Cách giảm nồng độ cồn không ai giống ai
Trên mạng xã hội, nhiều tài xế đưa ra các cách khác nhau để giảm nồng độ cồn trong hơi thở sau khi sử dụng rượu, bia.
Tài xế Nguyễn Quang Linh (Hà Nội) chia sẻ, bằng kinh nghiệm của bản thân anh nhận thấy việc uống nhiều nước sau khi sử dụng rượu, bia sẽ giảm nồng độ cồn trong hơi thở.
"Tôi đã thử uống nhiều nước sau khi sử dụng rượu bia thì cơ thể cảm thấy dễ chịu và nhanh đào thải cồn ra bên ngoài hơn", anh Nguyễn Quang Linh viết.
Đồng tình với ý kiến của anh Linh, anh Nguyễn Hoàng Phúc (Thanh Trì, Hà Nội) bổ sung thêm kinh nghiệm là không để bụng đói khi uống rượu.
"Tôi thấy nên ăn đầy đủ, không để bụng rỗng thì sẽ giảm kích ứng niêm mạc miệng và dạ dày, gan kịp oxy hóa thì sẽ bớt nồng độ cồn", anh Nguyễn Hoàng Phúc cho biết.
Còn anh Kiều Văn Chương (Quốc Oai, Hà Nội) cho rằng mẹo làm giảm nồng độ cồn là uống ít rượu, bia. Anh Chương nêu ví dụ, anh chỉ uống từng ngụm nhỏ rồi tăng cường nói chuyện với bạn bè để uống ít.
Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, dù thực hiện mẹo nào cũng tuyệt đối không điều khiển ô tô, xe máy sau khi sử dụng rượu bia.
Chị Nguyễn Huyền (Thanh Hóa) nhận định, các cách để giảm nồng độ cồn chỉ để đảm bảo sức khỏe, còn tuyệt đối không nên áp dụng để trốn tránh lực lượng chức năng.
Xử lý nồng độ cồn "không ngoại lệ, không vùng cấm"
Đại diện Cục CSGT (Bộ Công an) cho biết, thời gian qua, lực lượng CSGT toàn quốc đã kiểm soát chặt chẽ việc các tài xế sử dụng rượu bia rồi điều khiển phương tiện tại các địa phương trên tinh thần "không ngoại lệ, không vùng cấm".
"Việc duy trì xử lý nghiêm vi phạm nồng độ cồn đã làm giảm 3 tiêu chí về tai nạn giao thông, đặc biệt là các vụ tai nạn có liên quan đến rượu bia", đại diện Cục CSGT cho biết.
Cũng theo đại diện Cục CSGT, để tiếp tục kéo giảm số người tử vong do tai nạn giao thông, đơn vị tiếp tục quyết liệt chỉ đạo, thực hiện với tinh thần tăng cường tuyên truyền đi đôi với quyết liệt xử lý theo đúng quy định của pháp luật.
Lực lượng CSGT quyết tâm ngăn chặn những hành vi dẫn đến tai nạn giao thông, nhất là vi phạm nồng độ cồn, chất kích thích với phương châm "Không vùng cấm, không ngoại lệ" và duy trì thường xuyên, liên tục trong các dịp lễ, Tết.
Đại diện Cục CSGT khuyến cáo, người tham gia giao thông cần nâng cao ý thức chấp hành luật, nhất là không điều khiển phương tiện khi đã sử dụng rượu, bia.
"Người điều khiển phương tiện cần tính toán đến việc sử dụng phương tiện công cộng để về nhà sau mỗi cuộc vui thay vì làm các mẹo để giảm nồng độ cồn", đại diện Cục CSGT khuyến cáo.