Lời tòa soạn: Không gian mạng dần dần không còn “ảo” nữa khi nhà nhà, người người đang dành rất nhiều thời gian cho mạng. Lẽ tất yếu, không gian mạng giờ không chỉ có lời hay ý đẹp, mà cũng đang bị ô nhiễm bởi tràn ngập những hành động bêu riếu, xúc phạm nhau, thậm chí cả ăn cắp, lừa đảo lẫn nhau…

Mọi thứ “lệch chuẩn” đó còn dễ dàng phát tán trên không gian mạng hơn bởi pháp luật và các công cụ quản lý còn chưa bao phủ được hết “cuộc sống” còn khá mới này.

Báo VietNamNet triển khai loạt bài "Dọn sạch không gian mạng" với mong muốn nêu ra thực trạng đau lòng về sự ô nhiễm của cuộc sống mạng, tìm ra nguyên nhân lý giải và nhất là gợi mở cách thức để quản lý cũng như kêu gọi mọi người chung tay xây dựng một không gian mạng sạch sẽ, văn minh và lành mạnh để mỗi chúng ta và con em mình đều được “sống đẹp” dù ở bất cứ đâu, trên mạng hay trong đời thật. 

Cổ Ngân cho biết, thời điểm yêu và đính hôn với người tình 73 tuổi, cô bị nhiều cư dân mạng xỏ xiên, bêu xấu.

Ngay sau khi thông tin cô gái tổ chức lễ đính hôn với vị hôn phu đại gia được đăng tải, các tài khoản mạng xã hội của Ngân liên tục hứng chịu những bình luận khiếm nhã. Những người này cho rằng, đây là mối tình dựa trên tiền bạc, Cổ Ngân yêu đại gia vì tiền, PR để lấn sân vào showbiz…

{keywords}
Cổ Ngân 24 tuổi, sống tại TP.HCM, nổi tiếng với mối tình lệch tuổi cùng đại gia người Mỹ 73 tuổi. 

Cô gái càng nhận thêm nhiều tổn thương khi mối tình lệch tuổi sớm tan vỡ vì những mâu thuẫn giữa đôi bên. Lúc này, Cổ Ngân tiếp tục hứng chịu nỗi đau kép khi chuyện tình yêu tan vỡ và tiếp tục bị cộng đồng mạng tấn công.

“Sau khi chia tay, người trong cuộc đã rất buồn. Trong khi đó, người ngoài cuộc lại chỉ chờ những lúc mình dễ tổn thương nhất để ‘xát muối’, làm cho mình không thể gượng dậy.

Họ nói tôi bị anh ấy “đá”, hết hợp đồng, tôi đã lấy đủ tiền, tôi chia tay để cặp đại gia khác… Nếu tôi im lặng, không chia sẻ nguyên nhân họ nói tôi chảnh chọe, kiêu căng. Ngược lại, tôi chia sẻ thì bị vu vạ là chia tay tỷ phú hết tiền nên phải lấy chuyện này ra để tạo scandal, PR bản thân… Dù tôi có nói gì cũng không bao giờ vừa lòng hết mọi người”, Ngân nói thêm.

Một trường hợp nổi tiếng về bắt nạt, sỉ nhục người khác qua mạng là câu chuyện bi thảm vào năm 2015 tại Đồng Nai. Một nữ sinh 15 tuổi bị bạn trai tung clip sex lên mạng.

Clip được chia sẻ nhanh chóng và nữ sinh nhận được vô vàn những lời bình phẩm cay nghiệt. Quá hoảng hốt và đau buồn trước áp lực của dư luận, cô bé 15 tuổi đã tìm tới cái chết bằng cách uống thuốc diệt cỏ.

51% người dùng mạng từng là nạn nhân, chứng kiến "bắt nạt"

Theo định nghĩa của Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc (UNICEF), bắt nạt trên mạng là "bắt nạt khi sử dụng những công nghệ kỹ thuật số" và có thể "diễn ra trên mạng xã hội, nền tảng nhắn tin, nền tảng trò chơi và điện thoại di động. Đó là hành vi lặp đi lặp lại, nhằm mục đích gây sợ hãi, tức giận hoặc làm xấu hổ những người bị nhắm tới".

Theo khảo sát tháng 9/2020 của Microsoft ở phạm vi toàn cầu, 38% người dân ở 32 quốc gia nói rằng họ đã từng liên quan đến một vụ bắt nạt, với tư cách là nạn nhân, người có hành vi bắt nạt hoặc là người chứng kiến. Tại Việt Nam, 51% người dùng mạng cho biết họ từng có liên quan đến một “vụ bắt nạt”, 21% cho biết họ từng là nạn nhân và 38% là người đứng ngoài hoặc chứng kiến hành vi bắt nạt hoặc quấy rối.

