Tối 14/4, UBND huyện Tam Đường tổ chức Lễ khai mạc Tuần Văn hóa - Du lịch huyện Tam Đường năm 2022 với chủ đề “Tam Đường điểm đến an toàn và hấp dẫn”.
Nằm trong khuôn khổ Tuần Văn hóa - Du lịch Lai Châu năm 2022, đây là sự kiện văn hóa, kinh tế, xã hội và du lịch thường niên có ý nghĩa quan trọng của huyện nhằm giới thiệu, quảng bá hình ảnh, các giá trị văn hóa, tài nguyên và sản phẩm du lịch đặc sắc; tạo điểm nhấn thu hút khách du lịch đến với Lai Châu nói chung và huyện Tam Đường nói riêng. Từ đó thúc đẩy du lịch của huyện năm 2022 và các năm tiếp theo.
Tuần Văn hóa - Du lịch huyện Tam Đường năm 2022 diễn ra từ ngày 14 - 16/4/2022 với nhiều chương trình đặc sắc, hấp dẫn và những trải nghiệm thú vị như: Chương trình nghệ thuật “Tam Đường hòa sắc vươn xa”; lễ hội nhảy lửa của dân tộc Dao; lễ hội đường phố; không gian quảng bá, xúc tiến các hoạt động du lịch; phục dựng các không gian truyền thống văn hóa các dân tộc. Cùng với đó là thi ẩm thực; thi các trò chơi dân gian, môn thể thao dân tộc; chương trình giao lưu văn nghệ với chủ đề “Tam Đường nơi hội tụ và lan tỏa sắc màu văn hóa các dân tộc”; các hoạt động tại các điểm du lịch và trải nghiệm môn thể thao mạo hiểm dù lượn với gần 100 phi công tham gia bay lên Pu Ta Leng...
Trong thời gian diễn ra Tuần Văn hóa - Du lịch huyện Tam Đường năm 2022, du khách có thể đến các điểm du lịch trên địa bàn huyện để trải nghiệm, khám phá như: Khu du lịch sinh thái đỉnh đèo Hoàng Liên - Cổng trời Ô Quy Hồ; Khu du lịch cầu kính Rồng Mây; bản Sì Thâu Chải, xã Hồ Thầu; bản Lao Chải 1 và Lao Chải 2, xã Khun Há; Bản Thẳm, xã Bản Hon.
Ông Vũ Xuân Thịnh, Phó Chủ tịch UBND huyện Tam Đường, Trưởng Ban Tổ chức Tuần Văn hóa -Du lịch huyện Tam Đường năm 2022 nhấn mạnh: Tuần Văn hóa - Du lịch huyện Tam Đường năm 2022 là sự kiện có ý nghĩa quan trọng, thể hiện nỗ lực vượt qua khó khăn, phục hồi phát triển kinh tế - xã hội của cả tỉnh nói chung và huyện Tam Đường nói riêng trước ảnh hưởng của đại dịch Covid-19.
Sự kiện diễu hành và múa đường phố, giới thiệu bản sắc văn hóa bản địa của các nghệ nhân.
Tuần Văn hoá - Du lịch huyện Tam Đường là cơ hội để nhân dân, du khách trong và ngoài huyện giao lưu, gắn kết, xây dựng khối đại đoàn kết các dân tộc. Cơ hội để Tam Đường chào đón, giới thiệu với đông đảo bạn bè, nhân dân và du khách về tiềm năng, thế mạnh, nét đẹp nguyên sơ của miền đất, con người Tam Đường – Lai Châu.
Chương trình nghệ thuật sau lễ khai mạc với chủ đề “Tam Đường hòa sắc vươn xa” được dàn dựng công phu với sự tham gia của gần 500 nghệ sĩ, diễn viên quần chúng tạo nên một chương trình nghệ thuật hoành tráng, đa sắc màu và tiếp đó là lễ hội nhảy lửa của dân tộc Dao.
Đây là lễ hội được tổ chức vào ngày đầu năm mới hoặc ngày rằm tháng 7 âm lịch. Lễ hội nhảy lửa nhằm thể hiện sức mạnh, lòng dũng cảm của những chàng trai người Dao, giúp xua đuổi tà ma, bệnh tật, cầu mong một cuộc sống an lành, hạnh phúc...
Ngoài ra, trong chuỗi hoạt động của Tuần Văn hóa - Du lịch Lai Châu năm 2022, chiều 14/4/2022 tại sân vận động huyện Tam Đường đã diễn ra Hội thi giã bánh dày, một trong những hoạt động đặc sắc của văn hóa dân tộc H'Mông. Phần thi có 06 đội tham gia đến từ bà con nhân dân các xã Thèn Sin, Tả Lèng, Nùng Nàng, Giang Ma, Sơn Bình, Khun Há. Hội thi thu hút sự quan tâm của nhiều du khách đến Tam Đường tham quan, tìm hiểu văn hóa.
Quang cảnh hội thi giã bánh dày.
Bánh dày - món bánh cổ truyền và hoạt động giã bánh dày không thể thiếu trong các dịp lễ, hội hay Tết đến xuân về của đồng bào dân tộc H'Mông. Theo quan niệm xưa, bánh dày của người H'Mông không chỉ biểu tượng cho tình yêu, sự thủy chung son sắt của trai gái người H'Mông mà còn tượng trưng cho mặt trăng và mặt trời, nguồn gốc sinh ra con người và vạn vật trên trái đất.
Để món bánh dày ngon như ý phải có đủ các vật dụng cần thiết như: cối giã bánh làm bằng thân cây gỗ chắc, thớ mịn, có mùi thơm và khoét rỗng ruột; chày giã bánh cũng được làm bằng các loại gỗ cứng và nặng; vừng rang sẵn và lòng đỏ trứng gà đã được luộc chín để xoa tay và xoa các dụng cụ nặn bánh không bị dính.
Một yếu tố không thể thiếu là phải chọn được gạo nếp thơm và dẻo. Giã bánh ngay khi xôi còn đang nóng. Giã càng kỹ thì bánh càng dẻo, ngon và để được lâu. Khi giã xong cần bàn tay khéo léo của người phụ nữ nặn bánh ngay. Lá gói bánh là lá chuối đã hơ qua lửa và lau sạch...
Sôi động, hấp dẫn, tỷ mỉ trong từng công đoạn cùng sự chuẩn bị chu đáo cho nội dung thuyết trình, bày trí sản phẩm… của các đội tham gia, phần thi giã bánh dày thu hút đông đảo khán giả đến xem, cổ vũ.
Việc đưa phần thi giã bánh dày vào khuôn khổ của ngày hội có ý nghĩa rất quan trọng. Không những bảo tồn, gìn giữ nét văn hoá đặc sắc của đồng bào dân tộc H'Mông còn nhằm tôn vinh và giới thiệu tới du khách, bạn bè các tỉnh sản phẩm du lịch độc đáo của địa phương.
Anh Nguyễn Văn Dũng (Hà Nội) lên Lai Châu từ ngày 13/4 cùng gia đình trải nghiệm các hoạt động của Tuần Du lịch – Văn hóa Lai Châu 2022 chia sẻ: “Tôi thích các nét văn hóa bản địa ở đây, cảnh đẹp, nông sản sạch, đồ ăn ngon, nhiều hoạt động thú vị, dân dã. Tôi nghĩ đây là dịp để các con mình được hiểu biết hơn về thế giới xung quanh, về đất nước và con người Việt Nam”.
Bạch Liên