Một câu chuyện nhỏ nhưng lại mang đến cho chúng ta 1 bài học đáng giá trong cả công việc lẫn cuộc sống thường nhật.

Câu chuyện được chia sẻ trên trang cá nhân của nhân vật chính - nữ doanh nhân trẻ Tuệ Nghi. Đó chỉ là một tình huống rất đời thường mà bất cứ ai cũng trải qua, hay bắt gặp ở đâu đó trong cuộc sống hàng ngày.

Thế nhưng qua tình huống rất chừng rất "vô thưởng vô phạt ấy", người ta lại rút ra cho mình một bài học quý giá trong công việc và trong cuộc sống: Đó là việc biết thừa nhận cái sai và rút kinh nghiệm để không mắc phải lỗi tương tự.

Người tài xế trong câu chuyện dưới đây đã khiến Tuệ Nghi lại đi đoạn đường xa hơn rất nhiều, và mất khoảng thời gian dài gấp 6 lần so với thời gian thực tế.

{keywords}

1 tình huống rất đời thường, nhưng lại mang đến cho chúng ta bài học quý giá.

Dù đã nhận được lời khuyên từ hành khách, thế nhưng người tài xế vẫn tỏ ra kiên quyết với suy nghĩ của bản thân và kết cục là anh đã đi lầm đường.

Kết thúc chuyến đi, người tài xế lo lắng vì sợ hành khách sẽ trút cơn thịnh nộ lên đầu anh và sẽ chấm cho anh 1 sao. Thế nhưng, thái độ sau cùng của vị khách trẻ này khiến anh còn bất ngờ hơn.

Dưới đây là đoạn chia sẻ trên trang cá nhân của Tuệ Nghi - đoạn chia sẻ hiện hút tới hơn 10 nghìn like và hàng trăm bình luận.

"Hôm qua có hẹn đi xem phim buổi tối cùng với cô bạn, vì ngại đỗ xe nên tôi chọn đi uber cho tiện. Đến đoạn đường cần phải rẽ nhưng anh tài xế lại rẽ nhầm, thế là chúng tôi phải đi lên một đoạn khá xa nữa để quay đầu lại.

Đến đoạn quay đầu, tôi nhắc tài xế rằng hãy chuyển làn bên trái vì làn giữa là dành cho xe đi thẳng, sẽ không có đường để quay đầu, phải đi một đoạn xa rất xa và qua trạm thu phí mới có đường quay đầu, phía trước cũng có bảng chỉ dẫn như thế.

Nhưng tài xế quả quyết với tôi rằng đi làn giữa vẫn quay đầu được. Tôi im lặng không nói thêm, nhẹ nhàng rút điện thoại ra nhắn cho cô bạn rằng tôi sẽ đến muộn 20 phút, anh tài xế này cần một bài học.

Đúng như kịch bản, đi một đoạn vẫn không thể quay lại, anh tài xế bắt đầu chột dạ và quay sang bảo với tôi rằng trước đây ở đây vẫn có thể quay đầu sao hôm nay lại không thể.

Một lúc sau không thấy tôi nói gì anh ấy lại quay sang chống chế: Lúc nãy cái xe tải nó vượt lên nên em không chuyển làn được chị ạ. Tôi vẫn im lặng.

Một lộ trình di chuyển lẽ ra 5 phút là tới nhưng tôi mất 30 phút mới đến được điểm hẹn và tiền cước tôi phải trả dĩ nhiên là gấp 3 lần

Khi tôi xuống xe, người tài xế tỏ ra hoang mang cực độ, sự hoang mang ấy tỏ rõ trên nét mặt của anh ấy khi nhìn tôi mở cửa.

Tôi biết anh tài xế nín thở chờ đợi cơn thịnh nộ của một người khách đi xe, và trường hợp xấu nhất là tôi sẽ chấm cho anh ấy 1 sao (nghe nói bị khách chấm dưới 3 sao sẽ phải đối mặt với nhiều rắc rối với cty quản lý và ảnh hưởng trực tiếp đến thưởng cuối tháng).

Khi thấy tôi quay lại mỉm cười và nói cảm ơn, anh ta từ hoang mang chuyển sang ngạc nhiên cực độ, lắp bắp liên tục nói với tôi câu xin lỗi.

Sáng nay, tôi mở ứng dụng ra chấm cho anh tài xế tối qua…4 sao.

Đến buổi trưa tôi nhận được tin nhắn cảm ơn rất dài từ số máy lạ, là anh tài xế tối qua. Anh ấy thừa nhận rằng bản thân đã chủ quan chứ không phải vì xe tải, càng không phải vì trước đây đường đó được rẽ.

Trong cuộc sống cũng vậy, khởi nghiệp cũng vậy, khi bạn đi sai đường, có người sẽ không thứ tha cho một phút sai một li đi một dặm của bạn.

Nhưng cũng sẽ có người bỏ qua và để lại cho bạn một bài học trên con đường đó, để những lần tiếp theo, khi đến đoạn đường đó, bạn sẽ biết mình nên đi như thế nào.

Nhưng quan trọng hơn hết vẫn chính là thái độ sống của bạn, người ta có bỏ qua hay truy cứu cũng không quan trọng bằng việc bạn có hết lòng rút kinh nghiệm hay không.

Không ỷ lại vào sự bỏ qua của người khác, không đổ lỗi cho những tác động bên ngoài, càng không xem nhẹ những sai lầm, đó mới là cách giúp bạn ít lặp lại sai lầm của ngày hôm qua".

(Theo Thế Giới Trẻ)