- Nhiều trường có điểm chuẩn thông thường khá cao, nhưng năm nay chỉ đưa ra mức điểm nhận hồ sơ xét tuyển (HSXT) là 15. Trong khi đó, những trường "tốp giữa" hơn lại đưa ra mức điểm nhận HSXT cao hơn mức sàn.

Ma trận điểm hồ sơ xét tuyển

Năm nay, tất cả các trường và khoa thành viên thuộc ĐHQG TP.HCM là Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn, Trường ĐH Bách khoa, Trường ĐH Quốc tế, Trường ĐH Khoa học tự nhiên, Trường ĐH Công nghệ thông tin, Trường ĐH Kinh tế - luật, và Khoa y đều công bố mức điểm nhận HSXT là 15 điểm, trong đó không có môn nào có điểm từ 1 trở xuống.

{keywords}
Thí sinh sau giờ thi môn Toán kỳ thi THPT quốc gia 2016. Ảnh: Đinh Tuấn

Một số trường khác được đánh giá cao và có điểm chuẩn hàng năm khá cao cũng đưa ra mức điểm nhận HSXT là 15 điểm như ĐH Kinh tế TP.HCM (trừ một số ngành) Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, ĐH Cần Thơ, Trường ĐH Luật TP.HCM

Tại phía Nam, ngoài Trường ĐH Y dược TP.HCM và Trường ĐHY khoa Phạm Ngọc Thạch có “truyền thống” đưa ra mức điểm nhận HSXT cao nhất. Năm nay một số trường khác cũng đưa ra mức điểm nhận HSXT khá cao.

Điểm nhận HSXT của 30 ngành/54 chuyên ngành đào tạo của Trường ĐH Nông lâm TP.HCM là 18 điểm (cao hơn 1 điểm so với năm 2015). Điểm nhận HSXT cho phân hiệu Gia Lai là 16 (tăng 1 điểm so với năm 2015). Chỉ tại phân hiệu Ninh Thuận, Trường giữ mức điểm nhận HSXT là 15 điểm.

Các ngành đào tạo bậc ĐH hệ đại trà của Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM cụ thể: nhóm ngành 1 (cơ điện tử, ôtô, điện - điện tử, kỹ thuật điều khiển và tự động hóa, công nghệ thực phẩm, công nghệ kỹ thuật hóa học) nhận HSXT từ 19 điểm; các ngành còn lại là 18 điểm.

Riêng các ngành đào tạo hệ chất lượng cao thấp hơn sàn hệ đại trà 1 điểm. Các ngành có nhân môn chính hệ số gồm: sư phạm tiếng Anh: 26 điểm; ngôn ngữ Anh: 24 điểm; thiết kế thời trang: 20 điểm. Điểm môn chính từ 5 trở lên, tổng ba môn chưa nhân hệ số từ 15 điểm trở lên…

Cái lý của trường

TS Trần Đình Lý, Trưởng phòng đào tạo, Trường ĐH Nông lâm TP.HCM cho biết, việc quyết định điểm nhận HSXT của trường là do hội đồng tuyển sinh trường cân nhắc.

“Đầu tiên, chúng tôi hướng tới quyền lợi của thí sinh.Nếu điểm nhận HSXT quá thấp, thí sinh có thể nộp hồ sơ nhiều nhưng tỷ lệ bị loại cao. Hơn nữa, mục tiêu của trường đang hướng tới việc bảo đảm và nâng cao chất lượng đào tạo. Mà chất lượng đầu vào ảnh hưởng tới chất lượng đào tạo”- TS Lý cho biết

Từ kinh nghiệm trong mùa tuyển sinh năm2015, trường đã mạnh dạn công bố mức điểm nhận HSXT là 17, và kết quả điểm chuẩn từ 17-23 điểm tùy ngành (chỉ có 2 ngành lấy chuẩn 17 điểm) như vậy điểm chuẩn rất gần với điểm nhận HSXT.

Lý giải việc một số trường thường được cho là "tốp trên" nhưng có điểm nhận HSXT chỉ bằng điểm “sàn” ông Lý cho rằng, việc quyết định mức điểm nhận HSXT là do các trường tự chủ, tự chịu trách nhiệm. Các trường công bố điểm nhận HSXT bằng mức điểm “sàn” Bộ quy định là không sai.

“Nhưng về mặt thực tiễn, đặc biệt sau 1 năm kinh nghiệm với hình thức thi kiểu này, tôi thấy hơi khó hiểu khi gần như các trường này biết chắc chắn một điều rằng, với mức điểm nhận hồ sơ xét tuyển là 15 điểm, sự chênh lệch giữa điểm nhận HSXT và điểm chuẩn là rất cao. Thậm chí có khi lên gần 10 điểm” – ông Lý phỏng đoán.

