Họ lấy chồng nhưng chồng không kiếm ra tiền, buộc họ phải gánh vác tất cả việc nhà, việc xã hội, còn đảm nhận trọng trách lớn là nuôi cả con, cả chồng.
Đêm nào em cũng khóc vì chồng không kiếm ra tiền
Chị Lê Hoa (Hà Nội) chia sẻ, chị kết hôn đã 10 năm, chồng chị lớn hơn 2 tuổi. Họ đã có hai con, bé lớn 5 tuổi, bé nhỏ 2 tuổi. Đã 30 tuổi mà chồng không kiếm ra tiền, tài sản chẳng có gì và chị thì đang vật vã, suy sụp tinh thần.
Chị kể, chồng hiền lành, ngoan và không chơi bời, gái gú, nghiện ngập… Nhưng mới chỉ học hết cấp 3, lại nhút nhát nên nghỉ học đi làm thuê mãi mới xin được làm công nhân.
Từ khi kết hôn, 2 năm đầu tháng nào chồng cũng đưa cho vợ 2 - 3 triệu đồng. Khi đẻ con lớn chị sinh mổ , tốn mất gần chục triệu. Vừa dành dụm được tí tiền thì vỡ kế hoạch sinh cháu thứ hai cũng phải mổ, tốn gấp đôi tiền. Bao nhiêu tích cóp hết sạch. Vì chị sinh mổ còn bị đơ tử cung, tiêm nhiều kháng sinh nên mất sữa, phải nuôi bằng sữa bột.
Ảnh: ilov.gr |
Mẹ chị thương con gái nên cho một chỗ bán tạp hóa để kiếm thêm tiền nuôi con, rồi còn lo cho con đi học, rồi tích cóp phòng khi trái gió trở trời. Hàng họ thì chị phải vay mượn tứ tung, vay cả tiền ngân hàng để buôn bán, phải trả lãi mỗi tháng 2 triệu đồng. Cứ tưởng hai vợ chồng có việc làm, kinh tế sẽ khá dần. Ai ngờ chồng bảo đi làm công nhân vất vả, xa vợ con… nên bỏ việc.
Từ đầu năm tới giờ, sáng chồng giúp vợ dọn hàng ra, xong về đi chơi, ngủ, chờ cơm ăn. Tối giúp vợ dọn hàng vào. Thi thoảng ai thuê làm gần thì đi, có tiền thì đưa vợ. Không ai thuê thì ở nhà, không chịu đi kiếm việc làm.
Buôn bán ngày càng khó, lãi suất nợ nần không trả được cứ đội lên, mà chồng chẳng lo kiếm tiền đỡ đần trả nợ giúp vợ. Người ta buôn bán càng ngày càng ra, hoặc bảo tồn nguyên vốn. Đằng này chị đã ăn cả vào vốn, đuối dần… mà mọi chi tiêu cho gia đình, học hành con cái, sinh hoạt hàng ngày… vợ vẫn phải gánh vác một mình, đầu óc luôn căng thẳng mà chồng cũng không biết mà an ủi.
Đã thế cả ngày bán hàng, tối về muộn thấy chồng nằm, hoặc ngồi xem tivi, không biết cắm giúp vợ nồi cơm, hay tắm giặt cho con cái… chị càng chán, luôn buồn tủi, mệt mỏi, lo lắng vì nợ nhiều… Tự dưng thân gái phải nai lưng làm trụ cột gia đình, nuôi con lại nuôi cả chồng. Trong khi đó chồng vẫn vô tư, vui vẻ. Nhiều lần chị đã nói nhẹ, nói nặng để chồng tìm việc làm, nhưng chồng cứ ì ra, mặc vợ quay quắt kiếm tiền, vất vả cơm nước phục vụ chồng, con.
Sống với chồng hiền lành nhưng không có nghị lực, hoài bão, không biết thương xót vợ mà chỉ an phận mình… thật khổ. Dịp này con cái nghỉ hè, chị gửi con sang ông bà nội, rồi bảo chồng về ngủ với con vì con còn nhỏ, rất cần bố. Một mình chị lên trông cửa hàng, tự khóc cho vơi bớt buồn khổ, và cũng vì chị không muốn đi cùng, ngủ cùng với người chồng vô tâm nữa.
