Một điều quá đỗi kỳ lạ là, sau ngần ấy năm chơi game, đắm chìm cùng game, một ngày thức dậy bạn bỗng nhận ra giữa một rừng hàng nghìn tựa game, từ online đến offline, từ PC, console cho tới mobile, chẳng còn sản phẩm nào đủ sức níu giữ bạn lại như xưa kia nữa.

 

Nhiều người cho rằng, khi lớn lên, không còn bị những bài học trên lớp, những lúc học thêm hay đống bài tập dồn đống “nhìn đã thấy sợ” cuốn lấy, chúng ta sẽ được chơi ngày chơi đêm, chơi đến khi nào chẳng còn sức thì thôi. Chưa dừng lại ở đó, nhiều cậu bé cũng nghĩ rằng khi đi làm rồi, bạn muốn mua gì cũng được mà chẳng ai cấm cản nổi. Sự thật, trớ trêu thay, lại hoàn toàn không phải như vậy.

Mỗi năm có hàng tá game mới ra mắt mà tôi muốn thưởng thức. Cũ có, những game mà tôi chưa có thời gian thưởng thức, và mới thì lại càng nhiều. Nhưng đời thì không như mơ, và những “đứa trẻ” từng mơ một ngày ra trường chơi game thả ga lại rơi xuống mặt đất, với guồng quay lo toan mệt mỏi của đời sống thường ngày.

 

Kỳ thực vấn đề thời gian nghiệm đúng với rất, rất nhiều game thủ Việt Nam. Câu chuyện đầu tiên xin phép được kể về một người bạn tôi quen thông qua một tựa game MMORPG đã từng làm mưa làm gió làng game. Vài ngày trước đây anh than thở với tôi rằng nhiều game mới ra quá, lại có vài game online hay mà không thể nào có được thời gian cày cuốc cùng bạn bè.

Tôi mới giật mình nhận ra rằng điều này đúng với cả tôi nữa. Những game online đình đám đang thu hút cộng đồng game thủ Việt tôi đều đã (bắt buộc phải) chơi vì yêu cầu công việc. Việc thưởng thức những tựa game mới giờ vẫn là một thú vui, thế nhưng khoản thời gian có được không cho phép tôi cùng bạn bè có được những phút giây vui vẻ trong game vào những buổi tối.

 

Ấy là về phần chúng tôi. Quay trở lại làng game, chỉ vài năm trước đây, khoảng thời gian 22h đến 22h30 vẫn là khoảng thời gian nhộn nhịp của những game thủ quen thuộc tại các quán internet gần nơi tôi sống. Những trận raid boss, PK hay cày level của họ vẫn vui vẻ mặc dù ai cũng đã thấm mệt sau cả ngày cày cuốc. Giờ đây, cũng tầm giờ này, tôi chỉ thấy lác đác 2 3 người còn ngồi trong tiệm net, chủ quán cũng đã chuẩn bị đóng cửa, nghỉ ngơi sau cả ngày mở cửa.

Nhìn lại một vòng những game online đang hoạt động tại Việt Nam, số lượng những MMO đáng để game thủ bỏ thời gian chơi cùng bạn bè rốt cuộc chỉ có thể đếm trên đầu ngón tay. Còn lại là gì? Đơn giản, là những webgame dễ chơi, dễ tiếp cận những cũng dễ chán nhờ sự hiện diện đến lạm dụng của những công cụ hỗ trợ.

 

Chính điều này đã đẩy một số game thủ từ core xuống mức casual. Lý do là vì họ chơi game chủ yếu để được gặp bạn bè đồng đạo, chat chit cho vui chứ một tựa game quá phức tạp, lối chơi có chiều sâu chưa chắc đã đủ khả năng giữ chân những game thủ như vậy.

Thế nhưng mọi chuyện còn bi đát hơn nữa khi sự gắn kết cộng đồng ngày càng nhạt nhòa dần, ngày nay dường như các bạn trẻ chơi game không còn mấy tâm huyết đối với trò chơi mình đang gắn bó, họ cả thèm chóng chán vô cùng. Ngoại trừ các game online vào hàng lão làng đã tích lũy được cộng đồng lớn mạnh từ xưa như VLTK, Audition, Đột Kích… Gần như mọi tựa game mới về nước trong 2, 3 năm trở lại đây đều rơi vào tình trạng ảm đạm sau khoảng 3~6 tháng, tuổi thọ của chúng nói không ngoa giờ chỉ trung bình khoảng 2 năm, trong đó phân nửa thời gian là thoi thóp.

Tình trạng trên chính là vì sự cả thèm chóng chán của gamer, và sâu xa hơn chính là do mặt bằng thị trường không có gì thay đổi. Vẫn những tựa game na ná nhau ra đời thì làm sao giữ chân được người chơi? Dần dà tôi không còn cảm nhận được sự gắn kết cộng đồng trong game online Việt nữa, mà bạn cũng biết rằng với trò chơi trực tuyến, cộng đồng là trái tim.