Ông Nguyễn Đức Tài giàu gần gấp 2 lần. Ông Trịnh Văn Quyết củng cố vị trí số 1. Trong khi đó, ông Nguyễn Đăng Quang tìm lại ánh hào quang khi xưa. Nhiều cổ phiếu trụ cột của các doanh nhân hàng đầu đang đổ móng cho thị trường chứng khoán lên một đỉnh cao mới.
Tâm điểm của thị trường chứng khoán tiếp tục là những giao dịch ấn tượng của các cổ phiếu hàng đầu trước áp lực điều chỉnh giảm khá lớn trên diện rộng sau khi VN-Index chinh phục đỉnh cao 10 năm qua.
Phiên giao dịch cuối tuần trước (8/9) đi vào lịch sử với lần đầu tiên trong gần 10 năm chỉ số VN-Index vượt qua ngưỡng 800 điểm. Giới đầu tư đã mất một khoảng thời gian rất dài để có thể chinh phục được đỉnh cao này.
Trước đó, thị trường chứng khoán Việt Nam đã có một thời gian rất dài, khoảng hơn 3 năm xoay quanh ngưỡng 500 điểm. VN-Index chỉ có thể tăng trở lại từ đầu 2016 và bứt phá nhanh chóng, liên tiếp trong vòng hơn 1 năm rưỡi qua, chỉ số này chinh phục liên tiếp 3 mốc 600, 700 và 800 điểm.
Trong lần chinh phục đỉnh cao 10 năm lần này, vai trò dẫn dắt đến từ một nhóm các cổ phiếu đầu ngành như Sabeco (SAB), GAS và Vingroup (VIC) của ông Phạm Nhật Vượng, Faros (ROS) của ông Trịnh Văn Quyết, Vinamilk (VNM) của bà Mai Kiều Liên, Hòa Phát (HPG) của ông Trần Đình Long… và gần đây là Masan (MSN) của ông Nguyễn Đăng Quang.
Áp lực chốt lời khi VN-Index lên 800 điểm là rất lớn. Phần lớn các cổ phiếu trên sàn giảm liên tiếp trong vài tuần vừa qua. Nhiều dự báo cho rằng, thị trường còn chứng kiến một đợt điều chỉnh ngắn hạn bởi sức kéo của các cổ phiếu trụ cột có hạn.
Mặc dù vậy, dòng tiền vẫn chực chờ, vốn ngoại vẫn đang đều đặn đổ vào mỗi khi thị trường giảm. Sự tăng trưởng liên tục về quy mô của các doanh nghiệp hàng đầu và tham vọng của các doanh nhân Việt đang góp phần rất lớn cho thị trường chứng khoán đi lên.
Thị trường chứng khoán đang chinh phục những đỉnh cao mới. |
Thế Giới Di Động (MWG) của ông Nguyễn Đức Tài hiện vẫn đang hút dòng tiền từ cả trong nước và ngoài nước sau khi doanh nghiệp này công bố và thực hiện một phần kế hoạch mở rộng quy mô với tham vọng trở thành nhà bán lẻ hàng đầu tại Việt Nam.
Không chỉ giữ vững vị trí đầu ngành mảng bán lẻ điện thoại di động, ông Nguyễn Đức Tài vừa thâu tóm thành công đại gia điện máy miền Bắc - Trần Anh (TAG) từ ông Trần Xuân Kiên. Thế Giới Di Động cũng có kế hoạch thâu tóm doanh nghiệp dược phẩm để xây dựng chuỗi bán lẻ trong lĩnh vực này.
Cổ phiếu MWG vẫn liên tục chinh phục mức giá cao mới. Hiện giá MWG là 110.500 đồng/cp - cao kỷ lục mọi thời đại. Cổ phiếu này đã tăng gần 2 lần trong vòng hơn một năm qua. Nó giúp ông Nguyễn Đức Tài giàu chưa từng có với túi tiền quy từ cổ phiếu MWG trị giá hơn 5,1 ngàn tỷ đồng. Các quỹ ngoại vẫn đang rót vốn vào cổ phiếu này cho dù cao mọi thời đại.
Ông Trịnh Văn Quyết, chủ tịch tập đoàn FLC và Faros (ROS) tiếp tục khẳng định vị trí số 1 của mình trong bảng danh sách những người giàu nhất trên thị trường chứng khoán Việt Nam. Ông Quyết nắm giữ hơn 318 triệu cổ phiếu ROS… với tổng trị giá lên tới gần 39,5 ngàn tỷ đồng (1,73 tỷ USD).
