Chiều 8/10, tổ công tác của Đội CSGT đường bộ số 14 (Phòng CSGT Công an TP Hà Nội) lập chốt kiểm tra nồng độ cồn tại khu vực nút giao đường Giải Phóng - Kim Đồng (quận Hoàng Mai). Trong vòng chưa đầy 10 phút, tổ công tác đã phát hiện 5 tài xế điều khiển xe máy vi phạm nồng độ cồn.
Tài xế N.X.H. (56 tuổi, trú tại quận Hoàng Mai) điều khiển xe máy mang BKS 29M1- 999.XX bị phát hiện vi phạm nồng độ cồn ở mức 0,233 mg/L khí thở.
Trình bày với CSGT, tài xế H. cho biết đang đi mời đám cưới cho con thì được một người bạn mời uống 2 cốc bia. "Tôi đã từ chối rồi mà bạn mời nhiệt tình quá nên vẫn uống 2 cốc bia gọi là nể mặt nhau", ông H. trình bày.
Tổ công tác đã lập biên bản vi phạm với ông H. Với lỗi này, nam tài xế sẽ bị phạt 2,5 triệu đồng và tước giấy phép lái xe 11 tháng, tạm giữ phương tiện 7 ngày.
Cũng với lý do nể người mời uống, tài xế Đ.Đ.T. (49 tuổi, quê tại Thái Bình) vi phạm nồng độ cồn ở mức 0,7 mg/L khí thở. Đây là mức vi phạm rất cao, cao gấp 1,8 lần mức vi phạm "kịch khung" được quy định tại Nghị định 100.
"Hôm nay, người họ hàng xa xuống nhà tôi chơi và ăn cơm, tôi có uống vài chén rượu. Bản thân tôi cũng chủ quan khi uống xong rồi vẫn lái xe máy ra đường", ông T. nói.
Về việc bản thân vi phạm mức rất cao, ông T. đã đổ lỗi cho bệnh tiểu đường: "Tôi bị bệnh tiểu đường nên uống hai chén hay nhiều hơn thì nó cũng lên cao".
Tổ công tác đã lập biên bản xử phạt ông T. với số tiền 7,5 triệu đồng, tước giấy phép lái xe 23 tháng và tạm giữ phương tiện 7 ngày.
Đáng chú ý, có trường hợp tài xế sử dụng rượu, bia rồi lái xe vì thói quen. Đó là tài xế P.V.T. (46 tuổi, quê ở Lào Cai), vi phạm ở mức 0,115 mg/L khí thở.
Nam tài xế cho biết, bản thân làm công nhân xây dựng nên sau mỗi buổi làm việc là nhâm nhi chén rượu, cốc bia với bạn để ăn cơm cho ngon.
"Tôi cũng biết uống rượu, bia rồi lái xe là vi phạm nhưng do thói quen nên khó bỏ", ông P.V.T. chia sẻ.
Đại úy Lương Trọng Toàn - cán bộ Đội CSGT đường bộ số 14 cho biết, đa số người tham gia giao thông đã chấp hành việc "Đã uống rượu bia thì không lái xe", nhưng vẫn có một bộ phận tài xế cố tình vi phạm.
"Những người vi phạm chủ yếu là lao động tự do ở tuổi trung niên. Nhiều người trình bày do thói quen hay chủ quan nhưng chúng tôi đều kiên quyết lập biên bản và tuyên truyền, vận động họ chấp hành", Đại úy Lương Trọng Toàn nói.