Có thể nói, hành quân là thách thức lớn nhất trong mọi thách thức mà các
tướng lĩnh phải đối mặt trong lịch sử - và cuộc xâm lược nước Nga của Napoleon
Bonaparte cách đây 200 năm cho thấy mọi việc có thể trở nên tồi tệ thế nào nếu
được đánh giá không đúng mức.
TIN BÀI KHÁC:
Iran 2012 nhìn từ Iraq 2003
Hình ảnh châu Âu chìm trong băng tuyết
Hình ảnh quân Pháp rút khỏi Moscow năm 1812 được tái hiện trong bức tranh
sơn dầu của cố họa sĩ January Suchodolski (1797–1875).
Chỉ di chuyển lực lượng từ điểm A tới điểm B thì chưa đủ, bạn phải lo đủ lương
thực và nước uống cho binh lính khi họ hành quân. Bởi vậy, tài vận chuyển quân
là một trong những nhiệm vụ quan trọng và phức tạp nhất mà mọi vị chỉ huy đều
phải quán triệt nếu muốn giành chiến thắng.
Năm 1812, Napoleon đang trong men say chiến thắng vì các kẻ thù đều bị đánh bại.
Đội quân vĩ đại gồm 400.000 người của ông được cho là bất khả chiến bại và
Napoleon tự vẽ ra một chiến thắng nhanh chóng ở Nga.
Tuy nhiên, chỉ trong vòng 6 tháng, lực lượng khổng lồ của ông đã giảm xuống còn
một nhúm người rời rạc tả tơi, và cứ 20 binh sĩ thì có chưa đến một người sau
này được gặp lại gia đình. Tại sao lại như thế?
Trong các chiến dịch trước đó ở Đông Âu, Napoleon đã giải quyết được vấn đề
lương thực cho binh sĩ bằng cách cho phép họ "tận hưởng cuộc sống" - hoặc cướp
bóc hoặc mua hết các nguồn cung trong khi tiến quân. Tuy nhiên, ý thức được rằng
một lợi thế như vậy sẽ là điều không thể ở "những vùng đất khô cằn của Ukraine",
Napoleon đã dự định cho mang theo lương thực thực phẩm.
Đây là một chiến dịch hậu cần với quy mô cực lớn, đòi hỏi một đoàn xe ngựa của
không dưới 26 tiểu đoàn - 8 tiểu đoàn được trang bị 600 các xe ngựa vừa và
nhỏ/mỗi tiểu đoàn, và số còn lại được trang bị 252 xe 4 ngựa kéo/mỗi tiểu đoàn
với sức chuyên chở 1,36 tấn (tổng cộng là 9.300 xe ngựa).
Để đưa tất cả số xe ngựa này vào hoạt động và di chuyển các kỵ binh cùng pháo
binh, Napoleon cần đến 250.000 con ngựa và rất nhiều cỏ mỗi ngày.
Và những con số trên không được tính đến.
Nếu Napoleon tới được Moscow trong 2 tháng, và chỉ với một nửa trong tổng số
400.000 binh sĩ lúc đầu, ông sẽ vẫn cần đến số quân nhu tổng cộng là 16.330 tấn
- gần như gấp đôi khả năng chuyên chở các đoàn tiếp tế.
Thay vào đó, Napoleon tiến quân chỉ với các khẩu phần cho 24 ngày. Rõ ràng, ông
đang mạo hiểm một chiến thắng nhanh chóng và một chiến dịch mà sẽ không thể kéo
dài hơn 3 tuần. Đó là một điều mơ tưởng.
Người Nga đã quyết định dừng chiến đấu và phá sạch mùa màng cùng quân nhu khi
rút đi, lừa Napoleon tiến sâu hơn vào những khu rừng, đầm lầy và những đồng cỏ
mênh mông.
Trong khi đó, Đội quân Vĩ đại hao tổn 5.000 người mỗi ngày do tình trạng đào
ngũ, bệnh tật và tự vẫn. Còn đàn ngựa tử vong với tốc độ 50 con/km, chủ yếu do
ăn uống mất vệ sinh.
