Chuyện xảy ra đã 3 năm nay. Bố mẹ tôi cũng không còn cãi nhau về chuyện ai cũng có niềm vui riêng nữa. Hình như họ đã ngầm thỏa hiệp để không phải lôi nhau ra tòa, gia đình này không tan nát một cách chóng vánh.
Hạnh phúc của bố mẹ tan vỡ từ đâu, tôi cũng không biết nữa. Mẹ nói bố tôi là người khô khan, thiếu lãng mạn. Ông vô tâm đến độ không biết yêu chiều, quan tâm vợ để bà chán ghét rồi ngoại tình, ngã vào lòng người đàn ông khác.
Nhưng tôi không tin. Vì vào những ngày đặc biệt trong năm, tôi vẫn thấy bố mua hoa, quà tặng mẹ. Ông vẫn đưa mẹ và tôi đi xem phim, đi ăn nhà hàng mỗi cuối tuần.
Tôi còn nhớ, hôm sinh nhật mẹ cũng là kỷ niệm 15 năm ngày cưới của 2 người, bố vẫn tổ chức tiệc thật lớn, thật ấm cúng. Mẹ còn nhận được những món trang sức lấp lánh ánh kim cương từ bố.
Hôm ấy, tôi còn thấy bố hát những bài tình ca mà mẹ yêu thích. Như vậy, bố tôi đâu có khô khan. Có chăng, ông chỉ ham công tiếc việc. Ông không thích chơi nhiều hơn làm.
Và, ông hay từ chối lời đề nghị đi mua sắm những thứ thừa thãi, không cần thiết, những chuyến du lịch xa xỉ không đúng thời điểm của mẹ. Ông cũng ít đăng ảnh mẹ lên trang cá nhân hay vào trang mạng của mẹ để khen bà trẻ đẹp, để lại những bình luận đậm chất ngôn tình nhưng sáo rỗng.
Có lẽ mẹ cho đó là biểu hiện của sự vô tâm, thiếu lãng mạn. Phải chăng vì thế mà mẹ thích người đàn ông luôn thả tim, bấm like, khen mình đẹp, hấp dẫn mỗi khi bà đăng ảnh, khoe cơ thể phù hợp với bộ đồ bó sát người.
Cả hai bắt đầu bình luận qua lại rồi trò chuyện với nhau. Khi bố nhận thấy điều bất thường thì đã muộn. Mẹ và người đàn ông kia đã yêu thương nhau. Thậm chí, cả hai còn vụng trộm ngay sau khi bố vừa rời nhà đến công ty làm việc.
Ngày phát hiện vợ ngoại tình, bố chỉ nhốt mình trong phòng. Ông uống rượu hết chai này đến chai khác. Khi không còn rượu để uống nữa, đau đớn trong lòng ông tuôn trào theo những giọt nước mắt.
Ông muốn biết lý do và nhận về câu trả lời vô cảm từ mẹ. “Tính cách của tôi và anh không hợp nhau”. Câu trả lời ấy khiến bố tôi đau đớn. Ông biết đó chỉ là cách nói tránh của mẹ. Thực ra, mẹ chê bố không bằng người tình trẻ của mình.
Có lẽ để chứng minh điều ngược lại, bố bắt đầu sống buông thả. Ông qua lại với những cô gái trẻ, thậm chí dẫn nhân tình về nhà. Nhiều lần, ông cố tình chọc mẹ giận bằng cách đem tiền đi mua trang sức quý tặng nhân tình.
Từ đó, những bữa ăn gia đình có đủ mặt cha mẹ của tôi hiếm dần. Tôi cũng không còn được bố mẹ dẫn đi ăn, xem phim, du lịch vào dịp cuối tuần, ngày lễ nữa.
Sinh nhật của tôi từ đó cũng không khác gì ngày thường. Nếu chẳng may bố hoặc mẹ nhớ ra, ông bà cũng chỉ gọi điện chúc mừng hoặc chuyển tiền vào tài khoản cho tôi như một lời xin lỗi.
Trước đây, mỗi khi đi công tác xa, bố mẹ đều cố gắng gọi video về nhà cho tôi. Cả nhà vẫn trò chuyện, vui đùa cùng nhau dù cách xa cả ngàn cây số.
Còn bây giờ, bố mẹ chỉ cố sao không phải chạm mặt nhau khi ở nhà. Mẹ về thì bố đi và ngược lại. Có lúc, tôi cảm thấy không ai để ý đến sự tồn tại của mình.
Bố mẹ cũng không còn để ý đến cảm nhận của tôi nữa. Tôi cũng không có cơ hội nói ra những suy nghĩ, mong muốn của mình.
Bởi, bố mẹ đâu có cho tôi cơ hội. Tôi chưa mở lời, bố hoặc mẹ đã xua tay, nói lời xin lỗi và cáo bận rồi trở về phòng hoặc ra khỏi nhà.
Giờ đây, dù có đủ cha đủ mẹ nhưng bỗng chốc tôi có cảm giác như mình là trẻ bơ vơ. Tôi cô đơn, lạc lõng trong chính ngôi nhà, gia đình của mình. Tôi 18 tuổi rồi. Tôi có nên rời bỏ gia đình này để ra ngoài sống riêng hay không?
Độc giả M.T.T.
Chứng kiến con gái khóc nghẹn ngoài sân, cửa nhà đóng im ỉm, tôi chạy vào ôm con và xông thẳng lên phòng ngủ. Trước mắt tôi là Dương - người yêu cũ của vợ. Vợ tôi mặt tái mét, bắt đầu phân bua.