Ngày 25/6/2015,  Diễn đàn cấp cao về CNTT - ICT Summit 2015 của Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ CNTT Việt Nam (Vinasa) tổ chức tại Hà Nội với chủ đề “CNTT và quản trị thông minh”. ICT Summit 2015 sẽ bàn về CNTT và quản trị thông minh, thảo luận về xu thế, chiến lược và giải pháp để ứng dụng hiệu quả CNTT trong quản trị các ngành, lĩnh vực của đời sống xã hội, đặc biệt là dịch vụ công; y tế, bảo hiểm, giao thông, đô thị và nguồn nhân lực CNTT.

Với chủ đề: “CNTT và quản trị thông minh”, Vietnam ICT Summit 2015 sẽ cùng nhau chia sẻ, thảo luận về những định hướng, giải pháp đẩy nhanh ứng dụng CNTT trong các ngành, địa phương, các doanh nghiệp và toàn xã hội để nâng cao năng lực, hiệu lực và hiệu quả quản trị hoạt động. Trong đó, tập trung vào 4 chuyên đề chính gồm: Nâng cao năng lực ngành y tế; Nâng cao năng lực, hiệu quả quản lý nhà nước và chất lượng dịch vụ công; Phát triển giao thông thông minh, xây dựng đô thị đáng sống và Phát triển nguồn nhân lực CNTT. Diễn đàn sẽ tập trung trí tuệ các chuyên gia, nhà quản lý nhằm chỉ ra những nút điểm tắc và giải pháp tháo gỡ những khó khăn dựa trên những ứng dụng những nền tảng công nghệ tiên tiến nhất, những giải pháp đột phá, lâu dài và đảm bảo sự phát triển bền vững cho đất nước.

Phát biểu tại diễn đàn, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nói: “Tôi nhớ tại diễn đàn năm ngoái, anh Bình đã chia sẻ về sự phát triển hết sức nhanh chóng, hay phải nói là kỳ diệu của CNTT. Quả thực, CNTT là công cụ kỳ diệu mà chúng ta không thể không ứng dụng. Tôi rất vui mừng nhận thấy từ sau diễn đàn đó, có thể nói CNTT của chúng ta có bước phát triển mới mang tính đột phá. Khí thế trong cộng đồng CNTT ở Việt Nam phấn khích hơn, đáng trông chờ hơn vào những đổi mới tiếp theo. Tôi cũng rất vui mừng nhận thấy một chủ đề rất khó năm qua là đưa CNTT vào nông nghiệp, giúp nông nghiệp Việt Nam chuyển đổi và phát triển đã có những bước triển khai ban đầu”.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng, tuy đã có nhiều dịch vụ công được đưa ra nhưng có thể thấy hành chính vẫn còn rất chậm. Các chỉ số dịch vụ công trực tuyến giảm, đây là điều không thể hài lòng.

“Thế giới nhờ có CNTT mà không gian rộng ra và thời gian thì ngắn lại. Nhưng không phải CNTT chỉ làm cho không gian rộng ra mà CNTT đã làm cho không gian bé lại, thế giới bé lại. CNTT cũng làm thời gian dài ra – nhờ CNTT có thể làm 24 tiếng/ngày để làm việc trên toàn cầu. Không quan trọng phẳng hay nhanh, ngắn ra hay dài ra, quan trọng đó là một thứ tuyệt vời cho những nước có lợi thế, cho cả những nước chưa có lợi thế như Việt Nam”, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh.

Tại diễn đàn, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Bắc Son cho rằng, Sự hội tụ của CNTT- TT đã và đang mang đến cac phương thức phát triển mới, vai trò của CNTT đang ngày  được khẳng định và tác động mạnh mẽ đến sự phát triển năng lực cạnh tranh và vị thế của các quốc gia trên thế giới. Tại Việt Nam, năm vừa qua, sự phát triển của CNTT đã có 1 số kết quả đáng ghi nhận, công nghiệp CNTT luôn duy trì là ngành kinh tế kĩ thuật đạt mức độ tăng trưởng  rất cao.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son, việc phát triển công nghệ và ứng dụng CNTT còn một số bất cập do hệ  thống thông tin và quản lý các ngành chưa đồng bộ, chưa phát huy được hiệu quả cung cấp dịch vụ công và dịch vụ hành chính. Chất lượng và số lượng trong lĩnh vực CNTT mặc dù được cải thiện nhưng chưa đáp ứng nhu cầu thực tế, khả năng ứng dụng CNTT vào các linh vực còn hạn chế so với các nước tiên tiến, cơ chế hỗ trợ chưa có tính đột phá. Để khắc phục tình trạng trên và tiếp tục  triển khai có hiệu quả tiềm năng, lợi thế của CNTT Việt Nam theo chỉ đạo của Chính phủ, Bộ TT&TT cùng các cơ quan, tổ chức, hiệp hội sẽ tiếp tục  triển khai đồng bộ nhiều  biện pháp, nhằm đẩy mạnh ứng dụng CNTT, đáp ứng nhu cầu phát triển hội nhập quốc tế.

Cũng tại diễn đàn này, ông Trương Gia Bình, Chủ tịch Vinasa cho rằng, nếu nhìn lại 4 kỳ diễn đàn vừa qua, chúng ta vui mừng và lạc quan với những bước tiến nhanh chóng của đất nước về phát triển và ứng dụng CNTT trên tất cả các ngành, lĩnh vực đời sống kinh tế xã hội. Chúng ta đã có các kỳ diễn đàn với những chủ đề “CNTT với tương lai phát triển đất nước” “CNTT - Hạ tầng của hạ tầng”; “CNTT – phương thức phát triển mới, nâng cao toàn diện năng lực cạnh tranh quốc gia” và “CNTT - Phương thức phát triển mới kinh tế xã hội và tái cấu trúc nông nghiệp”. Và sau các diễn đàn, chúng ta đã được vui mừng chào đón các quyết sách quan trọng của Đảng, Chính phủ. Năm 2012 với Nghị quyết 13 của Đảng về xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, trong đó CNTT đã chính thức được coi là hạ tầng của hạ tầng phát triển kinh tế xã hội.

 “Thế giới của chúng ta hôm nay đang thay đổi vô cùng nhanh chóng. Trước đây, khi Internet ra đời xóa nhòa biên giới không gian và thời gian khiến thế giới của chúng ta như phẳng hơn. Giờ đây với sự bùng nổ của nền tảng công nghệ SMAC và xu hướng IoT khiến thế giới của chúng ta trở lên nhanh hơn bao giờ hết, và giường như không còn có sự giới hạn về tốc độ. Lần đầu tiên trong lịch sử nhân loại, các quốc gia đi sau có cơ hội nắm bắt CNTT để tăng tốc phát triển với tốc độ không hạn chế. Vậy làm sao để quản trị tốt hơn mọi quá trình trong một thế giới thay đổi nhanh chóng như vây?”, ông Trương Gia Bình nói.

ICT Summit 2015 cũng đón tiếp cựu Thủ tướng Nhật Bản Yukio Hatoyama chia sẻ những kinh nghiệm từ thực tiễn phát triển của Nhật. Vietnam ICT Summit 2015 còn có sự tham gia của trên 500 đại biểu, với khoảng 2/3 đại biểu là lãnh đạo và cán bộ quản lý cấp cao của các bộ, ngành, cơ quan nhà nước, tập đoàn, đơn vị ứng dụng CNTT và 1/3 là lãnh đạo các doanh nghiệp phát triển giải pháp CNTT.