Thèm được thấp kém để dược dựa vào chồng
Chị Đ. P (Hải Phòng) chia sẻ, chồng hơn chị 9 tuổi, giờ anh đã hơn 40 tuổi thì mới nghĩ tới vợ. Còn trước đó vợ phải lo hết từ A đến Z. Ông ấy còn thấy tiền là tiêu bạt mạng, không cần biết vợ có nợ nần, hay phải lo việc gì không. Chưa bao giờ chồng đi làm mà biết đưa tiền về cho vợ. Đã thế từ khi lấy chồng tới tận bây giờ chị vẫn phải lo cả tiền cho chồng tiêu, mà nhà chồng thì luôn khinh rẻ.
Chị H. A (Lạng Sơn) lại cho rằng, chị Lê Hoa may mắn có chồng ngoan hiền rồi. Chồng chị H. A thì chơi bời, đề đóm suốt ngày. Mọi việc nhà cửa, con cái, kinh tế gia đình… chị H. A phải gánh hết, còn bị chồng luôn chửi mắng đánh đập. Tuy chồng có việc làm ổn định, nhưng chả bao giờ đưa lương cho vợ để góp phần lo lắng cho gia đình, cho bố mẹ hai bên.
Lương chồng chẳng đủ mua xăng đi làm, ăn sáng, ăn trưa. 2 năm nay chồng đi học, vài tháng lại bảo vợ đưa chục triệu nộp học. Có lần chị thẳng thắn nói với bố mẹ chồng, mong hai cụ bảo ban chồng, nhưng bố chồng trả lời: "Chồng không lo được thì vợ phải lo". Ơ hay, con gái lấy chồng để nuôi con, chứ có phải lấy ông kễnh về hầu đâu. Sống với người chồng không có tình cảm, bủn xỉn, hay trả đũa vợ, hay càm ràm, vợ con đói khát cũng không hay biết… nên chia tay là điều tất nhiên.
Tâm sự của chị T. M (Hải Dương) còn cực hơn, ngoài kiếm tiền nuôi con, chị còn phải lo hết việc nhà, con cái và hàng tháng lo trả nợ cho chồng (anh vay nợ ngân hàng để lấy vốn làm ăn và cụt vốn). Tiếng là mỗi tháng chồng đi làm đưa vợ hơn 8 triệu đồng tiền lương, nhưng phải trả nợ hơn 7 triệu, rồi vài ngày anh lại bảo vợ đưa mấy trăm để đi làm. Hai đứa con đang tuổi ăn học, bao khó khăn anh đổ tất lên vai vợ. Tính chồng còn khô khan, cáu bẳn, nên vất vả thế mà chị không bao giờ được nghe chồng động viên, an ủi nên chị nản lắm.
Giờ chị T. M thấy mình như “đàn ông” trong nhà. Nhiều đêm chị thèm được làm người vợ thấp kém hơn chồng để được dựa vào chồng.
Lời khuyên của những người vợ lớn tuổi
Lấy được chồng cái gì cũng tốt, hiền ngoan, chỉ có kiếm tiền là kém cỏi, nhưng vẫn có ý thức đưa cho vợ thì không đến nỗi phải chia tay.
Biết là chuyện kiếm tiền rất quan trọng để nuôi sống gia đình. Nhưng giờ chia tay liệu có lấy được chồng khác tốt, hiền ngoan lại chịu đưa tiền cho vợ không? Hay nó thấy mình ở nhà trông con chung, con riêng lại ngứa mắt, mắng cho là không biết kiếm tiền.
Nếu sau này chồng làm biếng, không lo cho gia đình, chỉ lo ăn chơi lêu lổng thì chia tay không muộn.
P. T. D (Hà Nội)
Không có tiền để lo cho con cái và sinh hoạt gia đình thì chồng hiền, ngoan chả để làm gì. Cuộc sống không có tiền ngột ngạt gấp trăm lần ông chồng chơi bời nhưng kiếm được nhiều tiền đem về.
Có tiền còn lo được cho con cái. Vợ còn đi chơi, shopping để xả buồn. Không có tiền thì chỉ có chui vào xó nhà mà khóc. Khi chồng không tự chủ về kinh tế, cuộc sống vất vả lắm các bạn ạ.
Điêu đứng vì phải sống chung với em chồng
Lâu nay người ta cứ nói về mối quan hệ đầy căng thẳng giữa mẹ chồng - nàng dâu mà quên đi một mối quan hệ khác, ấy là mối quan hệ "chị dâu - em chồng".
Anh đưa tôi 60 triệu và nói 'sau này con lớn, cho anh gặp con một lần'
Sau một tuần chìm trong đau khổ cũng là lúc tôi nhận ra mình có thai với anh. Tôi hoang mang không biết phải làm thế nào. Bỏ con hay làm mẹ đơn thân?
(Theo Dân trí)