- Trong phần 1 của bàn tròn trực tuyến với chủ đề "Gắn kết doanh nghiệp và trường đại học", do Bộ GD-ĐT, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cùng báo VietNamNet tổ chức, các khách mời đã trao đổi nhiều vấn đề, từ chuyện sinh viên thực tập bằng... pha trà, rót nước; tới chuyện áp lực của các công ty phải thay đổi liên tục để đáp ứng nhu cầu của cách mạng 4.0; và đòi hỏi "giáo dục phải đi trước một vài bước thì mới chiến thắng".

Xem phần 1 clip bàn tròn:

Tham dự bàn tròn có các khách mời: GS.TSKH Hồ Đắc  Lộc – Hiệu trưởng Trường ĐH Công nghệ TP.HCM, ông Vũ Minh Trí – Tổng Giám đốc Microsoft Việt Nam, PGS.TS Đỗ Văn Dũng – Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM, ông Phí Ngọc Trịnh – Tổng Giám đốc Tổng  Công ty May Hồ Gươm. 

Sinh viên có kỹ năng nhưng thiếu trải nghiệm

Nhà báo Phạm Huyền: Mở đầu, chúng ta hãy cùng nhìn nhận lại những vấn đề trở ngại chính trong việc tạo dựng và duy trì mối quan hệ giữa nhà trường cấp đại học (ĐH) và các doanh nghiệp (DN) hiện nay.

Thưa ông Đỗ Văn Dũng, ông nghĩ như thế nào về mối quan hệ giữa đào tạo gắn với DN, là vấn đề được nêu ra đã lâu nhưng đến nay mới dừng lại ở triển khai nhỏ lẻ, tự phát?

Ông Đỗ Văn Dũng: Vấn đề quan hệ giữa DN và nhà trường đã được xới lên từ lâu, nhưng có trường mới khởi động, có trường đã có những biện pháp, nỗ lực rất lớn để tạo mối quan hệ tốt.

{keywords}
Ông Đỗ Văn Dũng

Theo thống kê năm vừa rồi, trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM có 46% sinh viên (SV) chưa tốt nghiệp đã có việc làm, 96% SV sau một năm có việc làm. Đó là nhờ sự hợp tác của nhà trường với DN.

Xuất phát điểm đầu tiên là chúng tôi hợp tác ở tất cả mọi khía cạnh ảnh hưởng đến quá trình đào tạo.

Ví dụ như chương trình đào tạo, chúng tôi là trường đầu tiên của Việt Nam thiết kế lại chương trình theo phương pháp CDIO – một phương pháp tiên tiến của ĐH MIT, Mỹ.

Lúc xây dựng chương trình, chúng tôi mời tất cả các bên liên quan, trong đó thành phần chủ lực là các DN. Họ sẽ vẽ ra chân dung của người kỹ sư hiện tại và dự báo trong tương lai, từ đó vạch ra các yêu cầu của người kỹ sư – chúng tôi gọi là chuẩn đầu ra - liên quan đến kiến thức, thái độ, kỹ năng mềm.

Biện pháp thứ hai là chúng tôi tiếp cận với DN để họ có thể hỗ trợ SV ngay từ năm thứ nhất, từ việc đưa thực tập sinh vào DN, đến trường tổ chức các lớp tập huấn kỹ năng mềm, kỹ năng xin việc, kết hợp chặt chẽ trong nghiên cứu khoa học...

Mấy năm qua, trường tiếp nhận khoảng 5 triệu USD tài trợ và rất nhiều phòng thí nghiệm đến từ các công ty lớn. Qua đây, ta thấy rõ nguyên tắc win – win trong hợp tác. Một số DN nói rằng “chúng tôi đến trường không phải để làm từ thiện, không phải là phát tiền cho SV mà chúng ta phải làm thế nào để cả hai bên cùng có lợi”.

Chúng tôi kết hợp với DN tạo ra rất nhiều trung tâm đào tạo cho DN. DN sẽ đưa thiết bị vào, các thiết bị đó nhập hoàn toàn miễn thuế là DN được lời rồi. Trung tâm mở cửa cho tất cả buổi tập huấn của DN đối với cán bộ của họ. Thời gian rảnh sau đó, chúng tôi có thể sử dụng thiết bị cho SV.

Một vấn đề quan trọng nữa là Hội đồng tư vấn của DN.

Bên cạnh đó, trong thời đại của cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đang diễn ra, thì công nghệ kết nối rất quan trọng.

