Trên đường, chúng ta không hiếm gặp hình ảnh những tài xế vừa đi vừa gác chân lên taplo hoặc cánh cửa của xe. Thậm chí, có người còn mở hẳn cửa kính và gác chân thò cả ra ngoài.
Hành động này có thể là thói quen vô thức khi bị mỏi chân trong những chuyến đi dài, nhưng nhiều trường hợp là cố tình thể hiện sự ngông nghênh của một bộ phận lái xe.
Vậy, hành vi nguy hiểm và có phần "khó coi" này liệu có bị xử phạt?
Các chuyên gia về pháp lý khẳng định, Luật Giao thông đường bộ năm 2008 hiện hành không có quy định cụ thể nào về nơi để chân của tài xế khi lái xe ô tô. Do đó, cũng chưa có chế tài xử phạt nếu tài xế cố tình để cả chân lên cửa kính hay taplo của xe. Tuy nhiên, trường hợp nếu bị phát hiện dùng chân để điều khiển vô lăng thì tài xế có thể bị phạt rất nặng.
Theo quy định tại điểm b khoản 7 Điều 5 Nghị định 100/2019/NĐ-CP (được bổ sung bởi điểm d khoản 3 Điều 2 Nghị định 123/2021/NĐ-CP), hành vi "điều khiển xe lạng lách, đánh võng; chạy quá tốc độ đuổi nhau trên đường bộ; dùng chân điều khiển vô lăng xe khi xe đang chạy trên đường;..." sẽ bị phạt tiền từ 10-12 triệu đồng, đồng thời bị tước GPLX từ 2-4 tháng.
Nếu người thực hiện các hành vi trên không chấp hành hiệu lệnh dừng xe của người thi hành công vụ hoặc gây tai nạn giao thông thì có thể bị xử phạt vi phạm hành chính với mức phạt tiền từ 18-20 triệu đồng, đồng thời bị tước GPLX từ 3-5 tháng.
Trao đổi với PV VietNamNet về vấn đề này, anh Nguyễn Thanh Tùng - Giảng viên đào tạo lái xe tại Hà Nội cho rằng, hành vi gác chân lên táp lô hoặc cửa kính khi xe đang chạy trên đường không chỉ phản cảm, gây mất mỹ quan và thực sự còn rất nguy hiểm, nhất là khi lái xe số sàn.
"Tôi biết nhiều tài xế do thói quen hay duỗi thẳng chân để cả lên taplo cho đỡ mỏi, thậm chí có người đi cao tốc bật Cruise Control rồi cho cả hai chân lên ghế. Tuy nhiên tôi luôn khuyên học viên của mình phải để chân ở đúng nơi, đúng chỗ để không bị bất ngờ trước mọi tình huống", vị chuyên gia về đào tạo lái xe nói.
Theo anh Tùng, khi gác chân trái lên cửa kính, có nghĩa là hoàn toàn bỏ chân côn, lái xe sẽ không kịp có những thao tác như đỡ côn, ngắt côn, chuyển số trong tình huống khẩn cấp. Còn với xe số tự động, dù chân trái hầu như không tham gia vào quá trình điều khiển xe nhưng việc gác chân lên cao sẽ khiến tư thế ngồi không được thoải mái và khó thao tác trong những trường hợp đột xuất như phanh, đánh lái gấp,...
Trường hợp không may xe gặp va chạm, việc gác chân lên cửa hoặc taplo có thể khiến người lái bị thương nặng, đặc biệt là khi va chạm mạnh dẫn tới nổ túi khí.
"Tư thế ngồi chuẩn bao gồm cả chân, tay, lưng, tựa đầu,... rất quan trọng. Trường hợp cơ thể quá mỏi với những chuyến đi dài, nên dừng hẳn xe để nghỉ ngơi và vận động nhẹ thay vì "duỗi chân duỗi cẳng" ngay khi đang ôm vô lăng", anh Nguyễn Thanh Tùng đưa ra lời khuyên cho cánh tài xế.
Nhiều chuyên gia cho rằng, các cơ quan hữu quan nên nghiên cứu và cần thiết bổ sung thêm hình thức xử phạt đối với hành vi vừa "xấu xí" vừa nguy hiểm này.
Hoàng Hiệp
Bạn có góc nhìn thế nào về hành vi trên? Hãy để lại ý kiến dưới phần bình luận của bài viết. Mời bạn đọc gửi bài viết, video cộng tác về Ban Ô tô xe máy - Báo VietNamNet theo email: [email protected]. Các nội dung phù hợp sẽ được đăng tải. Xin cảm ơn!