Khi được hỏi về tác động của hành vi bắt nạt qua mạng tại nơi làm việc, những người tham gia khảo sát cho biết hậu quả phổ biến nhất là cảm thấy bị sỉ nhục (58%), tiếp sau là mất tinh thần (52%) và mất tự tin (51%).

Các tác động cũng khác nhau giữa các thế hệ. 53% người được hỏi trong độ tuổi 18-24 cho biết cảm thấy bị cô lập và trầm cảm do bị bắt nạt, trong khi đó những người thuộc thế hệ X (những người sinh ra giữa những năm 1960 đến đầu những năm 1980) nhận thấy mình làm việc kém hiệu quả hơn (58%).

Những người gặp phải hành vi bắt nạt hoặc quấy rối trực tuyến tại nơi làm việc cũng cho biết họ cảm nhận được nỗi đau “không thể chịu đựng được hoặc nghiêm trọng” từ những trải nghiệm đó.

Cũng theo nghiên cứu của Microsoft, khi là mục tiêu của hành vi bắt nạt hoặc quấy rối trực tuyến, hầu hết mọi người ở Việt Nam đều chặn kẻ bắt nạt (63%) hoặc chia sẻ với bạn bè về chuyện đã xảy ra (58%), số còn lại phớt lờ kẻ bắt nạt (43%). 50% người trả lời cho biết họ đã báo cáo hành vi cho các công ty truyền thông xã hội hoặc các nhà cung cấp khác.

Hãy báo cáo khi là nạn nhân

{keywords}
Tại Việt Nam, 51% người dùng mạng cho biết họ từng có liên quan đến một “vụ bắt nạt”. 

Microsoft cũng khuyến khích mọi người ở mọi lứa tuổi nếu gặp bất kỳ hành vi đe dọa hoặc quấy rối trực tuyến nào hãy báo cáo cho nhà cung cấp dịch vụ trực tuyến có liên quan. 

Đối với mạng xã hội Facebook, trong các điều khoản của mình, Facebook có ghi: Chúng tôi không nhân nhượng bất cứ hành vi nào gây nguy hiểm cho mọi người, dù ai đó đang tổ chức hoặc ủng hộ sự bạo lực trong thế giới thực hoặc bắt nạt người khác. Người dùng có thể xem "Tiêu chuẩn cộng đồng" của Facebook để hiểu loại chia sẻ nào được phép trên Facebook, loại nội dung nào có thể bị báo cáo và bị gỡ. 

Mới đây, Facebook cũng cho biết trong quý 3 năm 2020, hệ thống trí tuệ nhân tạo (AI) của họ đã phát hiện và gỡ bỏ 94,7% trong số 22,1 triệu nội dung khiêu khích sự thù hận trên trang xã hội; tăng từ 80,5% trong số 6,9 triệu nội dung so với cùng kỳ của năm trước. Facebook đang từng bước sử dụng AI để loại bỏ những nội dung này trên nền tảng của mình.

Quay lại câu chuyện của Cổ Ngân, khi chưa thể trông chờ vào sự can thiệp của chính các nền tảng công nghệ, cô chọn cách mạnh mẽ tự bước qua sự bủa vây của miệng lưỡi thế gian.

Cô gái trẻ chia sẻ rằng, trước đây, khi bị nói xấu, vu khống trên mạng xã hội, cô gần như "không chịu nổi". Thậm chí, những lời phán xét của dư luận đã có lúc khiến cô mất đi nghị lực, mục đích sống.

Tuy nhiên, là một cô gái mạnh mẽ, trước những tổn thương thật đến từ mạng ảo, cô sớm học được cách quên và giữ lấy sự lạc quan. “Có một câu nói mà tôi rất thích, đó là: ‘Đừng bao giờ để cuộc đời của mình lên đôi môi của người khác. Đừng nên tốn thời gian vào những điều khiến mình buồn phiền, bực bội’”.

Cô cũng nhắn nhủ cộng đồng mạng không nên phán xét người khác khi mình không phải là người trong cuộc. “Theo tôi, tất cả mọi người ai cũng có lúc phạm sai lầm, không ai tốt hơn ai nên hãy học cách đừng phán xét”.

Đăng Dương - Nguyễn Sơn

Lê Anh: Học cách dùng mạng xã hội để tẩy chay văn hoá 'bóc phốt', 'dìm hàng'

Lê Anh: Học cách dùng mạng xã hội để tẩy chay văn hoá 'bóc phốt', 'dìm hàng'

"Tôi cho rằng cốt lõi ở việc nâng cao năng lực sử dụng mạng xã hội, công dân mạng Việt sẽ tự tẩy chay những hành vi ứng xử vô văn hóa, thiếu văn minh".