Chỉ có hai trận đánh lớn - ở Smolensk, nơi quân Nga thua trận, và ở Borodino,
gần Moscow, một cuộc đọ sức đẫm máu dẫn tới thương vong ở cả hai phía là 40.000
người.
Khi phía Nga tiếp tục rút lui, Napoleon tiến vào
Moscow vào giữa tháng 9 với sức mạnh chỉ còn 1/4 so với ban đầu. Tuy nhiên, Sa
hoàng Alexander I nhất quyết không thương thuyết, và các vấn đề về hậu cần do
chính sách "vườn không nhà trống" của ông gây ra đã khiến Napoleon gần như không
còn lựa chọn nào khác ngoài việc phải rút lui.
Tuy nhiên, những khó khăn này mới chỉ là bắt đầu. Tiến vào Nga giữa tháng 6, và
đã tiên liệu một chiến dịch chóng vánh, đàn ngựa của Nepoleon vẫn đóng móng mùa
hè.
Nhưng mùa đông khắc nghiệt của nước Nga nhanh chóng kéo tới, và hậu cần ít ỏi đã
khiến ông phải trả giá đắt. Móng mùa đông được trang bị với những chiếc đinh nhỏ
để ngựa đi vững trên băng tuyết và không bị trượt ngã. Không có những chiếc móng
đó, một con ngựa không thể kéo một chiếc xe lên hay xuống núi.
Vào mùa đông năm 1812 ở Nga, thực trạng này đã gây ra thảm họa cho lực lượng vốn
đã suy giảm của Napoleon. Ngựa được đóng móng mùa hè sẽ bị "ngã xuống phía dưới
dù chúng đang kéo vật gì", theo ngôn từ của Bernie Tidmarsh, một trong những
người thợ đóng móng bậc thầy ở Anh. "Chúng sẽ không thể làm chủ được khi
xuống cũng như khi lên núi", ông mô tả. "Kết quả cuối cùng thường là gãy chân".
Bị đói, rét và quân Nga tấn công, Đội quân Vĩ đại trở nên tan tác.
Vào thời điểm Napoleon bỏ mặc đội quân của mình cho số phận của họ ở Ba Lan -
trở về Paris ngày 5/12 - quân số khi ấy còn chưa đầy 10.000 người đủ sức chiến
đấu. Đó là một thảm họa mà Napoleon không bao giờ khắc phục được.
Hành trình rút quân dài dằng dặc từ Moscow của Napoleon đã đi vào lịch sử như
một trong những thảm họa hậu cần khủng khiếp nhất của mọi thời đại. Không đủ
ngựa để vận chuyển cho quãng đường cách xa 2.400km, đội quân của ông không còn
cơ hội.
Tuy nhiên, nếu chuẩn bị tốt về hậu cần, một vị tướng có thể tranh thủ được lợi
thế trước kẻ thù.
Có lẽ, ví dụ gần nhất của điều này là trong thời kỳ Chiến tranh Pháp - Phổ
1870-71, khi tư lệnh Phổ Helmuth von Moltke tận dụng năng lực của các tuyến
đường sắt Đức để tập trung lực lượng trước khi Pháp có thể làm điều đó. Giành
được thế chủ động, ông không từ bỏ nó cho đến khi Phổ thắng lợi, một chiến thắng
đã mở ra sự thống nhất nước Đức.
Tuy thế, ngựa vẫn là phương tiện chủ chốt để vận tải binh lính và quân nhu qua
các địa thế hiểm trở cho đến khi xe Jeep được quân đội Mỹ đưa vào sử dụng thời
kỳ Thế chiến II. Loại xe này rất bền, chắc và linh hoạt. Chúng có thể được sử
dụng cho rất nhiều mục đích, có thể vận chuyển người bị thương hoặc đồ tiếp tế.
Nhờ những bánh xe đặc biệt, chúng thậm chí còn có thể chạy trên đường tàu.
Thanh Hảo (Theo BBC)