Tự lập giữa mùa dịch

Văn Ngọc – Tài xế Gojek tranh thủ giờ ít đơn, tạm tắt app để gọi điện về quê thăm hỏi gia đình. Anh mới làm tài xế Gojek vài tháng nay. Số tiền kiếm được giúp chàng kỹ sư nông nghiệp trẻ có nguồn thu nhập ổn định trang trải cuộc sống và lo cho gia đình ở quê.

Ngọc quê ở Thái Bình, tốt nghiệp Học viện Nông nghiệp Việt Nam. Anh từng đi làm cho một doanh nghiệp ở Hưng Yên.

{keywords}
Văn Ngọc chia sẻ thu nhập của tài xế “công nghệ”.

Từ ngày dịch Covid-19 bùng phát phức tạp tại Việt Nam, doanh nghiệp trở nên khó khăn, lương công ty chi trả mỗi tháng không đủ xoay sở cho cuộc sống nên anh nghỉ việc lên Hà Nội chạy xe cho một hãng xe ôm công nghệ. Kể từ làn sóng dịch bệnh thứ 4, công việc này của Ngọc lại tiếp tục gặp khó, những tài xế khác mách Ngọc chạy thử cho Gojek.

“Khi tôi mới chạy xe được hơn 1 tuần thì Gojek tăng mức thưởng tối đa. Trước đây tôi chạy đủ mức 80 điểm, nhận hơn 200 nghìn đồng thưởng là nghỉ. Bây giờ mức thưởng thay đổi thành 30 – 60 – 90 và 120, nếu chạy được 120 điểm là được thưởng tận 380 nghìn đồng.”, Ngọc nói.

{keywords}
Mỗi ngày chạy hơn 30 “cuốc xe” tương đương 90 điểm tài xế Gojek được thưởng 280 nghìn đồng.

Ngọc cho biết mỗi tháng Ngọc có hơn chục ngày đạt điểm tối đa. “Tôi là tài xế mới, ít kinh nghiệm nên chưa là gì đâu, phải gặp các anh “siêu chiến binh” ấy, thu nhập “khủng” lắm” – Ngọc nói.

Ngọc thấy vui vẻ với công việc mới mặc dù chẳng liên quan đến kiến thức anh đã học trong trường đại học. Anh tâm sự, làm công việc gì cũng phải đảm bảo cuộc sống của mình trước đã. Ngọc còn trẻ, muốn tự lập, không muốn phụ thuộc vào bố mẹ. Thậm chí trong hoàn cảnh dịch bệnh khó khăn thế này, thu nhập của anh cũng phụ giúp gia đình rất nhiều.

Bạn bè anh có người may mắn tìm được việc tốt, nhưng không ít người phải làm việc luân phiên, số khác bị cắt giảm lương đáng kể. Có người lâm vào cảnh thất nghiệp, lại có nhóm rồng rắn về quê nương nhờ mảnh vườn bố mẹ.

Ngọc nhận định, công việc anh đang làm tuy có bị ảnh hưởng bởi giãn cách, nhưng trừ vẫn túc tắc “năng nhặt, chặt bị”. Khi chưa có dịch, đơn GoRide (chở khách) nhiều, nhưng đợt này khi các dịch vụ xe ôm công nghệ vẫn chưa được mở lại thì đơn GoFood (giao đồ ăn) là nguồn thu nhập chính của anh, bên cạnh một số đơn giao hàng GoSend. Giờ ăn trưa của mọi người là giờ cánh tài xế “công nghệ” tất bật chạy “như mắc cửi” ngoài đường để đi giao hàng GoFood.

“Em cứ ở nhà, anh lo!”

Tài xế Đức Hùng gắt lên với vợ trên điện thoại: “Đã bảo em ở nhà kèm con học bài đi! Ra ngoài nhỡ nhiễm Covid-19 thì ai chăm các con? Em cứ ở nhà, anh lo!”.

Hùng cúp máy, chiếc điện thoại cài app của Gojek rung lên bần bật. Đơn “nổ”, Hùng xác nhận đơn hàng rồi cũng nổ máy lên đường.

Đức Hùng cũng mới làm tài xế Gojek được vài tháng. Quê ở Hưng Yên, cả nhà có hai vợ chồng và ba đứa con kéo nhau lên Hà Nội kiếm sống. Vợ anh buôn bán lặt vặt ở chợ Cầu Giấy, anh trước đó làm nghề lái xe tải giao hàng.

“Tôi lái xe tải hơn chục năm, mỗi tháng chưa được chục triệu mà vất vả, nguy hiểm. Vợ tôi khuyên đi tìm công việc khác nhẹ nhàng hơn, nhưng lấy đâu ra việc nhàn lương cao, nuôi ba đứa con ở Hà Nội tốn kém lắm!”, Đức Hùng bộc bạch.

Mỗi tháng tiền thuê nhà, tiền nước, tiền điện, tiền đóng học cho con… anh nhẩm tính mất cả chục triệu đồng, ấy là vợ chồng anh đã tiết kiệm hết mức. Trước đây, lương của anh chỉ đủ cho các khoản cố định này. Vợ anh làm được đồng nào là chi hết vào tiền ăn cho gia đình, gần như không có khoản tích cóp nào. Anh cười: “Trời thương nên may là cả nhà khỏe như vâm! Chứ ốm lăn ra đấy, đi viện là không biết phải xoay sở làm sao!”.

Hơn 1 năm trước, Hùng bỏ nghề lái xe tải, chuyển sang chạy xe ôm, hàng ngày lang thang ở các bến xe để đưa đón khách đi liên tỉnh, trong đó đa số là sinh viên. Nhưng chẳng được bao lâu thì dịch Covid-19 lại bùng mạnh, sinh viên nghỉ học, cũng không có mấy người đi lại. Nhiều hôm ở bến xe Mỹ Đình, xe ôm đứng đợi nhiều hơn khách xuống xe.

Thế rồi Hùng mày mò tìm hiểu chạy xe ôm công nghệ. Anh chạy thử cho một hãng khác trước khi làm cho Gojek.

“Lợi thế của tôi là thuộc đường. Khu vực từ Bắc Từ Liêm, Cầu Giấy, Nam Từ Liêm, Hoàng Mai… tôi thuộc như lòng bàn tay. Vì thế tôi trả đơn nhanh lắm”. Hùng rút trong túi đeo ngực ra hai chiếc điện thoại, một chiếc cài app, phục vụ công việc, chiếc còn lại để liên lạc với khách.

Anh mở màn hình để minh chứng, trong suốt một tuần, thu nhập của Đức Hùng không hôm nào dưới 800 nghìn đồng. Anh khoe tuần trước anh “cày” được hơn 1 triệu đồng/ngày.

{keywords}
Tài xế mới Đức Hùng tự tin với thu nhập của mình.

Đức Hùng chia sẻ, nếu chịu khó, mỗi tháng anh có hơn chục triệu đồng từ tiền thưởng, cao hơn lương trước đây. Với thu nhập này, anh duy trì được một cuộc sống bớt chật vật cho cả gia đình, ngoài ra còn dư ra một khoản tiết kiệm phòng khi trái gió trở trời. “Thế mới làm trụ cột, giữ được “nóc nhà” với vợ chứ! Sau này dịch vụ chở khách GoRide hoạt động trở lại thì thu nhập của tôi còn tốt nữa. Vợ tôi cứ ở nhà, tôi lo được hết!” – Hùng tự tin, cài lại quai mũ bảo hiểm rồi chạy đi giao đơn hàng mới.

Phương Dung