- Việc tết sếp không còn là vấn đề tình cảm, văn hóa như trước, mà đã trở thành một hiện tượng mang tính thương mại. Sếp cũng không quan tâm nhiều đến khía cạnh tình cảm, vì sếp cũng cần đi tết sếp cao hơn.

Cứ vào các dịp lễ, tết, nhất là Tết Nguyên đán, ngoài đường lại nườm nượp dòng người đi lại. Trong số đó không ít người không phải đi sắm tết, mà là đi “TẾT SẾP”.

Không phải cứ tự nhiên đến nhà sếp là được.

Có nơi phải đăng ký trước, hay phải nhờ người quen “giới thiệu”, “thu xếp” mới được đến tết sếp, và phải đến đúng giờ được hẹn trước. Ngày tết, thời giờ của sếp rất quí báu, nên nhiều khi một cuộc “tết sếp” chỉ diễn ra 5 phút. Với lại “sếp” cũng còn phải đi tết sếp cao hơn nữa chứ. Vì vậy, mấy ngày giáp tết, trước cửa nhà sếp có hàng xe dài xếp hàng, y như cảnh xếp hàng hồi bao cấp vậy!

Không biết từ bao giờ phong tục chúc tết đã thay đổi cơ bản về thời điểm. Trước đây, ta đến nhà nhau sau trong những ngày đầu năm mới chúc nhau một năm tốt đẹp. Giờ đây, việc “tết sếp” lại chuyển sang mấy ngày cận tết. Chỉ sau khi hoàn thành việc “tết sếp” người ta mới thở phào nhẹ nhõm và bắt tay vào chuẩn bị tết cho nhà mình.

{keywords}

Những ngày cận Tết, phố phường Hà Nội nườm nượp người đi lại. Ảnh: P.T

Thế là cứ như đèn cù chạy ngoài đường: đội quân Tết sếp góp phần làm cho không khí tết càng thêm huyên náo và trình trạng tắc kẹt xe càng nghiêm trọng. Trong dòng người vô tận và dòng xe chặt cứng, dễ dàng thấy những người ăn mặc trang trọng, nhưng vẻ mặt hốt hoảng, lo âu, vì có thể bị đến nhà sếp chậm, lỡ hết mọi việc.

Ngay cả khi đã tết được sếp rồi, vẫn băn khoăn không biết cái cậu cùng được vào qui hoạch “nguồn” như mình nó tết sếp thế nào? Nó có “tết nặng đô” hơn mình không?

Tại sao phải “tết sếp”?

Vì sếp có quyền sinh quyền sát, quyền ban phát từ việc dành cho ai đó địa vị “thơm tho”, đến việc tăng lương, đề bạt. Ít nhất thì sếp cũng lờ đi những khuyết điểm, những vi phạm. Các doanh nghiệp thì mong được sếp biết đến và hỗ trợ, giúp đỡ cho công việc kinh doanh năm tới được “thuận lợi”.

Vì vậy, việc tết sếp không còn là vấn đề tình cảm, văn hóa như trước, mà đã trở thành một hiện tượng mang tính thương mại. Người đi tết, dù là cá nhân hay doanh nghiệp, chính là đầu tư cho tương lai, hay trả nghĩa một ơn huệ đã được ban phát. Sếp cũng không quan tâm nhiều đến khía cạnh tình cảm, vì sếp cũng cần đi tết sếp cao hơn.

Cần lưu ý rằng hiện tượng “tết sếp” ở khu vực doanh nghiệp tư nhân hoàn toàn khác.

Đã mấy năm nay, tết nào cũng có các chỉ thị, nghị quyết “Cấm đi tết sếp”. Không biết các chỉ thị đó có tác dụng đến đâu, thật khó mà kiểm nghiệm. Ít nhất nó cũng làm cho việc đi tết sếp không quá lộ liễu. Song dù sao, đó chỉ là giải quyết cái ngọn mà không phải là triệt tiêu nguyên nhân gốc lõi của hiện tượng “Tết sếp”.

Sếp có nhiều quyền, nhưng lại không phải chịu trách nhiệm cụ thể nào. Nếu nhân viên làm sai, thậm chí vi phạm pháp luật, thì chính nhân viên đó phải chịu trách nhiệm, bị truy cứu với nguyên tắc rõ ràng “Đúng người, đúng tội”. Cả một đơn vị yếu kém, cùng lắm sếp chỉ bị phê bình nhẹ nhàng hay tự kiểm điểm nghiêm khắc, không bao giờ bị mất chức vì mấy chuyện đó. Có những vị trị sếp là cả đời, cho đến khi về hưu. Sếp sẽ được an toàn nếu bảo đảm đúng “quy trình”, mà ở ta bao giờ cũng đúng quy trình. Nếu có sai sót thì đó là lỗi của cô đánh máy, của cậu văn thư, của chú công nhân vận hành, của cô y tá, hộ lý…. cùng lắm là của một kíp trực. Và sếp lại lên tiếng phê phán các sai trái đó rất gay gắt y như người ngoài cuộc, và tuyên bố thẳng thừng” người nào vi phạm sẽ bị xử lý nghiêm, không bao che. Sếp không trực tiếp làm việc cụ thể nào, nên không bao giờ mắc lỗi như đám nhân viên kia.

Làm gì để ngăn chặn hiện tượng “tết sếp”?

Nếu trách nhiệm của sếp, với tư cách người quản lý một đơn vị, được quy định rõ ràng với những tiêu chuẩn đánh giá cụ thể đo lường được, và các biện pháp khen thưởng, kỷ luật công minh thì chắc hẳn sếp phải chọn các nhân viên tài giỏi, năng lực tốt, ý thức trách nhiệm cao để cả đơn vị hoàn thành nhiệm vụ của mình.

Nếu sự thăng quan tiến chức của sếp tùy thuộc vào kết quả hoạt động của đơn vị mà sếp lãnh đạo, thì chính các nhân viên sẽ là người mà sếp phải tri ân, phải biết ơn, vì họ đã giúp sếp hoàn thành tốt vai trò của người lãnh đạo và giúp cho sếp giữ được cái ghế của mình, được đề bạt lên các vị trí cao hơn, chứ không phải là nhân viên phải tìm đến sếp như kiểu bây giờ.

Không sửa được căn nguyên đó, thì hiện tượng tết sếp méo mó như hiện nay không có cách gì ngăn cấm được.

• Đặng Thế Truyền