Từ cuối năm 2022 và những tháng đầu năm 2023, Công an các địa phương đã đồng loạt thực hiện những chuyên án điều tra, phát hiện nhiều sai phạm nghiêm trọng trong công tác kiểm định xe cơ giới tại Cục Đăng kiểm Việt Nam và các đơn vị có liên quan.
Hơn 500 cán bộ, đăng kiểm viên bị khởi tố. Tại Hà Nội, TP.HCM và một số thành phố lớn, hàng chục trung tâm đăng kiểm buộc phải đóng cửa phục vụ điều tra. Hoạt động đăng kiểm có những thời điểm tưởng chừng như tê liệt.
Nhân lực cạn kiệt, dù đã nhận hỗ trợ từ lực lượng đăng kiểm viên quân sự, công an nhưng tình trạng quá tải tại hầu hết các trung tâm trên cả nước ngày càng trầm trọng.
Người dân, doanh nghiệp phải "ăn trực, nằm chờ" xếp hàng mấy ngày chờ đến lượt đăng kiểm. Cảnh quá tải bắt đầu từ cuối năm 2022, kéo dài đến cuối tháng 5/2023.
Trong bối cảnh đó, Bộ GTVT đã chỉ đạo Cục Đăng kiểm Việt Nam nỗ lực tìm nhiều giải pháp. Cùng với các chính sách đột phá, công nghệ thông tin như “đôi đũa thần” hỗ trợ đắc lực trong việc giảm tải đăng kiểm.
Ông Nguyễn Chiến Thắng - Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam cho biết, song song với việc điều chuyển đăng kiểm viên từ các đơn vị, địa phương hỗ trợ cho các đơn vị thiếu hụt và huy động cán bộ, công nhân viên tại các đơn vị đăng kiểm làm thêm giờ, làm cả các ngày nghỉ, ngày lễ, Cục cũng tập trung xây dựng phần mềm đăng ký đặt lịch hẹn kiểm định cho chủ xe, phần mềm hẹn lịch cho doanh nghiệp.
“Chúng tôi đã hướng dẫn đơn vị đăng kiểm thực hiện việc đăng ký kiểm định online nhằm hạn chế ùn tắc, công khai minh bạch, tiết kiệm thời gian cho người dân khi đưa phương tiện đến kiểm định...”, ông Thắng nêu.
Đặc biệt, ngày 3/6, Bộ GTVT đã ban hành Thông tư số 8 cho phép gia hạn chu kỳ đăng kiểm đối với xe gia đình không kinh doanh vận tải.
Ước tính có khoảng 1,4 triệu xe trong nhóm này. Nhằm giảm tải cho các cơ sở đăng kiểm, Cục đã triển khai công nghệ thông tin. Theo đó, không cần đưa xe đến trung tâm đăng kiểm xếp hàng, chờ đợi… Từ ngày 3/6 chủ phương tiện có thể tự tra cứu thông tin và in giấy xác nhận thời hạn hiệu lực của giấy chứng nhận, tem kiểm định.
Ông Thắng nhìn nhận, quyết định này đã giúp cho các trung tâm đăng kiểm xe cơ giới có thời gian, tập trung nhân lực kiểm định cho các phương tiện kinh doanh vận tải và các phương tiện hết hạn nhưng chưa được kiểm định.
Cùng với thay đổi chính sách kết hợp ứng dụng công nghệ thông tin đã vừa giải quyết được ùn tắc, vừa đảm bảo sớm đưa phương tiện vào khai thác vận tải, giảm thiểu các thiệt hại không đáng có cho xã hội.
“Thực tế hiện nay, sau khi Thông tư số 8 được ban hành, việc ùn tắc phương tiện kiểm định cơ bản đã được giải quyết không những cho hiện tại và cả sau này. Đến nay hầu hết trung tâm đăng kiểm đã không còn tình trạng ùn tắc và hoạt động bình thường.
Bên cạnh đó, thay vì tự phát đi đăng kiểm như trước đây thì hiện nay người dân hình thành thói quen đăng ký hẹn lịch kiểm định thông qua hệ thống đăng kiểm của Cục Đăng kiểm Việt Nam.
Điều này giúp cho lĩnh vực đăng kiểm chủ động sắp xếp công việc. Đây cũng sẽ là những thói quen tốt đảm bảo cho công tác đăng kiểm hoạt động khoa học hơn”, ông Thắng nêu.
Chia sẻ thêm về công tác chuyển đổi số, ứng dụng CNTT tại Cục Đăng kiểm Việt Nam, ông Nguyễn Quang Đạt - Phó giám đốc phụ trách Trung tâm chuyển đổi số, dữ liệu phương tiện quốc gia và tập huấn nghiệp vụ (Cục Đăng kiểm Việt Nam) nhấn mạnh, thời gian qua Cục đã xây dựng và đưa vào vận hành 100% dịch vụ công đủ điều kiện triển khai trực tuyến toàn trình và một phần trên Cổng thông tin điện tử Bộ GTVT và Cổng thông tin một cửa quốc gia.
Kết quả trong 6 tháng đầu năm 2023, đã giải quyết 14.580 hồ sơ thông qua cổng dịch vụ công trực tuyến. Xây dựng các ứng dụng cho phép cơ quan chức năng và chủ phương tiện tra cứu thông tin đăng kiểm phương tiện.
Đặc biệt, Cục đã ứng dụng công nghệ đặt lịch hẹn kiểm định trực tuyến, tự động gia hạn kiểm định cho phương tiện tại nhà, giúp người dân không phải xếp hàng hoặc phải đến trực tiếp trạm đăng kiểm gia hạn.