Như “làm dâu trăm họ”

“Nếu nói nghề lái xe buýt như ‘làm dâu trăm họ’ thì quả thật không sai với chúng tôi chút nào. Không chỉ người lái xe mà người phụ xe cũng rất vất vả vì luôn phải giải quyết các khúc mắc, ý kiến của hành khách. Nhưng không phải vị khách nào cũng văn minh, lịch thiệp, thoải mái với người lái và phụ xe”, anh Nguyễn Quang Huy (43 tuổi, Hà Nội) - người hơn 20 năm làm nghề lái xe buýt tại Trung tâm Tân Đạt thuộc Tổng công ty vận tải Hà Nội (Transerco) - tâm sự

Khi bước chân vào nghề, cầm vô lăng, bản thân anh luôn học cách giữ bình tĩnh trước mọi tình huống. Thế nhưng có những vị khách lại không vì sự nhẫn nhịn của anh mà bỏ qua.

Đó là chuyện của nhiều năm trước, khi anh mới cầm vô lăng được vài năm. Hôm đó, có một thanh niên đang đi xe máy trên đường thì bất ngờ chặn đầu xe buýt của anh.

taixebus1.jpg
Anh Huy luôn giữ tâm lý bình tĩnh khi cầm vô lăng để đảm bảo an toàn cho hành khách

“Khi ấy, tôi đang lái xe tuyến 36 nội thành, vì đường đông, nhiều người đi lấn sang làn xe buýt nên tôi bấm còi để xin đường. Một thanh niên trẻ đi xe máy ở đâu lao tới chặn đầu xe khiến tôi hoảng quá, phanh gấp. Hành khách trên xe không hiểu, chê tôi lái ẩu, mắng mỏ. Còn thanh niên đằng trước thì hung hăng đập cửa, đòi lên xe. 

Tôi cũng lịch sự mở cửa cho chàng thanh niên đó lên và nói chuyện rõ ràng. Người này cho rằng tôi cố tình bấm còi cà khịa anh ta và cố ý gây rối trật tự. Mặc dù trước đó, thanh niên này lạng lách trước đầu xe của tôi, cố tình vượt lên. Đôi co vài lời, cậu thanh niên dở thói hung hăng rồi cho tôi một cú đấm vào mặt.

Vì khá bất ngờ nên tôi không kịp đỡ và rất đau. Tôi rất giận nhưng vì có nhiều hành khách trên xe nên vẫn phải nhịn, nhận lỗi, xử lý nhã nhặn. Sau vài phút nói chuyện, vị khách này cũng xuống xe và lao đi”, anh Huy kể. 

Đó là câu chuyện khiến anh Huy nhớ suốt hành trình hơn 20 năm lái xe của mình. Tuy đó là lần duy nhất anh bị “nhắc nhở” nhưng cũng là bài học sâu sắc giúp anh nhận ra, làm gì cũng nên bình tĩnh, nóng vội chỉ để lại hậu quả khôn lường.

Nếu trong hoàn cảnh đó, anh cũng giống như người đàn ông kia, không tiết chế được cảm xúc rồi dùng nắm đấm để giải quyết mọi chuyện thì tình hình sẽ đi về đâu? Bởi trên xe còn rất nhiều hành khách đang chờ anh đưa về nhà. Hơn cả, nếu anh gây gổ với người thanh niên đó, hành khách sẽ có cái nhìn khác về nghề của anh. Cho đến tận bây giờ anh vẫn luôn cảm thấy mình đã xử lý đúng. 

“Đối với tài xế lái xe buýt như chúng tôi, khó khăn lớn nhất chính là tình trạng tắc đường. Vào giờ cao điểm, chúng tôi phải nhích từng centimet trên đường, rất vất vả. Chúng tôi cũng phải nhanh để đến điểm đón khách, trả khách đúng giờ. Một ngày làm việc dài, nhiều áp lực mà hành khách còn không thông cảm thì bản thân cũng cảm thấy buồn. Có lẽ vì lý do đó mà có nhiều người quy chụp nhiều tài xế lái xe buýt lấn làn, đi ẩu”, anh Huy chia sẻ và cho biết, công việc nào cũng có người này, người kia.

Dù bị nhiều người nhận xét tiêu cực, anh vẫn luôn giữ cái tâm của người làm nghề và hết mình với công việc, nhẹ nhàng, vui vẻ với hành khách. Chỉ có như vậy họ mới yêu quý, trân trọng công việc của anh.

Trên xe buýt anh cũng gặp được rất nhiều vị khách lạ rồi thành quen và coi anh như người nhà. 

Bài văn con trai viết về bố

Mỗi ngày, anh Huy dậy từ 5h sáng, đi xe máy đến bến đỗ xe buýt để nhận xe. Những ngày làm ca tối, anh thường trở về nhà khá muộn. Cả ngày ngồi trên xe, những câu chuyện của khách là cầu nối giúp anh cảm thấy vui vẻ hơn. Anh kể, có những vị khách rất thích nói chuyện với anh. Suốt chặng đường có người bầu bạn tâm sự anh thấy cũng vui.

taixebus.jpg
Anh Huy tự hào vì gia đình luôn ủng hộ, hiểu và thông cảm cho công việc của anh 

Mỗi lần được ai đó khen ngợi hoặc được nghe lời cảm ơn, người tài xế hơn 20 năm như anh vẫn luôn thấy ấm áp. Nhưng có lẽ điều anh cảm thấy tự hào nhất chính là vợ con luôn ở bên, đồng hành, thông cảm với công việc của anh.

Việc chăm con cái, việc nhà việc cửa, một mình vợ cáng đáng, anh chưa từng phải bận lòng. Con cái luôn yêu thương, trân quý công việc của bố.

Anh kể: “Lần ấy tôi đi làm về lúc 23h nhưng con trai học lớp 6 vẫn thức đợi bố để khoe thành tích. Hôm đó, cô giáo giao bài tả về công việc của bố mẹ. Con trai kể về nghề lái xe buýt của tôi với giọng đầy ngưỡng mộ: Bố em làm nghề lái xe buýt, đi sớm về tối. Lúc bố đi, em chưa ngủ dậy. Lúc bố về thì em đã say giấc rồi. Có khi vài ngày em chưa được gặp bố nên em rất nhớ bố. Bố em có làn da ngăm đen, người hơi gầy, tóc hơi nâu… Bởi bố làm việc vất vả suốt ngày, ngồi trong xe, ánh nắng chiếu vào nên bị ảnh hưởng. Em yêu bố và mong bố luôn làm tốt công việc của mình. Em rất tự hào về nghề của bố…”.

Đã có không ít lần con trai khoe thành tích học tập nhưng lần này thì khác. Từng câu từng chữ con nói về công việc của bố, tự hào về bố khiến anh Huy cảm thấy rất xúc động.

"Con cái còn nhỏ mà hiểu được nỗi vất vả, sự cao quý trong công việc của bố mẹ thì có lý do gì tôi lại không tự hào", anh Huy bộc bạch.