Vì vậy, trường đã thành lập trung tâm công nghệ thông tin, và trung tâm này đã phát huy thế mạnh. Vừa rồi, chúng tôi cho phép “live” 6 kênh trên đài của trường các buổi bảo vệ đề tài tốt nghiệp của SV. DN có thể ngồi tại chỗ xem SV bảo vệ tốt nghiệp để biết được chất lượng đào tạo như thế nào, tiếp nhận được không.

Tuy nhiên, cũng có nhiều trở ngại như cơ chế chính sách của Nhà nước. Ví dụ, ở Đức, trách nhiệm giúp các trường đào tạo là ghi vào luật luôn. Thứ hai là chính sách về thuế, như hằng năm các DN hỗ trợ cho giáo dục thì hoàn toàn miễn thuế.

Chưa kể là mình chưa bài bản như nước ngoài trong việc SV gửi đi thực tập ở DN. Ở nước ngoài, nếu DN lớn thì có người chuyên phụ trách về SV thực tập, nhưng hiện nay đa phần các DN Việt Nam chưa có. Vì thế mà khi SV đi thực tập, một số trường bị than phiền là đem con bỏ chợ, SV phải đi pha trà…

{keywords}
Ông Hồ Đắc Lộc

Nhà báo Phạm Huyền: Mô hình của Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM nghe rất lý tưởng, nhưng tôi băn khoăn là với những mô hình như thế, tất cả các trường đều đã áp dụng hay mới là nhỏ lẻ?

Không rõ là những vấn đề như vậy ở trường ĐH Công nghệ TP.HCM như thế nào, xin ông Hồ Đắc Lộc cho ý kiến.

Ông Hồ Đắc Lộc: Tôi nghĩ là mô hình của trường thầy Dũng là một mô hình hết sức tiên tiến và mang lại hiệu quả lớn về đào tạo nhân lực.

Tuy nhiên, tôi muốn chia sẻ cách nhìn từ phía một cơ sở giáo dục ĐH tham gia trong lĩnh vực đào tạo có tính ứng dụng cao. 

Tôi muốn nhấn mạnh tính hệ thống của vấn đề này. Không phải nói về một đơn vị làm tốt hay xấu, mà là mổ xẻ tính hệ thống và tìm ra những khúc mắc để cả xã hội cùng tác động và nâng cao chất lượng lên.

Trường ĐH phần lớn là đào tạo các kỹ năng, tri thức. Kỹ năng, tri thức này SV sau khi ra trường phải áp dụng được vào trong thực tiễn của DN. Đây là chỗ cần kết nối nhất giữa DN và nhà trường.

Tôi nghĩ rất nhiều trường ĐH ở Việt Nam đều dùng các chương trình đào tạo tương đối chuẩn, kỹ năng chuẩn. Nhưng SV khi tốt nghiệp lại không thâm nhập ngay vào được trong DN, bởi vì họ thiếu trải nghiệm thực tế, chứ không phải họ không có kỹ năng làm việc.

DN cần hỗ trợ các trường ở chỗ này, để SV thâm nhập ngay trong quá trình đi học. Được như vậy thì quá trình đi vào thực tế của SV sẽ nhanh hơn, sẽ làm lợi hơn cho xã hội và bớt được thời gian trống hay đào tạo lại.

Một điều hết sức quan trọng đối với SV khi tốt nghiệp là họ có kỹ năng cụ thể một lĩnh vực đào tạo, nhưng không có cái nhìn hệ thống về DN. Vào DN, họ bỡ ngỡ ngay. Họ không hình dung được họ đang ngồi vị trí nào trong DN, làm cái gì và làm như thế nào. Và cuối cùng là gần như bị mất hút trong DN. DN càng lớn thì họ càng dễ bị mất hút.

Nguyên nhân thực của việc đào tạo lại

Nhà báo Phạm Huyền: Câu chuyện ở đây là một SV mới tốt nghiệp ĐH nhưng đi vào một DN thì cảm thấy như học lại từ đầu. Gần đây, tôi cũng mới đọc được một bài báo, có lẽ cũng là hài hước thôi, là DN mất 2 năm để xóa bỏ kiến thức mà cử nhân đã học ở trong trường và mất 2 năm để đào tạo lại từ đầu.

Ông Vũ Minh Trí nhìn nhận thế nào về câu chuyện này ở Microsoft Việt Nam? Những SV mới ra trường đã đáp ứng được tiêu chí ở công ty của ông hay chưa?

Ông Vũ Minh Trí: Tôi nghĩ, thách thức lớn ở thời điểm hiện tại là làm sao cho chương trình đào tạo của nhà trường phù hợp với tất cả những gì DN đang cần.