Ông Quyết hưởng lợi khá nhiều từ sự sôi động của thị trường bất động sản và du lịch. Tập đoàn FLC hiện đang sở hữu nhiều khu nghỉ dưỡng rất lớn ở cả 3 miền Bắc Trung Nam trong khi ROS là doanh nghiệp là doanh nghiệp đang triển khai hàng loạt các dự án bất động sản và nghỉ dưỡng hàng chục ngàn tỷ của FLC.
Tập đoàn Vingroup (VIC) của ông Phạm Nhật Vượng gần đây cũng chứng kiến cổ phiếu bứt phá lên vùng cao lịch sử. Túi tiền của ông Vượng cũng phình nở chưa từng có.
Hàng loạt các cổ phiếu trụ cột như Vinamilk (VNM), Hòa Phát (HPG), Hoa Sen (HSG)… đang điều chỉnh giảm nhưng vẫn đang ở vùng cao lịch sử nhờ kết quả hoạt động kinh doanh ấn tượng và đường hướng phát triển hút sự chú ý của giới đầu tư. Hiện tại, đây đều là những trụ cột giúp thị trường chứng khoán duy trì đỉnh cao 10 năm.
Cổ phiếu Masan (MSN) của ông Nguyễn Đăng Quang cũng đang tăng mạnh trở lại sau một thời kỳ chùng xuống do ảnh hưởng của khủng hoảng doanh nghiệp. MSN lên mức cao nhất khoảng 2 năm qua.
Cổ phiếu MSN trong tuần vừa qua đã tuyên bố trả cổ tức 30% bằng tiền mặt. Đây là lần đầu tiên ông Nguyễn Đăng Quang làm việc này. Trước đó, MSN dồn sức mở rộng quy mô và phát triển mở rộng.
Hai cổ phiếu ngành bia Sabeco (SAB) và Habeco (BHN) đều tăng mạnh. Trong đó, SAB tăng lên mức cao kỷ lục mọi thời đại. Đây là cổ phiếu giúp thị trường chứng khoán tăng điểm không ngừng trong thời gian qua. SAB tăng khoảng 50% trong vòng 3 tháng qua lên 285 ngàn đồng/cp.
Hàng loạt các cổ phiếu chứng khoán, ngân hàng, xây dựng, bất động sản… hầu hết đều giảm điểm trước áp lực chốt lời nhưng vẫn là nhóm được kỳ vọng sẽ còn tăng tiếp trong thời gian tới như hoạt động kinh doanh tốt và triển vọng tươi sáng chung trên thị trường.
Về tổng thể, theo nhiều CTCK, thị trường chứng khoán có triển vọng tốt về dài hạn do quy mô và chất lượng tiếp tục tăng lên và nước ngoài đánh giá chứng khoán Việt Nam hấp dẫn nhất châu Á. Tuy nhiên, áp lực chốt lời ở vào thời điểm hiện tại là khó tránh.
Theo một số CTCK, việc VN-Index vượt qua ngưỡng kháng cự 800 điểm là một dấu hiệu tích cực. Nó khẳng định triển vọng dài hạn của thị trường chứng khoán.
Hiện tại, giới đầu tư đang thận trọng và chờ đợi các thông tin hỗ trợ. Dự báo kết quả kinh doanh quý 3 sẽ tích cực và là động lực mới đẩy thị trường lên đỉnh cao mới. Khối ngoại vẫn đang mua ròng. Vĩ mô thuận lợi, chính sách tiền tệ mở rộng… là tiền đề để dòng tiền vào TTCK.
Đóng cửa phiên giao dịch cuối tuần trước ngày 11/9, VN-index giảm 3,73 điểm xuống 797,47 điểm; HNX-Index giảm 1,03 điểm xuống 102,89 điểm. Upcom-Index giảm 0,05 điểm xuống 54,35 điểm. Thanh khoản đạt gần 200 triệu cổ phần được giao dịch. Giá trị đạt khoảng 4,3 ngàn tỷ đồng, thấp hơn so với mức trung bình những tuần sôi động gần 4,8 ngàn tỷ đồng trước đó.
H. Tú