{keywords}

INFOGRAPHIC: Nguồn tuyển sinh và năng lực đào tạo của các vùng (bấm vào hình để xem chi đầy đủ). Dữ liệu: Bộ GD-ĐT. Đồ họa: Lê Văn

Trong khi đó, ông Đỗ Văn Xê, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Cần Thơ quan niệm, thí sinh nào có điểm bằng điểm “sàn” trở lên là đã đạt được"tiêu chí đảm bảo chất lượng đầu vào". Do đó, có quyền được đăng kí xét tuyển. Vì vậy, trường chấp nhận tất cả thí sinh đạt được tiêu chí này nộp hồ sơ. Đó là thể hiện sự công nhận quyền hợp pháp của thí sinh.

“Có lập luận cho rằng trường làm như vậy sẽ làm cho một số thí sinh điểm thấp bị mắc bẫy, làm tốn kém cho các cháu một cách vô ích vì các cháu không có khả năng trúng tuyển mà vẫn nộp hồ sơ ĐKXT. Lập luận như vậy không sai. Nhưng chuyện đó sẽ không xảy ra đối với Trường ĐH Cần Thơ vì bên cạnh việc không giới hạn quyền nộp hồ sơ của thí sinh, trường cung cấp đầy đủ điểm chuẩn năm trước và chỉ tiêu của từng ngành. Thí sinh có thể dựa vào các số liệu này để chọn ngành phù hợp với mức điểm của mình, để tối ưu khả năng trúng tuyển”.

Ông Xê cũng nhấn mạnh “luôn xem những người đã tốt nghiệp THPT là những người trưởng thành, có đủ khả năng và đủ sáng suốt để thực hiện quyết định của mình”.

Còn một thành viên ĐHQG TP.HCM thì cho rằng, điểm nhận hồ sơ xét tuyển và điểm chuẩn trúng tuyển là hai chuyện hoàn toàn khác nhau.Thí sinh biết rất rõ điều này.

Không sai luật nhưng còn trách nhiệm xã hội

Cũng theo ông Đỗ Văn Xê, theo mục c điều 13 của quy chế tuyển sinh ĐH -CĐ 2016 “Căn cứ ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào do Bộ GD-ĐT quy định, các trường công bố quy định xét tuyển vào các ngành của trường và tổ chức xét tuyển theo lịch của Bộ GD - ĐT".

“Như vậy, không có chỗ nào quy định các trường top phải quy định điểm nộp hồ sơ phải cao hơn ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào cả” Ông Xê cho rằng, “hãy sống và làm việc theo pháp luật”.

Ông Đỗ Văn Dũng, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuậtTP.HCM cho biết, trường đưa ra mức điểm nhận HSXT như vậy vì "thương học sinh". Thậm chí, trường còn dự tính điểm cho từng nhóm ngành, từng ngành để đỡ khổ cho các em.

“Khi tôi đi tư vấn, tôi nhận ra rất nhiều học sinh mù mờ thông tin. Có những em ở vùng núi, xa trung tâm hàng chục km, hỏi sao các embiết điểm sàn, điểm chuẩn. Các em chỉ thấy thông báo là nộp hồ sơ”.

Ông Dũng thẳng thắn “Việc các trường đưa ra mức điểm nhận HSXT như vậy không sai pháp luật. Nhưng không có trách nhiệm xã hội. Bộ quy định điểm “sàn”là mức thấp nhất. Tuy nhiên mỗi trường có ngưỡng chất lượng khác nhau. Chỉ những trường tốp cuối mới lấy thí sinh ở mức này. Năm nay các em nộp hồ sơ vào và không được rút ra".

Còn theo lý giải của PGS.TS Nguyễn Kim Hồng, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm TP.HCM các trường đưa ra mức điểm nhận HSXT bằng điểm “sàn” Bộ quy định vì các trường không biết số lượng tổng điểm từng tổ hợp môn là bao nhiêu. Mặt khác, khi tính phổ điểm, Bộ GD-ĐT cũng không phân ra cụm tốt nghiệp và đại học. Trong khi năm nay có 50 cụm thi để xét tốt nghiệp. Điều này cũng ảnh hưởng tới phổ điểm nói chung.

“Mặc dù Bộ GD-ĐT đã công bố phổ điểm chung nhưng trên thực tế, các trường không biết được phổ điểm của từng tổ hợp mà mình xét tuyển như thế nào. Cũng không biết tính chất vùng của phổ điểm”.

Ông Hồng cũng nói thêm, “nhiều trường đưa ra mức điểm thấp không phạm luật, vì về nguyên tắc Bộ xác định đây là điểm đủ chất lượng ,các trường được quyền làm và làm vậy vì muốn "chắc ăn". Tuy nhiên đa số trường nào cũng có trách nhiệm khi khuyến cáo đưa ra phổ điểm chính thức năm ngoái để thí sinh cân nhắc”.

  • Lê Huyền