Xem phần 2 clip bàn tròn:

Lý do là vì cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đang diễn ra và mọi thứ thay đổi rất nhanh. Giáo trình của nhà trường, cách dạy, cách kết nối với DN phải thay đổi nhiều, phải cập nhật những gì đang diễn ra bên ngoài.

Bản thân DN chúng tôi cũng thay đổi liên tục. Những con người hôm nay đang làm việc tốt nhưng ngày mai có thể không còn phù hợp nữa và vẫn phải đào tạo lại. Quá trình học là quá trình liên tục.

Một trong những điều mà tôi quan sát thấy là việc đi thực tập của SV có nhiều bất cập.

Khi một nhóm SV vào trong DN sẽ phải có người tiếp đón, phân công công việc. Bình thường, người ta đang phải làm việc khá căng rồi, bây giờ lại phải chỉ dạy SV, công ty còn có những bí mật nữa…

Điều đó dẫn đến việc SV vào thực tập nhưng chỉ được giao những việc không quan trọng. Rồi cũng được ký nhận là thực tập xong. Nguyên quy trình đó được đánh dấu là xong rồi nhưng thực chất không đem lại hiệu quả cho SV.

Chúng ta có thể sửa hoạt động đó một chút là nhà trường cần chủ động hơn. Các lãnh đạo DN sẵn sàng đến trường để nói về thách thức của từng phòng ban, thách thức trong việc phát triển DN đó. SV sẽ hiểu được bức tranh toàn cảnh của DN, và các em phải chủ động để đưa ra những đề án, giải pháp mà phía DN có thể chưa có thời gian hay đối tác để làm.

DN có rất nhiều chương trình để hỗ trợ cho giáo dục, hỗ trợ cho trường. Làm sao các trường phải thấy được nguồn tài nguyên đó, để từ đấy tổng hợp lại, làm cho chương trình của mình phù hợp, hơn là mỗi DN cứ chạy theo cách của mình, cố nhét vào trường nhưng có khi trường lại không thích. Trong khi một số DN lại có rất nhiều chương trình muốn hỗ trợ nhưng lại không vào được các trường.

{keywords}
Ông Phí Ngọc Trịnh

Nhà báo Phạm Huyền: Về câu chuyện thực tiễn của DN, tôi muốn hỏi Tổng giám đốc Công ty May Hồ Gươm. Ông có góc nhìn như thế nào về vấn đề này? Với đặc thù ngành may mặc thì có lẽ là rất khác với ngành công nghệ của Microsoft Việt Nam?

Ông Phí Ngọc Trịnh: Thực ra với ngành may, lao động công nghệ cao và trí thức không cần nhiều, mà chủ yếu cần lao động phổ thông.

Một số vị trí đặc biệt cũng rất cần công nhân hoặc SV ngành kỹ thuật may – ngành đang rất “hot”. Các DN đang sục sôi tìm kiếm, nhưng vì lượng SV cũng có hạn nên việc tuyển dụng rất khó. Mình phải xác định là đang theo kinh tế thị trường, giáo dục phải đi trước một cho đến vài bước thì chúng ta mới chiến thắng được.

Có thể cách đây khoảng 5 - 10 năm thì ngành may là một ngành rất phát triển. Còn hiện nay, tôi thấy Chính phủ đang định hướng nông nghiệp công nghệ cao. Chắc trong khoảng 5, 10, 15 năm nữa có thể đó sẽ là ngành “hot” mặc dù bây giờ các kỹ sư nông nghiệp ra trường đang thất nghiệp.

Còn về cách đào tạo, cơ bản 100 DN thì chắc 80% đào tạo lại.

Tại sao phải đào tạo lại? Tôi nghĩ đó là điều đương nhiên. Nếu DN không muốn đào tạo lại thì chỉ có cách duy nhất là đến trường đặt hàng nhân viên về chuyên ngành này hay chuyên ngành kia. DN cùng với nhà trường đào tạo lực lượng từ năm thứ 2 hoặc thứ 3 đến khi ra trường và tiếp nhận.

Tất nhiên bây giờ nhà trường cũng có nhiều đổi mới, như tạo phòng thí nghiệm, môi trường làm việc giống DN, nhưng nếu DN không thực sự tuyển SV ở đấy thì sẽ không bao giờ chia sẻ bí mật của DN. Không DN nào lại đi chia sẻ bí mật của mình cho trường để làm công cụ giảng dạy cả.

Còn tiếp…

  • Thực hiện: Hạ Anh - Phạm Huyền - Hồng Hạnh
  • Clip: Đức Yên - Huy Phúc - Xuân Quý 
  • Ảnh: Lê Anh Dũng