Khoảng 22h ngày 14/11, tài xế Hà Việt Hùng (SN 1981, quê Cà Mau) điều khiển ô tô 5 chỗ chạy tốc độ cao trên đường 5B (phường Hòa Phú, TP Thủ Dầu Một) tông vào xe máy do bà Nghiêm Bích Ngọc (SN 1970, ngụ Bình Dương) đang dừng lại.

Chiếc xe do ông Hùng điều khiển tiếp tục tông vào bà Ngô Thị Thu Hà (SN 1972) đang đứng dưới lòng đường, kéo lê nạn nhân hàng chục mét khiến bà Hà tử vong.

Sau đó, tài xế lái xe chạy hơn 3km với tốc độ cao, va chạm với 1 ô tô con chạy cùng chiều phía trước. Trước khi dừng lại, chiếc xe lao lên vỉa hè, tông trúng xe máy do chị Nguyễn Thị Lan Hương (SN 2000, ngụ Bình Dương) điều khiển. 

tai nan 1 17372.jpg
Ô tô 'điên' tông văng xe máy trong khu nhà ở xã hội. Ảnh: T.T

Qua kiểm tra, tài xế Hà Việt Hùng có nồng độ cồn trong hơi thở là 0,9mg/lít khí thở và không xuất trình được giấy phép lái xe. Ngay trong đêm, tài xế gây tai nạn bị tạm giữ để điều tra về hành vi vi phạm các quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ.

Một trường hợp tương tự xảy ra vào rạng sáng ngày 13/11, trên đại lộ Lê Lợi (TP Thanh Hóa). Khi đó, do uống rượu, bị CSGT ra hiệu lệnh kiểm tra, Vũ Huy Hoàng (SN 1989, ở Thanh Hóa) đã lùi ô tô bán tải bỏ chạy, đâm vào 2 xe máy và làm hư hỏng 9 ô tô khác đang đỗ ven đường.

Quá trình bỏ chạy, ô tô của Hoàng bị mắc kẹt trên vỉa hè và bị CSGT khống chế. Đo nồng độ cồn cho thấy, Hoàng có 0,77 mg/lít khí thở. Đối tượng bị Công an TP Thanh Hóa tạm giữ hình sự ngay sau đó để điều tra về các hành vi “Chống người thi hành công vụ” và “Hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản của người khác”.

z6035000483096 f121d9c26481e7d4ec200076d3ee1a31 67945.jpg
Vũ Huy Hoàng tại cơ quan Công an. Ảnh: CTV

Trao đổi với PV VietNamNet, Tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường cho rằng, hành vi điều khiển xe ô tô di chuyển với tốc độ cao gây tai nạn giao thông liên hoàn khiến một người chết, nhiều người bị thương, thiệt hại nghiêm trọng về tài sản là có dấu hiệu tội phạm, vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ.

Với trường hợp này, có căn cứ để khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can đối với tài xế gây tai nạn theo quy định tại khoản 2, Điều 260 BLHS về tội Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ. Theo đó, tội danh này có khung hình phạt cao nhất lên đến 10 năm tù.

Đối với trường hợp người điều khiển xe bán tải bỏ chạy, đâm vào 2 xe máy, theo luật sư hành vi của người này vô cùng liều lĩnh, nguy hiểm, gây mất an ninh trật tự, đe dọa đến tính mạng, sức khỏe của người thi hành công vụ và xâm phạm nghiêm trọng đến tài sản của người khác.

Luật sư viện dẫn quy định tại Điều 13 BLHS năm 2015 để cho rằng, hành vi của tài xế xe bán tải thỏa mãn các dấu hiệu cấu thành tội phạm nên có thể sẽ bị xử lý về tội Chống người thi hành công vụ theo quy định tại Điều 330 BLHS và tội Cố ý làm hư hỏng tài sản theo Điều 178 BLHS.

Theo luật sư, rất đáng tiếc khi người điều khiển phương tiện giao thông do sử dụng rượu bia mà không làm chủ được hành vi của mình, dẫn đến xâm phạm đến tính mạng của người khác, bản thân phải đối mặt với án phạt tù. Đây là cái giá quá đắt phải trả cho một bữa nhậu.

Luật sư hy vọng, các vụ tai nạn nêu trên sẽ là bài học cho nhiều người. Đồng thời cũng cần tăng cường các giải pháp tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật để nâng cao trình độ nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật của công dân. Bên cạnh đó cũng cần tăng cường việc kiểm tra kiểm soát nồng độ cồn với người tham gia giao thông để kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý những hành vi vi phạm.

Tiến sĩ Đặng Văn Cường cho rằng, cần kiên quyết phát hiện và xử lý các trường hợp vi phạm nồng độ cồn khi tham gia giao thông nhằm tránh những vụ việc tương tự có thể xảy ra.  Với những hành vi vi phạm nồng độ cồn kèm theo chống người thi hành công vụ thì cần phải xử lý nghiêm để răn đe, phòng ngừa chung cho xã hội.