Tăng cường quốc phòng, an ninh, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa là nhiệm vụ chiến lược, trọng yếu, thường xuyên của cách mạng Việt Nam. Đây là một trong những vấn đề lớn, hệ trọng, liên quan đến vận mệnh, tương lai của dân tộc nên luôn được xác định rõ trong các nghị quyết của Đảng.
Lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam. |
Trên tinh thần đó, Đại hội XIII của Đảng tiếp tục có những bước phát triển mới trong tư duy về phương thức và giải pháp bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Đảng ta “Xác định “chủ động phòng ngừa” là chính. Ứng phó kịp thời, hiệu quả với các đe dọa an ninh phi truyền thống, nhất là nhiệm vụ cứu nạn, cứu hộ, phòng, chống thiên tai, dịch bệnh. Có kế sách ngăn ngừa các nguy cơ chiến tranh, xung đột từ sớm, từ xa. Nỗ lực phấn đấu để ngăn ngừa xung đột, chiến tranh và giải quyết các tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình phù hợp với luật pháp quốc tế”. Đây là sự kế thừa, vận dụng sáng tạo bài học kinh nghiệm “giữ nước từ lúc chưa nguy”, phát triển tư tưởng bảo vệ Tổ quốc “từ sớm, từ xa” để xác định rõ phương thức, giải pháp “chủ động phòng ngừa” là chính. Điều đó thể hiện rõ tầm nhìn chiến lược của Đảng về quốc phòng, an ninh trong tình hình mới, nhằm chủ động ngăn ngừa, đẩy lùi, giải tỏa các “điểm nóng”, các nguy cơ dẫn đến xung đột vũ trang; nhất là việc chủ động ứng phó với các thách thức an ninh phi truyền thống đang ngày càng gia tăng và đe dọa trực tiếp đối với an ninh quốc gia và toàn cầu hiện nay. Thực tế hiện nay, đại dịch COVID-19 đã và đang diễn ra phản ánh rõ tính chất phức tạp và đặc biệt nguy hiểm của an ninh phi truyền thống, mà mọi quốc gia, dân tộc đều phải chung tay giải quyết.
Văn kiện Đại hội XIII của Đảng cũng xác định: “xây dựng và phát huy mạnh mẽ “thế trận lòng dân” trong nền quốc phòng toàn dân và nền an ninh nhân dân; xây dựng và củng cố vững chắc thế trận quốc phòng toàn dân và thế trận an ninh nhân dân. Kết hợp chặt chẽ, hiệu quả giữa kinh tế, văn hóa, xã hội, đối ngoại với quốc phòng, an ninh và giữa quốc phòng, an ninh với kinh tế, văn hóa, xã hội và đối ngoại”.
Quan điểm trên thể hiện sự nhất quán với các quan điểm trước đó của Đảng, nhưng có sự nhấn mạnh rõ hơn là phải: phát huy mạnh mẽ và củng cố vững chắc thế trận quốc phòng toàn dân và thế trận an ninh nhân dân; coi đó là một trong những phương thức hữu hiệu để bảo vệ Tổ quốc. Ở đây, nét mới trong phương thức, giải pháp bảo vệ Tổ quốc chính là: Đảng ta đã đặt các thành tố kinh tế, văn hóa, xã hội, đối ngoại với quốc phòng, an ninh trong một chỉnh thể gắn kết, thống nhất. Đây cũng là bước phát triển, bổ sung mới về phương thức bảo vệ Tổ quốc, làm tăng khả năng phát huy nội lực, tiềm năng, bản sắc và truyền thống của dân tộc Việt Nam trong bảo vệ Tổ quốc cũng như trong xây dựng đất nước hiện nay; phát huy và làm sâu sắc thêm tính chất toàn dân, toàn diện của sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa. Xét trong tính tổng thể, các phương thức đấu tranh bảo vệ Tổ quốc được sử dụng một cách tổng hợp, linh hoạt, mềm dẻo, đặt trong mối quan hệ và sự tương tác lẫn nhau để huy động sức mạnh tổng hợp và vai trò của mọi lĩnh vực, mọi lực lượng để bảo vệ Tổ quốc.
Một nét mới khác về phương thức và giải pháp tăng cường quốc phòng, an ninh, bảo vệ Tổ quốc đó là việc Đảng ta xác định rõ: Xây dựng, phát triển nền công nghiệp quốc phòng, công nghiệp an ninh hiện đại, lưỡng dụng, vừa đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc, vừa góp phần quan trọng phát triển kinh tế - xã hội; xây dựng và củng cố các tuyến phòng thủ biên giới, biển, đảo; vừa có cơ chế huy động nguồn lực từ địa phương và nguồn lực xã hội cho xây dựng tiềm lực quốc phòng, an ninh. Đó là bước phát triển mới về mặt tư duy trong định hướng phát triển công nghiệp quốc phòng, công nghiệp an ninh, phản ánh đúng yêu cầu thực tiễn. Giải quyết tốt vấn đề này sẽ tạo sức mạnh tổng hợp cho cả quốc phòng, an ninh và các nhiệm vụ khác, tạo ra nguồn lực lớn cho việc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ của tình hình mới.
Hồng Hạnh