Nhìn ở góc độ xã hội, trẻ em hiện tại loay hoay mỗi khi hè đến là do cấu trúc xã hội truyền thống đang thay đổi quá nhanh, trong khi cấu trúc mới chưa kịp hoàn thiện.

Mỗi khi hè đến, phụ huynh Việt Nam lại phải lo lắng chuyện con mình sẽ học ở đâu, chơi ở chỗ nào.

Kì nghỉ hè trong kí ức xa xưa thành cổ tích

Đối với chúng tôi, thế hệ 8x đời đầu sinh ra và lớn lên ở nông thôn, kì nghỉ hè khi xưa rất đáng mong đợi. Chúng tôi có thời gian làm những việc phụ giúp gia đình như chăn trâu, cắt cỏ, gánh nước, chăm sóc lúa, hoa màu… Nhưng thích nhất là được chơi cùng bạn bè cùng trang lứa đủ mọi trò.

Khi đó, trường học thôn quê hoàn toàn không có học thêm hè. Suốt gần ba tháng, có lẽ chúng tôi chỉ phải đến trường “tập trung” một buổi vào ngày 1/8 để thầy cô chủ nhiệm dặn dò lịch khai giảng.

Nhưng từ khoảng 15 năm lại đây, giáo dục thành cuộc đua bất tận, trường học bận rộn cả vào những ngày hè và thường bắt đầu dạy từ rất sớm. Sự sốt ruột của các trường là dễ hiểu. Lối tư duy coi giáo dục là truyền đạt tri thức khiến giáo viên từ vô thức coi nội dung giáo dục là nội dung của SGK. Các trường và thậm chí cả phụ huynh, học sinh đều muốn học sớm để xong sớm chương trình, có thời gian tập trung cho ôn luyện phục vụ thi cử.

Trong vòng quay chóng mặt ấy, đời sống của học sinh vốn dĩ chỉ bó hẹp trong phạm vi gia đình và trường học đã trở nên ngày một đơn điệu.

Nếu như trong hè trường không tổ chức thì gia đình học sinh cũng vẫn hối hả cho con đến học thêm ở nhà thầy cô, ở các trung tâm luyện thi… Thậm chí có những học sinh vào kì nghỉ hè còn trở nên bận rộn hơn cả trong năm học, ngày đến 3-4 ca các môn khác nhau.

Ở một thái cực khác, phụ huynh học sinh, đặc biệt ở thành phố, lại đau đầu với chuyện “quản lý con”. Nếu như trong năm học họ có thể an tâm với ý nghĩ “trăm sự nhờ thầy cô và nhà trường” khi con bước vào trường và cánh cổng sắt đóng lại, thì giờ hè đến, họ lo lắng đủ thứ. Lo con tiếp xúc, đàn đúm với bạn xấu. Lo con chơi điện tử, la cà quán xá, lo con gặp tai nạn khi chơi ở sông ngòi, ngoài đường phố…

{keywords}
Mỗi dịp nghỉ hè, phụ huynh lại có bao nỗi lo. Ảnh minh họa

Tại sao trẻ em lại “bơ vơ” khi hè đến?

Nhìn ở góc độ xã hội, trẻ em hiện tại trở nên “bơ vơ” khi hè đến là do sự tan vỡ của cấu trúc xã hội truyền thống diễn ra quá nhanh, trong khi cấu trúc mới chưa kịp hoàn thiện. Nếu như trước kia trẻ em được trải nghiệm và “xã hội hóa” nhận thức và hành vi của mình trong cả ba môi trường – xã hội là gia đình, trường học và xã hội địa phương (cộng đồng làng xã), thì giờ đây cả ba môi trường ấy đã biến đổi nhanh chóng.

Trong các gia đình truyền thống với nhiều thế hệ cùng chung sống, học sinh có cơ hội tiếp xúc và học hỏi từ các thế hệ đi trước. Ông bà cũng sẽ trở thành người chăm sóc và vui chơi với trẻ trong các kì nghỉ hè. Tuy nhiên, công nghiệp hóa, đô thị hóa dần dần biến các gia đình trở thành các gia đình hạt nhân, nơi chỉ có bố mẹ và con cái, nghỉ hè, con cái trở về gia đình thì bố mẹ vẫn phải bận rộn với công việc.  

Trong cấu trúc xã hội truyền thống là làng xã, các gia đình hoặc là có quan hệ huyết thống hoặc là có mối quan hệ gắn bó trong tổ chức sản xuất, sinh hoạt chung vì vậy sợi dây liên kết rất mạnh, tạo ra một cộng đồng gắn kết.

Trẻ em sống trong cộng đồng đó một cách tự nhiên đã thiết lập được mối quan hệ với bạn đồng trang lứa, các bậc đàn anh đàn chị và cả trẻ nhỏ tuổi hơn. Không gian vật lý của những cộng đồng này cũng rất thuận lợi cho sinh hoạt vui chơi của trẻ em với đồng cỏ, các bãi đất trống , sông suối, đồi rừng…

Nhưng hiện tại làng dần dần biến thành phố hoặc biến dạng rất nhiều, khiến trẻ em mất đi không gian sinh hoạt vốn có và xã hội địa phương đã mất đi chức năng giáo dục của mình. Tất cả chức năng giáo dục giờ đây dồn cho trường học, trong khi chính trường học lại bị cuốn vào cơn lốc của thi cử và chạy đua thành tích.  

Tạo ra một hệ thống liên kết

Nếu quan niệm mục tiêu của giáo dục không phải đơn giản chỉ là làm cho học sinh thi đỗ vào các trường danh tiếng hay giành vài suất học bổng để đi du học, thì việc sử dụng kì nghỉ hè ra sao là vấn đề rất quan trọng.

Nghỉ hè, phụ huynh sẽ cho con tham gia vui chơi hay đi học? Nếu đi học thì sẽ học những môn gì, những kĩ năng nào?

Như ở trên đã phân tích, nếu nhìn nhận giáo dục là quá trình tác động làm trưởng thành, hoàn thiện và xã hội hóa cá nhân, tạo ra những phẩm chất, tri thức, kĩ năng phù hợp với xã hội hiện tại và tương lai, thì đương nhiên chúng ta sẽ thấy nghỉ hè là thời gian quý báu để học sinh trải nghiệm. Việc giáo dục trẻ em không bao giờ là việc riêng của gia đình hay nhà trường và xét đến cùng, trẻ em chỉ có thể thực sự trưởng thành khi trải nghiệm và sống trong xã hội.

Vấn đề lớn của chúng ta là trong khi xã hội đã biến đổi, hệ thống ứng phó với nó lại chưa xuất hiện hoặc chưa hoàn thiện. Nếu như ở Nhật có hệ thống các câu lạc bộ ở trường, địa phương để học sinh đến sinh hoạt dịp hè, thì ở Việt Nam hiện tại vẫn chưa có nó trong tư cách một hệ thống có triết lý đầy đủ.

Mọi hoạt động có tính chất câu lạc bộ để trẻ em phát triển toàn diện và trải nghiệm đời sống xã hội vẫn phải dựa vào sự linh hoạt, tháo vát của phụ huynh. Chúng ta chưa tạo dựng được một hệ thống có thiết lập sự liên kết tốt và hiệu quả giữa gia đình, nhà trường và xã hội địa phương. Đó là vấn đề không thể bỏ qua khi tiến hành cải cách giáo dục.

Nguyễn Quốc Vương