa…"
Trầm cảm sau sinh là chứng bệnh có thật khiến nhiều bà mẹ trẻ rơi vào khủng hoảng, có khi còn trở nên ghét bỏ bản thân, ghét bỏ chính đứa con và tìm cách quyên sinh, thậm chí giết con nếu tình trạng trầm cảm diễn biến trầm trọng.
Bởi vậy, phụ nữ mang thai và đặc biệt đang trong giai đoạn nuôi con sơ sinh - khi nhịp sinh hoạt bị đảo lộn vì một em bé xuất hiện trong gia đình, khi họ còn đau và cạn kiệt sức lực sau chuyến vượt cạn, khi họ bị tước đoạt giấc ngủ hàng đêm dẫn đến thần kinh căng thẳng - họ rất cần sự cảm thông, hỗ trợ từ những người thân trong gia đình nội ngoại, đặc biệt là chồng.
Gia đình có bà mẹ mới sinh nên hết lòng thông cảm, chăm sóc và hỗ trợ mẹ con cô ấy, giúp đỡ và đáp ứng những nguyện vọng của cô ấy khi cô ấy cần. Mục đích là để người mẹ trẻ thấy được tình cảm gia đình, thấy cô ấy không cô đơn trong việc sinh ra và chăm sóc một đứa con - thành viên mới của gia đình, cảm nhận được trọn vẹn nhất hạnh phúc làm mẹ và hạnh phúc khi có con.
Hãy yên tâm rằng, cùng với sự yêu thương của bạn, rồi cô ấy sẽ lại bình thường thôi khi những biến động về hormone không còn diễn ra nữa.
Theo Dân trí
Thai phụ cãi nhau với chồng vì nhất quyết không cho mẹ chồng vào phòng sinh
Câu chuyện một thai phụ không muốn mẹ chồng vào phòng sinh đã làm dấy lên cuộc tranh cãi trên mạng xã hội.